(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ quan trọng nhất năm vào tuần tới, Mỹ lo ngại rằng Bình Nhưỡng "có thể leo thang thực hiện một hành động biểu dương lực lượng", bao gồm cả khả năng thực hiện một vụ thử hạt nhân.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Sung Kim, cho biết Washington đang nghi ngờ Bình Nhưỡng có thể đang lên kế hoạch cho việc thử nghiệm tên lửa, thậm chí là một vụ thử nghiệm hạt nhân vào tuần tới, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) hiện đại, ông Kim Nhật Thành.
Ông Sung Kim nói: "Tôi không muốn suy đoán quá nhiều, nhưng tôi nghĩ đó có thể là một vụ phóng tên lửa khác, cũng có thể là một vụ thử hạt nhân".
Ông Sung Kim cho biết: "Chúng tôi hợp tác và phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình, sẵn sàng đối phó với bất cứ điều gì họ có thể thực hiện và tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi hy vọng họ sẽ kiềm chế để tránh các hành động khiêu khích thêm nữa".
Triều Tiên sẽ kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4. Ông Kim Nhật Thành là ông nội của nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un. Triều Tiên chưa tiến hành một vụ thử tên lửa hạt nhân nào kể từ tháng 9/2017, lần thứ sáu trong lịch sử thử hạt nhân của nước này.
Nga, Trung ngăn Mỹ lên án tên lửa Triều Tiên
Khi leo thang tại Ukraine đang làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Điện Kremlin và phương Tây, ông Sung Kim cho biết các nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ngăn cản Mỹ lên án loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.
"Thật không may, tôi không thể nói rằng chúng tôi đã có các cuộc thảo luận hiệu quả với Trung Quốc hoặc Nga về một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", ông Sung Kim nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Tư.
Hai nước này cũng ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào lên án 13 vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, theo ông Sung Kim.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn đang theo đuổi một nghị quyết mới để lên án các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng vì "Hội đồng Bảo an cần thể hiện phản ứng trước những vi phạm rõ ràng đối với nhiều nghị quyết của cơ quan này", ông Sung Kim nói. "Đây là vấn đề về độ tin cậy của Liên hợp quốc."
Triều Tiên tiếp tục cứng rắn, Mỹ viện đến Trung Quốc
Ông Sung Kim, người cũng là Đại sứ Mỹ tại Indonesia, đã đến Washington trong tuần này và có nhiều cuộc gặp, bao gồm cả cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc vào ngày thứ Ba để có một "cuộc thảo luận rất dài và chi tiết."
Ông Sung Kim cho biết, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, ông vẫn "tin rằng Bắc Kinh chia sẻ mục tiêu của chúng tôi là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên."
Một yếu tố thúc giục Mỹ tiếp cận Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên là do Bình Nhưỡng đã từ chối tất cả các yêu cầu nối lại đàm phán của Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden.
Ông Sung Kim nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã gửi một số thông điệp, cả công khai và riêng tư, mời họ tham gia đối thoại mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào, nhưng Triều Tiên vẫn chưa trả lời, điều mà ông Kim gọi là "rất đáng thất vọng".
Ông từ chối suy đoán lý do tại sao, nhưng cho biết đại dịch COVID-19 có thể là một lý do. Ông nói: "Triều Tiên thấy mình bị cô lập theo những cách chưa từng có và đã tự đóng cửa trong đại dịch COVID. Chỉ có nối lại ngoại giao mới có thể phá vỡ sự cô lập này".
Trong khi không nhận được tín hiệu tích cực nào từ Triều Tiên, Mỹ lại nhận được những lời tuyên bố cứng rắn hơn từ em gái của ông Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong. Bà Kim Yo- jong tuần này đã cảnh báo về một cuộc đáp trả hạt nhân nếu Hàn Quốc có động thái leo thang quân sự.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), đáp trả lại thông điệp của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook ngày 1/4 rằng quân đội Hàn Quốc có nhiều loại tên lửa với tầm bắn, độ chính xác và uy lực được cải thiện đáng kể, có "khả năng bắn chính xác và nhanh chóng bất kỳ mục tiêu nào ở Triều Tiên", bà Kim Yo- jong cho rằng phát biểu này là một "sai lầm rất lớn". "Nếu vì bất kỳ lý do gì, kể cả do nhận định sai, Hàn Quốc chọn hành động quân sự như 'tấn công phủ đầu' (như lời Bộ trưởng Suh Wook) thì tình hình sẽ thay đổi. Trong trường hợp đó, Hàn Quốc sẽ trở thành mục tiêu".
Trong khi đó, ông Sung Kim cũng cho rằng chính sách về Triều Tiên của ông Biden sẽ không nhanh chóng đạt được hiệu quả rõ rệt, nhưng nó vẫn có tác dụng quan trọng. Ông nói: Trong khi Bình Nhưỡng vẫn cam kết tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, các lệnh trừng phạt và áp lực của Mỹ "đang hạn chế tiến trình của họ".