(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ đã quyết định chưa áp dụng trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, hai nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết hôm thứ Năm.
Theo Reuters, động thái này là một dấu hiệu cho thấy Washington có thể sẽ mở một cánh cửa cho ngoại giao.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào ngày 24/6 đã nói rằng ông Zarif sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt trong tuần đó. Đây là một lập trường công khai bất thường vì Hoa Kỳ thường không nói trước các quyết định như vậy để ngăn các mục tiêu trừng phạt của họ không chuyển tài sản ra khỏi các khu vực tài phán của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, việc dự tính trừng phạt nhà đàm phán trưởng của Iran cũng là một điều hiếm hoi vì nó có thể cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ trong việc sử dụng ngoại giao để giải quyết các bất đồng của họ với Tehran về chương trình hạt nhân, các hoạt động tại khu vực và việc Iran thử nghiệm tên lửa.
Các nguồn tin không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định mới nhất này – diễn ra hai tháng sau khi căng thẳng Mỹ-Iran đã tăng vọt. Washington đã đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở vùng Vịnh – điều Tehran hoàn toàn bác bỏ. Bên cạnh đó Iran cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.
"Những cái đầu lạnh đã thắng thế. Chúng tôi ... thấy nó không thực sự có ích", một nguồn tin thân cận với vấn đề nói với điều kiện giấu tên và cho biết thêm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã phản đối việc trừng phạt ông Zarif "trong thời điểm hiện tại."
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Nguồn: Reuters
Trong một dấu hiệu cho thấy Washington đã gần như đã chốt hành động này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã lưu hành nội bộ một dự thảo thông cáo báo chí tuyên bố trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran.
Ông Zarif dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng tại Liên Hợp Quốc vào tuần tới về các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giải quyết các vấn đề bao gồm xung đột, đói nghèo, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu vào năm 2030.
Để làm như vậy, Hoa Kỳ sẽ phải cấp cho ông ấy thị thực, việc có thể đã khiến Washington trì hoãn trừng phạt.
Ông Zarif lên tiếng không có tài sản ở Mỹ
Mối quan hệ đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm ngoái đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc, và quyết định đầu tháng 5 của ông Trump trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu dầu của Iran.
Động thái mạnh của ông Trump đã khiến Tehran bắt thay đổi việc tuân thủ các hiệp ước hạt nhân nhằm gây sức ép lên các nước châu Âu để hỗ trợ họ chống lại trừng phạt của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về quyết định này.
Ông Mnuchin trước đó không nói những lệnh trừng phạt nào sẽ nhắm vào ông Zarif. Vào ngày ông phát biểu, ông đã thông báo với các phóng viên về các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei tiếp cận với hệ thống tài chính hoặc tài sản của Hoa Kỳ dưới quyền tài phán của Hoa Kỳ.
Vào ngày 4/7, tờ New York Times dẫn lời ông Zarif cho biết trong một email rằng ông không sở hữu bất kỳ tài sản nào hoặc có bất kỳ tài khoản ngân hàng nào bên ngoài Iran. "Vì vậy, tôi không có vấn đề cá nhân với các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đó", ông nói.
Tìm kiếm giải pháp ngoại giao?
Ông Trump đã nói ông sẵn sàng đàm phán với Iran. Tuy nhiên, các cựu quan chức Mỹ cho biết họ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Mỹ quan tâm đến các cuộc đàm phán về các điều khoản khác ngoài việc bắt buộc Iran tuân theo các yêu cầu của Hoa Kỳ.
Như được ông Pompeo đưa ra năm ngoái, chúng bao gồm việc làm dừng giàu uranium; cho phép thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc tiếp cập toàn bộ các cơ sở hạt nhân trong cả nước; giải phóng công dân Hoa Kỳ bị giữ tại Iran và rút lực lượng Iran khỏi Syria.
Các cựu quan chức, người phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết quyết định không trừng phạt ông Zarif có thể là một tín hiệu cho thấy Washington muốn duy trì cánh cửa ngoại giao ngay cả khi nó dường như không thể xảy ra.
Thep Reuters, nếu Washington muốn tham gia đàm phán với Tehran, như có thể phần nào cho phép Iran ổn định xuất khẩu dầu. Xuất khẩu dầu của Iran đứng ở mức 2,5 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trước khi ông Trump từ bỏ JCPOA. Con số này đã giảm đáng kể khi ông Trump cố gắng đẩy chúng về 0.
Bên cạnh đó, thay vì gia hạn các miễn trừ trừng phạt cho phép các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Iran, Washington có thể "nhắm mắt làm ngơ" để việc mua hàng này được tiếp tục, các cựu quan chức Hoa Kỳ nói.
Một gợi ý khả thi khác là chính quyền Trump sẽ gia hạn miễn trừ - sẽ hết hạn vào đầu tháng 8 tới- để mở đường cho Trung Quốc, Nga và các quốc gia châu Âu theo đuổi các chương trình không phổ biến hạt nhân với Iran.