(Tổ Quốc) - Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đã mang tới một “món quà” cho Điện Kremlin.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đã mang tới một “món quà” cho điện Kremlin. Động thái của Mỹ đồng nghĩa với việc ông Vladimir Putin và nước Nga có thể “hưởng lợi” với giá dầu tăng cao - xương sống thực sự trong nền kinh tế quốc gia Nga.
Đồng thời, sức ảnh hưởng– những gì Tổng thống Putin và nước Nga đã mất khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt trừng phạt – đang được tăng cường.
Ông Putin vẫn chưa thể tránh khỏi các biện pháp trừng phạt do Quốc hội Mỹ áp đặt và Tổng thống Trump miễn cưỡng thực hiện nhằm vào Nga. Tuy nhiên, trong khi quan hệ song phương Mỹ - Nga đang xuống thấp thì nhiều chính sách của Mỹ đang dấy lên sự phản đối ngay tại nước Mỹ và khiến quan hệ liên minh phương Tây chia rẽ.
Mỹ “đảo ngược” chiến lược đa diện
Từ khi nhậm chức cho tới nay, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – điều khiến vai trò thương mại của Trung Quốc được tăng cường; là quốc gia duy nhất rời khỏi cả hiệp ước khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân của Iran; đe doạ cả các đồng minh thân cận nhất bằng một loạt các chính sách thuế quan mới. Và cùng với đó là nhiều rối ren mà cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 mang lại cho nội bộ nước Mỹ.
Nga đang thể hiện được ảnh hưởng của mình trong những vấn đề Mỹ "đảo ngược" chính sách. |
Trước những diễn biến trên, tác động thực sự, hữu hình nhất và ngay lập tức nhất sẽ được thể hiện trong các con số -có thể sẽ đảo chiều sự sụy sụp Nga phải gánh chịu khi bị áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây vài năm gần đây. Xương sống của nền kinh tế quốc gia Nga là dầu mỏ và một trong những nền tảng cho vị thế lãnh đạo của ông Putin là giá dầu.
Một năm trước, giá dầu thô Brent dao động trong khoảng từ 46 - 51 USD/thùng. Vào ngày 15/5, giá dầu đã tăng vọt lên 78 USD/thùng- diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Giá dầu thô đã tăng thêm khoảng 10 USD trong hai tháng gần đây, khi thị trường dầu bắt đầu phản ứng xoay quanh các đồn đoán Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Tehran.
Trong khi Nga sản xuất gần 11 triệu thùng dầu/ngày thì việc giá dầu tăng đồng nghĩa với việc có thêm 110 triệu USD/ngày - 40 tỷ USD/năm doanh thu bổ sung.
Không nghi ngờ gì rằng các biện pháp trừng phạt vài năm qua đã có một số ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế Nga, chắc chắn bao gồm một số tinh hoa chính trị Nga. Tháng 4 không phải là một tháng tốt cho chứng khoán Nga, chỉ số chứng khoán chính giảm 11.4% chỉ trong một ngày, và 50 quan chức chính trị giàu có nhất của nước này đã mất 12 tỷ USD, theo Forbes.
Sau những chuỗi ngày trên, các nhà đầu tư vào chứng khoán Nga đã được thưởng “một cách hân hoan” vì sự kiên nhẫn của họ trong tháng qua, khi chỉ số chứng khoán RTS Nga tăng từ 1.085 vào ngày 16 đến 1.194 điểm vào ngày 11/5, tăng hơn 10%.
Nga thích nghi thế cục khắc nghiệt
Đồng thời, ông Putin đã bắt đầu tìm cách gia tăng “số tiền bảo hiểm cho rủi ro” cho nước Nga bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu dầu thô của Nga. Vào tháng 1, một đường ống dẫn dầu thứ hai đến Trung Quốc đã được ra mắt, có khả năng tăng gấp đôi lượng nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc lên 30 triệu tấn thông qua hệ thống đường ống liên kết của hai nước.
Vẫn rất khó để xác định tác động chính xác của các lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với nền kinh tế Nga. Nhưng một số các công ty lớn, hoạt động đa quốc gia và giao dịch công khai của Nga dường như đã phát triển mạnh, cải thiện bảng cân đối chi tiêu của họ - đặc biệt là ba ngân hàng lớn nhất Nga (Sberbank, VTB và Gazprombank); ba ông lớn dầu khí (Rosneft, Novatek và Transneft). Ba công ty dầu khí này đã giảm đáng kể nợ nần của họ, trong khi ba ngân hàng lớn trở nên ít phụ thuộc vào tài chính bên ngoài. Số liệu của ngân hàng trung ương Nga cho thấy nợ nước ngoài của các tập đoàn Nga đã giảm 11,1 tỷ USD trong năm 2016 và 15,2 tỷ USD vào năm ngoái.
Hơn nữa, các công ty phương Tây tiếp tục tìm thấy cơ hội gia tăng lợi nhuậnthực sự hấp dẫn để thu hút họ tiếp tục làm kinh doanh ở Nga. Đầu tư trực tiếp của Đức tại Nga tăng vọt lên 1,08 tỷ USD trong ba quý đầu năm ngoái, tăng gấp bốn lần trong cả năm 2016, với tập đoàn Daimler của Đức xây dựng nhà máy lắp ráp trị giá 250 triệu euro (gần 299 triệu USD) gần Moscow. Các khoản đầu tư của Pháp đã tăng lên 524 triệu USD trong năm ngoái từ mức 438 triệu USD một năm trước đó. Phần lớn điều này có thể được cho là do môi trường đầu tư được cải thiện ở Nga, có thứ hạng trong bảng Chỉ số thuận lợi cho kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018 đã tăng lên vị trí thứ 35 trong số 190 quốc gia, từ mức 92 trong năm 2014.
Và cả ở tầm vĩ mô, giá dầu tăng trong năm qua dường như đã bù đắp được phần lớn tác động của các lệnh trừng phạt. Theo báo cáo của Reuters hồi tuần trước, Nga đột ngột tăng trưởng ngân sách trong năm nay lần đầu tiên kể từ năm 2011 - chủ yếu là do giá dầu thô tăng 65%, chiếm 40% thu ngân sách của quốc gia.
Có thể nói, mối lo ngại về việc trừng phạt khắc nghiệt đối với Iran không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến giá dầu; các yếu tố như sự suy giảm sản lượng dầu thô của Venezuela cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã kéo theo một bất ngờ khác, mặc dù hầu như không được hoan nghênh, như một món quà cho Tổng thống Nga – đang hưởng lợi từ các giới hạn của chủ nghĩa Ưu tiên nước Mỹ.