• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ ra đòn Nga, Iran: Hệ lụy chiến lược tới Ấn Độ

Thế giới 03/08/2018 19:27

(Tổ Quốc) - Sau khi khiến New Delhi bị ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và Iran, Washington đang  tìm cách hạn chế các tác động này.

Tờ Nikkei cho biết, mặc dù New Delhi đã thúc đẩy quan hệ với Washington trong hơn một thập kỷ, nước này là một bên bị ảnh hưởng chính trong hai loạt trừng phạt kinh tế mới của Mỹ nhằm vào Iran và Nga. Tehran và Moscow, hiện là trung tâm trong cuộc tranh luận chính sách đối ngoại Mỹ hiện nay, đều là những đối tác kinh tế và chính trị lâu đời của Ấn Độ.

Vì không thể đột ngột giảm mức quan hệ với hai nước trên mà không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, nên New Delhi đang xem xét cẩn thận cách cân bằng đối với mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tăng với Hoa Kỳ. Washington, về phần mình, cần cung cấp không gian đủ rộng để làm điều này cho Ấn Độ, một thế lực quan trọng trong ván bài địa chính trị lớn nhất của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước một Trung Quốc đang nổi lên, theo Nikkei.

Sức ép Mỹ “mạnh tay” Nga, Iran

Việc Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương của Iran, tiếp theo là thực thi các biện pháp trừng phạt áp dụng toàn cầu để phá vỡ nền kinh tế Iran, đã thúc đẩy những động thái phản ứng ngay cả từ các đồng minh thân cận của Washington ở châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt thứ cấp với các nước giao dịch làm ăn với Nga cũng là một trọng tâm trong Đạo luật CAASTA được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái. Trong đó, các doanh nghiệp quốc phòng và năng lượng thế giới làm ăn với Nga sẽ bị tổn hại nhiều nhất.

Ấn Độ, một nước mua vũ khí lớn của Nga và là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai của Iran sau Trung Quốc, đã nhận thức sâu sắc về những rủi ro của việc liên kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Trên thực tế, Mỹ đã vượt Nga trong những năm gần đây với tư cách là người bán vũ khí hàng đầu cho New Delhi, và cũng nổi lên là một nguồn cung cấp dầu và khí đốt cho Ấn Độ. Nhưng mối quan hệ phát triển  ở giai đoạn này chưa thể thay thế mối liên hệ của Ấn Độ với Nga và Iran.

Hoa Kỳ về cơ bản chỉ chuyển giao các hệ thống quân sự phòng thủ, trong khi Nga đã bán vũ khí tấn công cho Ấn Độ, bao gồm tàu ngầm chạy bằng hạt nhân và tàu sân bay. Ấn Độ cũng dựa vào các phụ tùng của Nga để duy trì các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô. Trong khi đó, về dầu mỏ, Iran từ lâu đã là một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ.

Ngay cả trước khi các lệnh cấm vận mới đối với Iran và CAATSA ra đời, nhiều câu hỏi đã được dấy lên ở Ấn Độ về việc liệu chính sách đối ngoại thân Mỹ của các chính phủ Ấn Độ liên tiếp từ năm 2004 có mang lại kết quả cụ thể gì hay chưa?

Một điểm đáng chú ý là căng thẳng biên giới giữa quân Ấn Độ và Trung Quốc trên vùng cao nguyên Doklam một năm trước, khi Washington không đưa ra một tuyên bố nào ủng hộ Ấn Độ, mà chọn giữ trung lập.

Đối pháp của ông Modi

Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc và đảo chiều mối quan hệ đi xuống với Nga. Ông Modi đã tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin lần lượt tại Vũ Hán và Sochi. Những động thái này được Washington coi là một nỗ lực tinh tế để cân chỉnh lại mối quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ.

Do đó, chính quyền và Quốc hội Mỹ đã nhận thấy cần phải điều chỉnh lại lập trường của mình, từ việc không miễn trừ cho bất cứ nước nào khỏi CAATSA. Trong tuần này, Quốc hội Mỹ đã thông các miễn trừ CAATSA cho Ấn Độ và hai nước khác, dù sẽ yêu cầu những nước này chứng minh rằng họ đang giảm đáng kể sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga hoặc tăng cường hợp tác đáng kể với Hoa Kỳ.

Tàu sân bay INS Vikramaditya được coi là biểu tượng sức mạnh của Hải quân Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)

Trong đó, một cái giá mà Mỹ muốn từ Ấn Độ là nước này sẽ ký vào hai "thỏa thuận quốc phòng nền tảng". Sau khi Ấn Độ kí kết hiệp ước hỗ trợ hậu cần, bao gồm cấp cho Mỹ quyền tiếp cận vào các cơ sở quân sự Ấn Độ, Washington đang thúc đẩy Ấn Độ tiến tới một hiệp ước an toàn thông tin (mà giới quân sự Ấn Độ lo ngại có thể ảnh hưởng tới mạng lưới liên lạc của họ) và một thỏa thuận tình báo không gian địa lý.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Iran, thậm chí trước khi có hiệu lực, đã làm tăng hóa đơn nhập khẩu dầu của Ấn Độ- nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, bằng cách khiến giá dầu trên thị trường tăng lên.

Ấn Độ, trong khi cảnh báo các công ty năng lượng của mình về nguy cơ bị trừng phạt từ Mỹ nếu không giảm giao thương mại với Iran vào đầu tháng 11 năm ngoái, cũng đang thúc giục Washington để giảm mức trừng phạt. Trong vòng cấm vận trước đây đối với Iran dưới thời ông Barack Obama, Ấn Độ đã nhận được lệnh miễn trừ sáu tháng bằng cách cho thấy rằng họ luôn duy trì việc giảm nhập khẩu dầu của Iran. Để tránh sử dụng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, Ấn Độ đã phải trả cho Iran bằng tiền riêng của mình và thúc đẩy thương mại hàng đổi hàng.

Tác động của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran đối với Ấn Độ cũng có thể cản trở hành lang quá cảnh quốc tế Ấn Độ - Afghanistan – Iran, bao gồm dự án hiện đại hóa cảng Chabahar. Dự án này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Tehran đối với New Delhi.

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ lâu đã dựa vào các biện pháp trừng phạt, mặc dù hiệu quả của chúng không chắc chắn và hậu quả không thể đoán trước. Một trong những hệ lụy ngoài ý muốn hiện tại là những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Iran, đã khiến Trung Quốc trở thành người hưởng lợi chính, bằng việc đẩy Bắc Kinh và Tehran gần nhau hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ