• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc đệ đơn tham gia hiệp định CPTPP

Thế giới 17/09/2021 17:00

(Tổ Quốc) - Ngày 16/9, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trang SCMP dẫn tin, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao ngày 16/9 gửi đơn tới Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Conno để xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trung Quốc nộp đơn tham gia hiệp định CPTPP giữa các cân nhắc của Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Bloomberg

Hiệp định CPTPP bao gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam với đóng góp thương mại  khoảng 13% GDP toàn cầu. 

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó, Cựu tổng thống Mỹ Donal Trump đã quyết định việc nước Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017 sau khi chỉ trích hiệp định này là nguyên nhân gây ra tình trạng mất việc làm của ngành sản xuất tại quốc gia này. 

Hiện tại, New Zealand phụ trách tiếp nhận yêu cầu gia nhập Hiệp định trong khi Nhật Bản nắm quyền Chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định CPTPP. Giới phân tích cho rằng Washington nên tham gia đàm phán với các thành viên CPTPP nhằm ngăn cản Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong các quy định thương mại toàn cầu. Trong Sách Trắng của Mỹ cũng đã nêu rõ mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong hoạt động kinh tế, quân sự và các lĩnh vực khác.

Vào tháng 1, Vương quốc Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). Anh đã nghiên cứu khả năng gia nhập CPTPP từ đầu năm 2018, nhằm kích thích xuất khẩu hậu Brexit.

"Trung Quốc dường như muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định này vì Bắc Kinh có thể bị phủ quyết nếu khả năng Anh đã được xét duyệt", Sourabh Gupta, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ tại Washington nhận định.

Một khi đơn gia nhập CPTPP của Trung Quốc được phê duyệt, một nhóm công tác sẽ được thành lập để tiếp tục xây dựng các tiến trình đàm phán. Ứng viên tham gia cần phải chỉ ra trách nhiệm tuân thủ quy tắc của CPTPP và bắt đầu quy trình thương lượng thuế quan với các thành viên theo hình thức song phương.

Mỹ đứng ngoài cuộc chơi?

Theo trang SCMP, động thái Trung Quốc xin gia nhập CPTPP diễn ra trong bối cảnh nước này chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại khác giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. RCEP bao gồm sự tham gia của 10 quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP chủ yếu liên quan tới việc gỡ bỏ thuế quan và giảm các hàng rào thương mại khác. Hiệp định này được xem là một thắng lợi cho Bắc Kinh trong bối cảnh thúc đẩy quan hệ kinh tế với các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc đang dẫn đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trong khi đó, CPTPP thực hiện ở quy mô lớn hơn, bao gồm cam kết về tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường, quy tắc ngăn ngừa doanh nghiệp nhà nước bóp méo thị trường, quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... 

Việc Trung Quốc xúc tiến tham gia CPTPP được cho là nhằm gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn còn thận trọng về việc trở lại với Hiệp định này.

Nhắc đến đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Tổng thống Joe Biden vẫn giữ vững lập trường không tham gia TPP nếu hiệp định này vẫn duy trì cách thức hoạt động như ban đầu.

Trước đó, Cựu tổng thống Trump đã kêu gọi Canada và Mexico tham gia đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Mỹ (Nafta) nhằm tăng cường các quy định về môi trường và lao động.

"Chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét một loạt các lựa chọn nhằm xây dựng quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thương mại không chỉ là lựa chọn duy nhất", bà Psaki nhấn mạnh.


Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ