(Tổ Quốc) - Người Kurd buộc phải tìm kiếm liên minh và tập hợp lực lượng mới.
Sau quyết định đột ngột của tổng thống Trump rút quân Mỹ khỏi Syria mà không tính trước tính sau, chính quyền Mỹ đứng trước sức ép nội bộ và quốc tế về việc giải quyết một số hệ quả của việc rút quân. Tổng thống Trump đã bất ngờ thăm Badhdad, gửi đi thông điệp Mỹ sẽ trụ lại ở Iraq. Còn một vấn đề khác thức tỉnh lương tâm người Mỹ - đó là số phận người Kurd – các chiến hữu đã sát cánh chiến đấu can trường và hiệu quả bên cạnh người Mỹ mấy năm qua.
Địa bàn rộng lớn của người Kurd
Người Kurd muốn xây dựng một một nhà nước độc lập, chí ít lập một vùng tự trị, tại khu vực giáp giới 3 nước Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cơ hội đang tuột khỏi tay họ.
Những địa bàn có sự hiện diện của người Kurd. (Nguồn: CFR/Aljazeera)
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd là dân tộc thiểu số lớn nhất. Theo các số liệu khác nhau, họ tạo thành 15% - 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd nói tiếng Indo-châu Âu. Có người Kurd sống ở các tỉnh khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ chủ yếu tập trung ở phía đông và đông nam của nước này, trong khu vực được người Kurd coi là miền Bắc Kurdistan. Kiểm soát người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy, là vấn đề sinh tử đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này quyết liệt chống người Kurd tự trị, dưới chiêu bài chống lực lượng khủng bố thuộc Đảng Công nhân Người Kurd (PKK).
Tại Iraq, người Kurd là dân tộc thiểu số lớn nhất, chiếm 15% - 20% dân số. Kurdistan thuộc Iraq là một vùng tự trị ở miền bắc Iraq, bao phủ 40.643 kilômét vuông (15.692 dặm vuông) và có dân số khoảng 4 triệu người.
Tại Syria, người Kurd cũng là dân tộc thiểu số lớn nhất, chiếm 10% - 15% dân số. Khu vực đông bắc vùng người Kurd ở bao gồm phần lớn của tỉnh Hasakah. Các thành phố chính trong khu vực này là Qamishlo Qamishli và Al-Hasakah. Một khu vực khác có đông người Kurd là Kobanî bắc của Syria gần thị trấn Jarabulus và ở thành phố Afrin và khu vực xung quanh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Lập trường Mỹ và các bên
John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, có chuyến công du từ ngày 6-10/1 tới Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố Mỹ sẽ chỉ rút quân khỏi Syria với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ phải đồng ý bảo vệ các đồng minh người Kurd của Mỹ. Theo ông Bolton, lập trường của Tổng thống Trump là Thổ Nhĩ Kỳ không được giết hại người Kurd và Mỹ sẽ không rút quân nếu chưa đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc các lực lượng đối lập Syria từng chiến đấu cùng với Mỹ không bị đe dọa. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố khẳng định Washington sẽ không để Ankara tàn sát người Kurd khi Mỹ rút quân khỏi Syria.
Phản ứng trước phát biểu của J. Bolton, ngày 6/1, Người Phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói: "Thật phi lý khi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào người Kurd, vì các mục tiêu thực sự của Ankara là những kẻ khủng bố thuộc PKK, với các nhánh của nó là PYD và YPG"; "Họ không thể đại diện cho người Kurd Syria". Ông này nói: "Để tranh luận rằng một tổ chức khủng bố đại diện cho người Kurd, trước hết là thiếu tôn trọng với những anh em người Kurd của chúng tôi khi nói họ được đại diện bởi một nhóm khủng bố. Một trong những mục tiêu của cuộc đấu tranh của Thổ Nhĩ Kỳ là chống lại PKK và các chân rết người Syria để cứu người Kurd khỏi sự chuyên chế và đàn áp của nhóm khủng bố này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiên quyết tiếp tục nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria và đảm bảo an ninh cho người Syria bất kể tôn giáo và sắc tộc của họ".
Theo một nguồn tin, các nhà lãnh đạo người Kurd ở Syria tìm kiếm một thỏa thuận với Chính phủ Assad thông qua trung gian của Nga bất kể Mỹ có kế hoạch rút khỏi khu vực. Thỏa thuận này có thể đánh dấu cột mốc quan trọng nhất bởi vì hai khối lớn nhất của Syria bị chia rẽ sau 7 năm chiến tranh sẽ được nối lại. Với thỏa thuận này, chỉ duy nhất một góc của vùng Tây Bắc còn nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng chống chính phủ.
Quan chức cao cấp người Kurd Badran Jia Kurd nói với Reuters, Chính quyền do người Kurd lãnh đạo, điều hành phần lớn miền bắc Syria đã đưa ra lộ trình cho một thỏa thuận với Tổng thống Assad trong các cuộc họp gần đây ở Nga. Reuters dẫn lời Jia Kurd: "Quyết định cuối cùng là đạt được thỏa thuận với Damascus, chúng tôi sẽ làm việc theo hướng này bất kể phí tổn là thế nào, ngay cả khi người Mỹ phản đối". Mục đích chính của lộ trình là để bảo vệ biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, để tích hợp các cấu trúc chính quyền của miền Bắc Syria vào Hiến pháp và đảm bảo phân phối nguồn lực hợp lý.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Syria, trong hai lá thư riêng gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, và Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, ông Francisco Antonio Cortorreal, ngày 5/1, nói rằng các tội ác của Liên minh do Mỹ lãnh đạo gây ra mới nhất ở các Thị trấn al-Kishkiyah và al-Shaafah ở tỉnh Dayr al-Zawr phía Đông Syria chứng mình rằng Liên minh chỉ tìm cách nuôi dưỡng Daesh và giúp lực lượng này mở rộng. Bộ Ngoại giao Syria kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gánh vác trách nhiệm của mình và áp dụng biện pháp tức thời và hiệu quả để ngăn chặn các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, giết người hàng loạt và phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng Syria. Bộ này cũng yêu cầu thiết lập một cơ chế quốc tế độc lập và vô tư để điều tra tội phạm, trừng phạt thủ phạm và bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Sự im lặng liên tục của Hội đồng Bảo an đối với các cuộc tấn công này đã bỏ qua trách nhiệm của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và do đó sẽ phá hoại Hội đồng BALHQ, Đại Hội đồng LHQ.
Tình hình Syria, cũng như số phận người Kurd, không tránh khỏi chịu tác động thuận nghịch của việc Mỹ rút quân khỏi Syria. Người Kurd phải tìm kiếm các liên minh mới. Nhưng quan hệ Mỹ-Nga, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran, v.v.. sẽ tác động làm cho bức tranh chính trị, ngoại giao phức tạp, mà một giải pháp cho các vấn đề liên quan vẫn chưa thể nằm trong tầm tay trong năm 2019./.