• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ "ra tay" với loạt công ty công nghệ và viện nghiên cứu Trung Quốc

Thế giới 17/12/2021 14:59

(Tổ Quốc) - Chính quyền Biden đã đưa vào danh sách đen trừng phạt hàng chục viện nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc và các công ty công nghệ tư nhân.

Mỹ cáo buộc những đơn vị này đã "vũ khí hóa" công nghệ để sử dụng trong và ngoài Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ thông báo ngày 16/12.

Đặc biệt, chính quyền Mỹ cảnh báo rằng các đơn vị này đang hoạt động theo chiến lược quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm phát triển và triển khai công nghệ sinh học, bao gồm "vũ khí điều khiển bằng não", để có thể sử dụng cho mục đích tấn công. Mỹ cũng cáo buộc các đơn vị này tham gia chiến dịch nhắm vào các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc.

Động thái lần này của Mỹ cũng hướng đến cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang các đơn vị này và chặn quyền tiếp cận của họ vào hệ thống tài chính Mỹ.

Loạt học viện quân đội vào tầm ngắm

"Việc theo đuổi khoa học trong ngành công nghệ sinh học và đổi mới y tế có thể cứu sống nhiều người. Thật không may, Trung Quốc đang lựa chọn sử dụng những công nghệ này để theo đuổi sự kiểm soát đối với người dân và đối với thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết.

"Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ và phần mềm của Mỹ hỗ trợ các hành vi khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học có mục đích sử dụng trái với an ninh quốc gia của Mỹ", bà nói thêm.

Mỹ "ra tay" với loạt công ty công nghệ và viện nghiên cứu Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều đơn vị nghiên cứu quân đội của Trung Quốc nằm trong diện quan sát của Mỹ. Ảnh: Getty.

Tổng cộng, 12 viện nghiên cứu của Trung Quốc và 22 công ty công nghệ của Trung Quốc đã bị Bộ Thương mại Mỹ cho vào danh sách đen, bị cấm tiếp cận hoặc chuyển giao công nghệ Mỹ, trừ một số trường hợp có giấy phép. Đứng đầu trong số các đơn vị này là Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu liên quan.

Không rõ loại vũ khí sinh học nào có thể đã được tạo ra, nhưng các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc nhiều năm qua đã đề cập tới các công nghệ sinh học có thể phát triển "năng lực tấn công" mới, bao gồm vũ khí "điều khiển não" và "các cuộc tấn công mã gen di truyền cụ thể."

Trung tá Stephen Ganyard, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ về các vấn đề quân sự, cho biết: "Không phải chỉ có Trung Quốc đặt trọng tâm nghiên cứu về những công nghệ này. Điều đặc biệt là ý định tuyên bố vũ khí hóa các phát minh của họ".

Theo Craig Singleton, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là thành viên tổ chức tham vấn chính sách Foundation for Defense of Democracies, những phát minh này có thể bao gồm "những công nghệ khoa học viễn tưởng, chẳng hạn như vũ khí điều khiển bằng não". Theo Singleton, khả năng mới này có thể mang lại cho Trung Quốc những tiến bộ về quân sự và tình báo so với Mỹ, mặc dù không rõ Lầu Năm Góc có đang phát triển các chương trình vũ khí tương tự hay không.

"Một số công nghệ này có thể không dễ dàng được kiểm soát và có thể gây ra những hậu quả tai hại đối với dân thường. Việc Trung Quốc tìm cách vũ khí hóa các công nghệ tiên tiến này đang khiến cả thế giới có nguy cơ gặp phải những hậu quả không lường trước và không thể khắc phục được", Ganyard chia sẻ.

Cảnh giác hoạt động của các công ty tư nhân

Brian Nelson, một quan chức cấp cao về khủng bố và tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ cho biết: "Các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc đang tích cực hợp tác với chính phủ để trấn áp các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo".

Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm tám công ty tư nhân Trung Quốc vào danh sách trừng phạt với cáo buộc những công ty này có làm việc với chính quyền khu vực thiểu số phía tây, không cho họ tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ và đe dọa trừng phạt những công ty kinh doanh với 8 doanh nghiệp trên.

Các doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt đang tập trung vào phát triển phần mềm nhận dạng khuôn mặt, điện toán đám mây, máy bay không người lái và công nghệ GPS, cùng các công cụ trí tuệ nhân tạo khác.

Theo Bộ Tài chính Mỹ: "Một phần mềm AI như vậy có thể nhận ra những người thuộc dân tộc thiểu số phía tây và gửi báo động tự động cho các cơ quan chính phủ". Và một công ty khác thì giúp "phát triển một công cụ phiên âm và dịch thuật cho ngôn ngữ thiểu số để cho phép các cơ quan chức năng quét các thiết bị điện tử của người thiểu số".

Trong khi đa số các công ty trong danh sách đen bị trừng phạt vì có mối quan hệ với cái gọi là "chiến lược tổng hợp quân sự - dân sự" của Trung Quốc, trong đó các lĩnh vực dân sự như y học và công nghệ sinh học được cho là đang được vũ khí hóa để hỗ trợ quân đội, một số ít công ty còn lại bị trừng phạt vì xuất khẩu công nghệ nhạy cảm đến Iran.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ