• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ gửi tín hiệu tới Ấn Độ - Thái Bình Dương qua Singapore

Thế giới 01/04/2022 16:14

(Tổ Quốc) - Cuộc hội đàm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long với ông Biden cho thấy Mỹ vẫn sẽ tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng từ Trung Quốc dù có phải quan tâm tới căng thẳng Nga-Ukraine.

Các nhà phân tích cho biết, hàng loạt cuộc gặp cấp cao của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Mỹ kéo dài một tuần cho thấy ý định của Washington là tiếp tục tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngay cả khi nước này đang bận tâm với những diễn biến ở châu Âu.

Chuyến thăm hiện tại của ông Lý Hiển Long tới Mỹ cũng tăng cường sự chú ý của dư luận tới mối quan hệ Mỹ-Singapore khi thời gian diễn ra chuyến thăm tương đối trùng với thời gian dự kiến ban đầu dành cho Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào ngày 28 và 29 tháng 3 nhưng đã bị hoãn lại.

Chong Ja Ian, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết chuyến đi của ông Lý có thể cho thấy rằng "cả chính quyền Biden và ông Lý đều đánh giá mối quan hệ song phương của họ là quan trọng và cũng cho thấy sự chú trọng của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á".

Mỹ gửi tín hiệu tới Ấn Độ - Thái Bình Dương qua Singapore - Ảnh 1.

Chuyến thăm của ông Biden tới Mỹ thể hiện sự coi trọng của cả hai nước với quan hệ song phương. Ảnh: EPA-EFE.

Ông Chong Ja Ian chỉ ra rằng chuyến đi của ông Lý đến Mỹ trùng với chuyến thăm của bốn ngoại trưởng ASEAN tới Trung Quốc. Hôm thứ Hai, Bắc Kinh thông báo rằng các nhà ngoại giao hàng đầu của Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar sẽ đến Trung Quốc trong các chuyến công du riêng biệt từ thứ Năm đến Chủ nhật, điều thể hiện "mối quan hệ gần gũi và hữu nghị" giữa Trung Quốc và khu vực này.

Thúc đẩy quan hệ Mỹ - Singapore

Prashanth Parameswaran, một thành viên của chương trình châu Á thuộc Trung tâm tham vấn Wilson, cho biết chuyến thăm này đã tạo cơ hội cho cả hai nhà lãnh đạo phát triển mối quan hệ cá nhân của họ. Sự kiện này cũng cho thấy cam kết của Washington đối với Đông Nam Á mặc dù nó không được coi là sự thay thế cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.

Ông Parameswaran nói, chuyến đi này đã củng cố giá trị của mối quan hệ Mỹ-Singapore trong bối cảnh khu vực và quốc tế rộng lớn hơn, dựa trên vai trò dẫn đầu khu vực của Singapore về kinh tế và lập trường mạnh mẽ đáng kể đối với Nga.

Singapore và Mỹ hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại, quốc phòng và an ninh. Và quốc đảo này cũng có cơ sở hậu cần cho hải quân Mỹ và đóng vai trò là trung tâm triển khai luân phiên các khí tài quân sự khác của Mỹ ở châu Á.

Hôm thứ Ba, ông Biden mô tả mối quan hệ Mỹ-Singapore là "khăng khít và bền chặt" và cả hai nước đều cam kết với tự do hàng hải và tạo thuận lợi cho luồng thương mại hàng hải ở Biển Đông, ông Biden cho biết.

Ông Lý Hiển Long, nhắc lại lời kêu gọi nhất quán của Singapore về việc Mỹ tăng cường can dự kinh tế với châu Á, cho biết ông đã thảo luận về "tầm quan trọng của việc Mỹ tăng cường cả về mặt chiến lược và kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương" với nhà lãnh đạo Mỹ.

Hành động như đã hứa?

Chuyến đi của ông Lý diễn ra sau khi một số quan chức cấp cao của Mỹ đã đến thăm Singapore vào năm ngoái. Các quan chức này đã cam kết sẽ đặt nền móng cho một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và hứa hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau đại dịch của khu vực, cùng nhiều điều khác. Các nhà phân tích cho biết các động thái này là tín hiệu của Washington để tăng cường liên kết với khu vực để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Brian Harding, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Viện Hòa bình Mỹ cho biết những nỗ lực cứng rắn của Singapore với Nga là ví dụ mới nhất về việc nước này trở thành đối tác Đông Nam Á quan trọng nhất của Washington.

Mặc dù không phải là một đồng minh hiệp ước chính thức, nhưng trong nhiều thập kỷ, Singapore luôn tự tin tuyên bố rằng sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á là điều cần thiết cho sự ổn định của khu vực.

"Có một điều gì đó khiến họ (Singapore-pv) trở nên khác biệt ngay cả với hai đồng minh hiệp ước của Mỹ ở Đông Nam Á," ông Harding nói, đề cập đến Philippines và Thái Lan.

Yếu tố thay đổi cuộc chơi

Phát biểu với tư cách cá nhân, Paul J. Smith, giáo sư tại Đại học hải chiến Mỹ, cho biết yếu tố thay đổi thực sự trong quan hệ Singapore - Mỹ là quyết định gần đây của Singapore mua máy bay chiến đấu F-35.

Mỹ gửi tín hiệu tới Ấn Độ - Thái Bình Dương qua Singapore - Ảnh 3.

Quyết định mua F-35 của Singapore thể hiện một bước tiến trong quan hệ quốc phòng hai bên. Ảnh: Reuters.

Singapore cũng đã đàm phán một số thỏa thuận để thành lập các trung tâm huấn luyện F-35 và F-16 ở Mỹ, bao gồm cả quyết định gần đây về việc củng cố hoạt động huấn luyện ở Arkansas, ông Smith lưu ý.

Ông Smith cho biết quyết định mua tiêm kích F-35 là của Singapore và việc Mỹ sẵn sàng thông qua cũng có nghĩa là mối quan hệ quốc phòng sẽ trở nên bền chặt hơn giữa hai nước.

Vào ngày 14 tháng 2, Tham mưu trưởng Không quân Singapore, Thiếu tướng Kelvin Khong cho biết rằng tiêm kích F-35, nhằm thay thế cho đội bay F-16, dự kiến sẽ được chuyển giao vào khoảng năm 2026. "Singapore đóng một vai trò quan trọng trong việc trang bị các thiết bị của Mỹ trong khu vực và tiến hành các cuộc tập trận chung, cùng các hoạt động khác. Tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục", ông Smith lưu ý.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ