• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ lần đầu tiên xác định Trung Quốc là “đối thủ” đe dọa các lợi ích Mỹ trên toàn cầu

Thế giới 27/12/2017 08:40

(Tổ Quốc) - Ngày 18/12, Donald Trump “trình làng” bản Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) đầu tiên.  

Không chỉ Quốc hội Mỹ là nơi tiếp nhận trực tiếp bản NSS này nghiên cứu nó, mà nhiều thủ đô soi vào đây để biết tư duy chiến lược, đường đi nước bước và ý đồ thực sự của Mỹ trong vấn đề an ninh quốc gia. Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới. Những điều Mỹ làm hoặc không làm ít nhiều sẽ tác động đến thế giới.

NSS đầu tiên của một chính quyền mới ở Mỹ thường được chú ý nhiều hơn  NSS sau đó. Đặc biệt, khi nó là sản phẩm chiến lược của Tổng thống Trump, người gần một năm qua gây nhiều tranh luận và đồn đoán.

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ theo “kiểu Donald Trump”

NSS của Donald Trump nêu lên 4 trụ cột: Bảo vệ người dân, đất nước và lối sống Mỹ; Thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ; Hòa bình dựa trên sức mạnh; Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

 Donald Trump xác định Trung Quốc là đối thủ của Mỹ.

Tư duy khá mạch lạc, lời văn dễ hiểu và “rất Trump”, tài liệu này là một nỗ lực để biến các bản năng “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump thành một học thuyết chính sách đối ngoại, nhằm kết nối các mục tiêu đầy tham vọng với các phương thức để thực hiện chúng.

Bản NSS đã không ít lần phê phán những điều được xem là “lầm đường lạc lối” của các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại làm suy yếu nước Mỹ, làm cho các đối thủ và đồng minh của Mỹ hưởng lợi không chính đáng.

NSS nêu rõ: “Nước Mỹ đang đối diện với một thế giới cực kỳ nguy hiểm, đầy rẫy mối đe dọa không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Các chế độ bất hảo đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để đe dọa hành tinh này. Những nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan đang nở rộ. Các cường quốc đối thủ đang hung hăng phá hoại các lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. Các hoạt động thương mại bất công  đã khiến nền kinh tế (Mỹ) suy yếu và đưa việc làm ra khỏi nước Mỹ. Sự không công bằng trong chia sẻ gánh nặng  của các đồng minh và đầu tư không thích đáng cho quốc phòng đã tạo ra các nguy cơ chúng ta bị kẻ thù hãm hại”.

Truyền bá “mối đe dọa Trung Quốc”

Trung Quốc là quốc gia được nhắc đến nhiều lần nhất (33 lần) như là đối thủ cạnh tranh gây nguy hại cho Mỹ và đồng minh tại châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và lối sống Mỹ: “Trung Quốc tìm cách thay thế Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nối dài cánh tay của mô hình kinh tế nhà nước và thay đổi trật tự khu vực theo ý đồ của mình”; “Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Mỹ  bắt nguồn từ niềm tin về việc hỗ trợ cho quá trình trỗi dậy và hội nhập của Trung Quốc vào trật tự quốc tế sau chiến tranh sẽ góp phần tự do hóa đất nước này. Trái ngược với hy vọng của chúng ta, Trung Quốc đã mở rộng quyền lực thông qua xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác”.

 Donald Trump khẳng định "hòa bình thông qua sức mạnh".

Nga được đề cập tại NSS như “cặp bài trùng” với Trung Quốc, nhưng ở mức độ “nhẹ” hơn. Người ta cho rằng, Nga được đưa vào NSS để làm hài lòng các thế lực chống Nga ở Washington, tạo ra một thứ “bành mỳ kẹp chả”, tránh làm cho Trung Quôc quá phật lòng. Trong phát biểu khi trình làng bản  NSS này, ông Trump tuyên bố: “Chúng ta đang đương đầu với các cường quốc đối địch, là Nga và Trung Quốc – những nước đang tìm cách thách thức ảnh hưởng, giá trị và thịnh vượng của nước Mỹ”.

Với NSS này, nước Mỹ dường như muốn chấm dứt mối quan hệ “hợp tác và đấu tranh” giữa Mỹ và Trung Quốc như mô thức hình thành qua 4 thập kỷ; kết thúc việc Trung Quốc “đi ké xe” trong phát triển kinh tế. Mặc dù không phá vỡ khuôn khổ hợp tác, nhưng “Mỹ phải chuẩn bị sự cạnh tranh đối với Trung Quốc”, như một “đối thủ”.

Về Biển Đông, NSS viết: “Những nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở vùng Biển Đông đe dọa tự do thương mại, chủ quyền của các quốc gia khác và gây bất ổn trong khu vực. Trung Quốc lên kế hoặch cho một chiến dịch hiện đại hóa quân sự nhanh chóng để hạn chế sự tiếp cận của Mỹ ở khu vực và ngăn cản Trung Quốc tự tung tự tác trong khu vực”.

NSS đề cao vai trò của Ấn Độ như một “cường quốc hàng đầu thế giới”; hoan nghênh và ủng hộ “vai trò lãnh đạo mạnh mẽ” của Nhật Bản. Việt Nam, cùng với một số nước Đông Nam Á khác, được đề cập như “đối tác an ninh và kinh tế với Mỹ” và “đối tác trên lĩnh vực hợp tác hàng hải”.

Tuy nhiên, khi phê phán gay gắt Trung Quốc, NSS không che dấu ý đồ tập hợp lực lượng mới do Mỹ lãnh đạo.

NSS đầu tiên của Tổng thống Trump vấp phải chỉ trích ở Mỹ, ở Trung Quốc và Nga. Giới học giả Mỹ cho rằng NSS cần bám sát với thực tế hơn, với tham vọng khiêm tốn hơn./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ