• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ “lạc hướng” tại Trung Đông: Cần đảo ngược chiến lược?

Thế giới 22/01/2018 14:06

(Tổ Quốc) - Chiến lược của Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Syria đang dấy lên nhiều quan ngại khi không hiệu quả và có thể đang đi sai hướng.

Theo National Interest (NI), trong khi hầu như cả nước Mỹ đang tập trung xung quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, các vấn đề chính sách đối ngoại khác có tầm quan trọng thực sự đã không được chú ý và đang đi sai hướng. Các quyết định quân sự ở Afghanistan, Iraq và Syria đang có nguy cơ kéo dài thêm danh sách thất bại chiến lược của Mỹ trong tương lai.

Tại Afghanistan, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa trở về từ một chuyến đi đến Kabul, nơi ông nói rằng Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ "có mặt ở đó để theo dõi diễn biến khu vực." Tuy nhiên, một điều nên được làm rõ rằng, bất kể có bao nhiêu quả bom Mỹ thả xuống đó, thì khoảng 15 nghìn lính Mỹ tại đây vẫn sẽ ko mang lại chiến thắng cho washington ở Afghanistan.

Số lượng quân đội hiện tại là đủ để ngăn chặn chính phủ ở Kabul sụp đổ, nhưng chưa đủ để tiến xa hơn. Nếu không có sự thay đổi, kế hoạch mới của chính quyền Tổng thống Trump sẽ kéo dài thêm 4 năm nữa chỉ để tiếp diễn một chiến lược không hiệu quả đã kéo dài từ năm 2001.

Chiến lược quân sự Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Syria được cho là chưa hiệu quả.

Ở một khu vực khác, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nói rằng, mặc dù các lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu đã giải phóng tất cả các khu vực nhóm Nhà nước Hồi giáo IS từng kiểm soát tại Iraq, nhưng nhóm này vẫn là "mối đe dọa đối với sự ổn định ở các khu vực mới được giải phóng " và do đó, ông dự định duy trì sự hiện diện quân Mỹ ở Iraq vô thời hạn.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) - Tướng Joseph Votel, cũng nói rằng các lực lượng Mỹ sẽ vẫn ở Syria vô thời hạn để hỗ trợ thành lập lực lượng biên phòng người Ả rập và người Kurd địa phương nhằm "ngăn chặn sự hồi sinh của ISIS và sẽ giúp kiểm soát tình hình."

Cây viết Daniel L. Davis – cựu Trung tá quân đội Mỹ nhận định rằng, khoá huấn luyện các lực lượng dân quân người Kurd và Arap tại Syria hầu như không có nhiều cơ hội nhằm ngăn chặn sự hồi sinh của bất cứ lực lượng nào và thậm chí còn ít cơ hội hơn khi muốn kiểm soát tình hình.

Ở Iraq, Syria và Afghanistan, bất chấp sự trấn an đầy tự tin của một loạt các nhà lãnh đạo quân sự và hành chính Mỹ, sự hiện diện quân sự tại đây sẽ không mang lại sự ổn định, trong khi cũng không tăng cường được an ninh cho Mỹ. Cũng theo cây viết Davis, cách tốt nhất để bảo vệ nguồn lực của nước Mỹ, duy trì sức mạnh của Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và kết thúc hai thập kỷ  thất bại chiến lược là  kết thúc một cách thành công các nhiệm vụ trên và tái bố trí lực lượng quân đội Hoa Kỳ.

Hiện tại, Hoa Kỳ đang chi hàng tỷ USD mỗi năm, với nhiều binh lính tử nạn và thương vong để chuyển hướng đào tạo từ chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm ẩn chống kẻ thù sang tham gia vào các chiến dịch quân sự cụ thể - điều đã có nhiều bằng chứng và phân tích cho thấy có nhiều nguy cơ thất bại. Để chấm dứt sự thất bại chiến lược lâu dài này, chính quyền Mỹ cần chú ý tới một số hành động.

Hành động chiến lược

Thứ nhất, Washington phải thiết lập một khung thời gian hợp lý, khoảng hai mươi bốn tháng, và thông báo cho Kabul cùng tất cả các quốc gia liên minh rằng các chiến dịch quân sự ở Afghanistan của Mỹ sẽ chấm dứt. Chính phủ Afghanistan sẽ có khoảng hai năm nhận được sự hỗ trợ quân sự ở mức độ hiện tại để xây dựng nền tảng an ninh của mình và thực hiện các hoạt động cần thiết để chuẩn bị cho việc chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình hình quốc phòng. Sau hai năm đó, trong khoảng 12 tháng, Mỹ sẽ thực hiện việc bố trí lại quân đội một cách có trật tự.

Hành động thứ hai, Nhà Trắng nên yêu cầu Lầu Năm Góc rút toàn bộ nhân viên và trang thiết bị ra khỏi Syria, hoàn thành trong vòng chín mươi ngày kể từ ngày có mệnh lệnh. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng đệ trình kế hoạch rút tất cả các nhân viên quân sự Mỹ ở Iraq. Việc này sẽ hoàn thành trong vòng sáu tháng kể từ ngày lệnh được  ban hành.

Lí giải khoảng trống Mỹ tại Trung Đông?

Cũng theo cây viết Davis, không có dấu hiệu nào cho thấy việc Mỹ rút quân khỏi các khu vực trên sẽ tạo ra một "khoảng trống" để những kẻ thù của Mỹ  nhanh chóng lấp đầy và an ninh quốc gia Mỹ bị đe dọa.

Điều thứ nhất, thật khó để tưởng tượng một cường quốc toàn cầu khác sẽ háo hức tham gia sau quá trình thất bại và tốn kém lâu dài của nước Mỹ. Thứ hai, sự hỗn loạn hiện đang ảnh hưởng đến Trung Đông không phải là điều mới. Tình hình trên vẫn diễn ra tại Trung Đông trong suốt nhiệm kỳ tám năm của Tổng thống Reagan và vẫn sẽ tiếp diễn sau khi Mỹ rút lui. Sự hiện diện của Mỹ chưa giảm thiểu được sự hỗn loạn.

Trên đây là một số bước đi chính. Nếu Tổng thống Trump không thực hiện các động thái này thì các nhiệm vụ ở Iraq, Syria và Afghanistan sẽ tiếp tục lún sâu mà không được giải quyết và trong lâu dài sẽ tiếp tục quá trình “chảy máu” tài nguyên quốc gia của Mỹ. Hơn nữa, những diễn biến sẽ tiếp tục gia tăng nguy cơ suy giảm năng lực của Mỹ trong việc đối phó với các tình huống bất ngờ của khu vực, chẳng hạn như chống lại Triều Tiên hay Nga.

Tác giả Davis nhận định, hai thập kỷ minh chứng rõ ràng rằng các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông và Afghanistan đã thất bại chiến lược. Cái giá của việc tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài, một cách không cần thiết và có chủ đích là quá cao và cần được xem xét lại. Các chính sách hợp lí cần được thực hiện để mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ