• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ- Hàn tập trận: Thổi bùng căng thẳng Triều Tiên?

Thế giới 19/08/2017 16:02

(Tổ Quốc) - Mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc tập trận thường niên hàng năm của Hàn Quốc và Mỹ vào tuần tới – điều có thể khiến căng thẳng leo thang trở lại.

Sau khi Triều Tiên và Hoa Kỳ trải qua cuộc “khẩu chiến” về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, mọi sự chú ý đang dồn vào cuộc tập trận thường niên hàng năm của Hàn Quốc và Mỹ vào tuần tới –điều có thể khiến căng thẳng leo thang trở lại.

Bình Nhưỡng được cho là đã thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào tháng trước – dường như có thể đặt lục địa Mỹ trong tầm bắn, động thái đã khiến Mỹ cực lực lên án.

Triều Tiên sau đó đã đe dọa phóng tên lửa vào đảo Guam của Mỹ - điều nhà lãnh đạo Kim Jong-Un tuần này đã trì hoãn ra quyết định, tuy nhiên cảnh báo sẽ tiếp tục xem xét động thái tiếp theo của Washington.

Theo AFP, phản ứng của Triều Tiên đối với cuộc tập trận quân sự "Người bảo vệ tự do Ulchi" (UFG) bắt đầu vào thứ hai sẽ là chìa khoá quyết định điều gì xảy ra tiếp theo.

mỹ hàn tập trậnTập trận UIG sắp tới được cho là sẽ khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang trở lại. (Nguồn: AFP)

Cuộc tập trận hàng năm này - được cho chỉ nhằm mục đích phòng thủ dự kiến gồm khoảng 50.000 quân Hàn Quốc và 17.500 quân Mỹ, Bộ Quốc phòng Seoul ngày 18/8 cho hay.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng xem đây là một cuộc diễn tập đầy khiêu khích nhằm chuẩn bị cho việc xâm lược lãnh thổ của họ, đồng thời đe dọa hành động đáp trả quân sự mạnh mẽ mỗi năm.

Triều Tiên cho hay quyết định phóng tên lửa tới Guam có thể sẽ được khôi phục nếu Washington "hành động liều lĩnh" và các nhà phân tích nói rằng cuộc tập trận này có thể trở thành một điểm nóng đáng báo động.

James Acton, đồng giám đốc của Chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: "Tôi lo rằng họ có thể thực hiện kế hoạch trên (phóng tên lửa tới Guam) khi các cuộc tập trận chung bắt đầu.

“Thọc mũi nhọn”?

Trước đó, Triều Tiên đã liên tục kêu gọi chấm dứt các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa các nước đồng minh để đổi lấy việc đóng băng các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Vào đầu những năm 1990, Seoul và Washington đã đồng ý hủy bỏ một cuộc tập trận - được gọi là Team Spirit để đổi lấy việc Triều Tiên cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân bí mật của họ. Tuy nhiên, sau đó Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình phát triển vũ khí của mình.

Vipin Narang, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts chuyên về chiến lược hạt nhân, đã cảnh báo về một lệnh huỷ bỏ khác.

Ông Narang nói với AFP rằng "việc hủy bỏ cuộc tập trận sẽ nhường lại vị thế lớn cho Triều Tiên nhằm mục đích chia tách khối đồng minh và thọc một mũi nhọn đẩy Hàn Quốc và Hoa Kỳ xa nhau."

Còn chuyên gia Choi Kang của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết, thúc đẩy các cuộc tập trận là điều cần thiết cho lời hứa của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In về việc "ngăn ngừa chiến tranh bằng mọi giá".

"Seoul sẽ nói rằng căng thẳng hiện nay sẽ cần một liên minh mạnh mẽ hơn và hợp tác quân sự chặt chẽ hơn," ông nói.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong tuần này cho biết, cuộc tập trận UFG, được bắt đầu từ năm 1976, sẽ được tiến hành theo kế hoạch.

Tuy nhiên, họ từ chối bình luận về việc trong một nỗ lực để giảm căng thẳng thì liệu cuộc tập trận có được thu nhỏ lại hay không.

Số lượng quân đội Hoa Kỳ tham gia UFG do Bộ Quốc phòng Seoul đưa ra cho thấy một sự cắt giảm so với năm ngoái, khi có 25.000 lính Mỹ tham gia.

Koo Kab-Woo, một giáo sư tại Seoul nghiên cứu Triều Tiên, nói: Các đồng minh có thể tìm cách thể hiện một cử chỉ hòa giải đối với Bình Nhưỡng bằng cách không triển khai các vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ như máy bay ném bom tàng hình hoặc tàu sân bay.

Máy bay ném bom B-1B?

Các máy bay ném bom B-1B siêu âm, đồn trú tại căn cứ không quân Andersen của Hải quân Hoa Kỳ tại Guam thường bay qua bán đảo Triều Tiên để tập trận chung và để thể hiện "toàn bộ năng lực quân sự" của Washington – điều đã khiến Bình Nhưỡng nhiều lần chỉ trích.

Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên trì hoãn kế hoạch tấn công tên lửa Guam, ông đã cảnh báo Hoa Kỳ phải chấm dứt "sự khiêu khích" và đề cập tới điều ông gọi là "vũ khí chiến lược hạt nhân khổng lồ" đã được đưa vào khu vực này.

Trong một kịch bản lý tưởng, Acton cho biết, hai bên sẽ đồng ý rằng Triều Tiên sẽ không tiến hành các cuộc thử tên lửa hướng về Hàn Quốc hoặc Nhật Bản - điều sẽ ngăn không cho họ tiến gần Guam, và đổi lại, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt việc thực hiện các chuyến bay huấn luyện của B-1B tới khu vực được xác định phạm vi với Triều Tiên.

Narang chia sẻ, bất kỳ cuộc thương lượng nào cho một thỏa thuận thầm lặng để giảm tần số và phạm vi của các chuyến bay B-1B "không cần phải công khai và nó có thể tiến hành đằng sau hậu trường". "Tôi nghĩ tiến trình này hợp lý này có thể diễn ra ở đâu đó."

(Theo AFP) 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ