(Tổ Quốc)-Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cảnh báo Kim Jong-un: Các khiêu khích quân sự có thể dẫn tới “kết thúc chế độ” ông ta.
- 12.08.2017 “Sửng sốt” bằng chứng Triều Tiên sẵn sàng thử tên lửa mới
- 12.08.2017 Điện đàm khẩn Mỹ- Trung về Triều Tiên: Căng thẳng tới đâu?
- 13.08.2017 Căng thẳng Mỹ- Triều Tiên: Bình Nhưỡng cấp tập chuẩn bị cho chiến tranh
- 13.08.2017 Bất ngờ “tương quan” tên lửa Triều Tiên và trí thông minh nhân tạo
- 14.08.2017 Rộ tin bất thường: Hàng loạt đại sứ Triều Tiên bị triệu hồi về nước
Trong những ngày gần đây, tình hình Bán đảo Triều Tiên phát sinh căng thẳng mới, khi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đưa ra các tuyên bố thách thức lẫn nhau.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ tiếp dầu trên không sau 10 tiếng hoạt động trên bầu trời Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên |
Tại sao Bình Nhưỡng dọa bắn tên lửa tới Guam?
Ngày 5/8, lệnh trừng phạt mới nhất do Mỹ khởi xướng và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua sau 2 vụ thử ICBM của Triều Tiên tháng 7, được cho là sẽ giáng đòn nặng nề nhất vào nền kinh tế Triều Tiên, cắt giảm 1/3 hoạt động xuất nhập khẩu của Triều Tiên mà tổng kim ngạch tương đương 3 tỷ USD. Vì vậy, Bình Nhưỡng trút hận lên Washington.
Ngày 9/8, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ” sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng. Ngày 10/8, Triều Tiên thông báo chi tiết rằng quân đội nước này đang lên kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào đảo Guam giữa tháng 8. Đến ngày 12/8, Tổng thống Trump lại cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ “sớm phải hối tiếc” nếu có bất kỳ động thái nào nhằm vào đảo Guam hay bất cứ nơi nào thuộc lãnh thổ Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố “các giải pháp quân sự hiện đã sẵn sàng nếu Triều Tiên hành động không khôn ngoan”.
Về động cơ của Tổng thống Trump, nhiều người ở Washington và các thủ đô trên Thái Bình Dương phải đặt câu hỏi: Liệu đây là chiến thuật hay chỉ là một “cơn điên”? Dennis C. Blair, đô đốc về hưu từng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và là giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nói: “Giờ đây chúng ta có một vị tổng thống phản ứng kiểu khoác lác nhằm tự đề cao bản thân. Ông ta đưa ra quá nhiều tuyên bố phóng đại để thuyết phục đối phương tin rằng khi chúng tôi cứng rắn thì anh sẽ phải xuống thang”. Cụ thể, ông Trump nói với những người xung quanh rằng ông tin là nhà lãnh đạo Kim Jong-un rốt cuộc sẽ buộc phải ký một thỏa thuận, và rằng những ngôn từ thẳng thừng của ông là nhằm mục đích tạo ra một cuộc khủng hoảng buộc ông Kim phải đàm phán trước khi Triều Tiên hoàn thiện được tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân và có thể tấn công đất liền của Mỹ.
Các máy bay tiêm kích hải quân Mỹ tại sân bân quân sự Andersen, Guam, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu |
Bất chấp những cuộc khẩu chiến mang tính hiếu chiến từ phía Mỹ và Triều Tiên, giới phân tích nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên hay nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện thực hóa đe dọa tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ. Xét ở một góc độ khác, khả năng tiến hành chiến tranh thực tế trên bán đảo Triều Tiên, ngay cạnh biên giới Trung Quốc và Nga, có lẽ chỉ là “võ mồm” của chính quyền Trump. Mặc dù điều này có nguy cơ gây lạm phát về mối đe dọa.
Phần lớn những phát biểu kích động của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên là nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc cuối cùng phải làm một điều gì đó trong vấn đề này. Việc Trung Quốc, ngày 5/8, chấp nhận những biện pháp cấm vận nặng nề nhất từ trước tới nay lên đồng minh của mình ở Triều Tiên, là một kết quả ngoại giao Mỹ.
Sáng 12/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó nhấn mạnh một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh những phát ngôn và hành động làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa phóng từ tàu ngầm?
Tuyên bố của Bình Nhưỡng buộc giới chức đảo Guam cùng với quân đội và các quan chức Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.
Đảo Guam một căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Đảo có khoảng 163.000 người dân và 1 căn cứ quân sự của Mỹ gồm 1 đội tàu ngầm, 1 căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển đồn trú. Hiện giới chức đảo Guam cùng với quân đội và các quan chức Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.
Tổng thống Trump đã gọi điện cho Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo, cam kết rằng “các lực lượng Mỹ sẵn sàng đảm bảo sự ổn định và an ninh của người dân ở Guam, cũng như những vùng lãnh thổ còn lại của Mỹ”. Thống đốc Calvo bày tỏ tin tưởng vào những cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ, cho rằng Tổng thống Trump “đang vả vào mặt” đối phương.
Trong diễn biến liên quan, một chuyên gia Mỹ về quân sự Triều Tiên Bermudez ngày 11/8 nói rằng các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Trên trang mạng “Triều Tiên 38 North” (38 độ Bắc) của Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), ông Joseph Bermudez đăng các ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đang tiến hành các khâu chuẩn bị cho vụ thử SLBM. Bermudez nhận định hoạt động trên tàu thử nghiệm tên lửa đạn đạo lớp SINPO ở căn cứ tàu ngầm Mayang-do cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một loạt vụ phóng thử “trên biển”. Cụ thể, họ đã tiến hành cải biến hoặc nâng cấp các hệ thống phóng của tàu ngầm hoặc đang phát triển một phiên bản tân tiến hơn của Pukguksong-1.
Pukguksong-1 SLBM lần đầu được bắn thử thành công ngày 24/8/2016. Tên lửa bay được 500 km hướng về phía Nhật Bản. Một hệ thống SLBM hiệu quả sẽ nâng cấp độ đe dọa tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng lên một mức mới, theo đó cho phép triển khai ở khu vực cách xa bán đảo Triều Tiên cũng như năng lực thực hiện “đòn tấn công thứ hai” trong trường hợp các căn cứ tên lửa của Triều Tiên bị tấn công.
Tên lửa Hwasong-14 thử nghiệm thành công hôm 28/7. Tên lửa này có thể bắn tới Guam. |
Đàm phán “dưới bàn”?
Ngày 10/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo cuộc chiến với Triều Tiên sẽ khốc liệt, song cho biết các nỗ lực ngoại giao đang mang lại kết quả và Washington muốn duy trì theo phương hướng đó.
Đàm phán cái gì? Triều Tiên tất nhiên không thương lượng để giải giáp kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đề nghị Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, mà chỉ có thể thương lượng để Bình Nhưỡng phải ngừng (đóng băng) các cuộc thử nghiệm vũ khí mới. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được một gói nhượng bộ chính trị và viện trợ kinh tế từ Mỹ và các bên liên quan. “Chính sách Ánh Dương” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách khôi phục, sẽ tạo thành một “phép cộng” có thể đem lại kết quả mà các bên chấp nhận được. Mặc dù Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa, nhưng chính phủ Seoul vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với người anh em ở phía Bắc./.
Lưu Việt