(Tổ Quốc) - Lầu Năm Góc hoan nghênh hiệp ước an ninh mới của Australia và Nhật Bản và kỳ vọng văn bản này sẽ là trợ lực lớn hơn cho hợp tác 3 bên, theo Nikkei Asia.
Mỹ đang kỳ vọng các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đáng tin cậy nhất của mình là Nhật Bản và Australia sẽ có bước tiến hợp tác mới sau khi hiệp ước an ninh gần đây có hiệu lực.
Tăng cường huấn luyện và tập trận chung giữa Australia và Nhật Bản
Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) giữa Australia và Nhật Bản đã được ký kết vào ngày 6/1/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 13/8 năm nay. Thỏa thuận này đã giảm bớt các thủ tục cho hoạt động huấn luyện và tập trận quân sự chung bằng cách tạo khuôn khổ pháp lý cho Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau. Thêm vào đó, RAA cũng giúp đơn giản hóa các thủ tục vận chuyển vũ khí và đạn dược.
Thời điểm RAA đi vào hiệu lực tượng trưng cho một giai đoạn mới trong quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai bên. Hiện tại, Australia và Mỹ là 2 quốc gia duy nhất có thỏa thuận như vậy với Nhật Bản.
Ngay ngày 14/8, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã thông báo sẽ đưa 4 máy bay chiến đấu F-35, 3 máy bay vận tải và một máy bay tiếp nhiên liệu tới Australia để huấn luyện triển khai cơ động vào cuối tháng 8. Trong khi đó, Australia cũng dự kiến gửi 6 máy bay chiến đấu F-35 tới Nhật Bản để huấn luyện kết hợp trong tháng này.
Những động thái trên cho thấy sự nghiêm túc của cả hai bên trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng.
"Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia, đồng thời nâng cao sự hợp tác quốc phòng song phương theo thỏa thuận mới", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada thông tin với các phóng viên vào tuần trước.
Theo RAA, Nhật Bản sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận các cơ sở đào tạo ở Australia. Kể cả đối với các hoạt động trên quy mô lớn, thủ tục giấy tờ cũng sẽ đơn giản hơn.
Nâng tầm hợp tác an ninh 3 bên
Trước động thái của 2 đồng minh lớn, Phó phát ngôn viên báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng thỏa thuận này "cho thấy mong muốn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Và rõ ràng đó là mong muốn chung được các đồng minh và đối tác của chúng tôi chia sẻ. Các thỏa thuận như vậy sẽ giúp chúng tôi thực thi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và sẽ tiếp tục mang lại an ninh và thịnh vượng cho khu vực".
Washington và Canberra cũng đã cam kết tăng cường các cuộc tập trận chung ba bên với Nhật Bản tại diễn đàn cấp bộ trưởng song phương AUSMIN vào cuối tháng Bảy vừa qua. Để đạt được mục tiêu đó, ba nước đang vạch ra một kế hoạch hành động chi tiết về các hoạt động quân sự, bao gồm cả huấn luyện có kết hợp sử dụng F-35.
Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng sẽ nỗ lực theo đuổi phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp. Sự hợp tác ba bên như vậy có thể giúp Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ đảo Guam, một lãnh thổ chiến lược ở phía tây Thái Bình Dương. Ba quốc gia cũng sẽ tìm kiếm cơ hội thực hiện các cuộc tập trận chung.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng sự hợp tác ba bên với Nhật Bản là rất quan trọng và sẽ mang lại những lợi ích lâu dài vô cùng quý giá. Chúng tôi tin rằng điều đó sẽ tăng cường đáng kể năng lực phối hợp và tạo ra khả năng răn đe ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."
Trong một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp, Australia có thể cung cấp các hệ thống cảnh báo sớm và các bệ phóng tên lửa hỗ trợ cho an ninh của Mỹ và Nhật Bản.
Alex Bristow, phó giám đốc quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho biết sự hợp tác ba bên như vậy là "chìa khóa và cốt yếu" đối với an ninh khu vực.
Ngoài những tín hiệu này, chính quyền của ông Biden cũng đang mở rộng các thỏa thuận an ninh đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mỹ, Vương quốc Anh và Australia đã xây dựng khuôn khổ an ninh AUKUS với mục tiêu hợp tác về các công nghệ quốc phòng tiên tiến. Washington, Tokyo và Seoul cũng đang tăng cường hợp tác để phòng ngừa mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Một quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ cho biết: "Chúng tôi thấy Australia đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực. Điều chúng tôi đang hướng tới là sẽ tiếp tục hợp tác trong những năm tới, đặc biệt là khi có thêm sự tham gia của Nhật Bản để tăng cường sự ổn định khu vực".
Theo Nikkei Asia, ba quốc gia này cũng đang tiến tới đưa Philippines vào liên minh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lần đầu tiên có cuộc gặp với những người đồng cấp Australia, Nhật Bản và Philippines vào tháng 6 vừa qua.