• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau Syria, Afghanistan: Lo sốt vó về chiến lược quân sự toàn cầu Mỹ

Thế giới 06/01/2019 12:11

(Tổ Quốc) - Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi Syria và gia tăng khả năng về việc giảm lực lượng tại Afghanistan.

Quân đội Mỹ có kế hoạch thu hẹp vai trò của mình ở Somalia và cắt bớt các cuộc không kích nhằm vào quân nổi dậy al-Shabab sau khi đã hạ gục nhiều thủ lĩnh cấp cao của nhóm này, hai quan chức cấp cao của Mỹ nói với NBC News. Đây có thể là tín hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Trump đang tìm cách cắt giảm số lượng quân đội được triển khai trên toàn thế giới.

Động thái này phản ánh đánh giá của chính quyền rằng, mặc dù lực lượng nổi dậy Shabab vẫn là mối đe dọa đối với chính phủ Somalia và các nước láng giềng, nhưng nó không gây nguy hiểm trực tiếp cho Hoa Kỳ, các quan chức Mỹ cho biết. Điều này cũng diễn ra sau thông báo đột ngột của Tổng thống Donald Trump vào tháng trước rằng ông đã ra lệnh cho lực lượng Mỹ rút khỏi Syria và yêu cầu các kế hoạch về khả năng rút lui đối với Afghanistan.

Nguy cơ rút quân diện rộng

Các cựu quan chức và chuyên gia chống khủng bố nói rằng, nếu chính quyền Trump thúc đẩy các kế hoạch của mình thì điều này có thể tạo ra một lối mở nguy hiểm cho al Qaeda, IS và các phần tử cực đoan khác để chúng tiếp tục bảo lưu thực lực và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố vào các mục tiêu Mỹ và phương Tây.

Trong một tuyên bố, Tư lệnh Candice Tresch, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói, "Không có thay đổi chính sách gần đây liên quan đến các hoạt động của Hoa Kỳ ở Somalia. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Liên bang Somalia để làm suy yếu al Shabab."

Sau Syria, Afghanistan: Lo sốt vó về chiến lược quân sự toàn cầu Mỹ - Ảnh 1.

Al Shabaab tại Mogadishu, Somalia năm 2010. (Nguồn: File Reuters)

Trong khi đó, những động thái gần đây của Washington cũng báo hiệu một sự thay đổi chiến lược rộng lớn hơn của quân đội Hoa Kỳ nhằm giảm lực lượng dành cho các hoạt động chống khủng bố ở châu Phi và tập trung nhiều hơn vào các đối thủ truyền thống như Nga và Trung Quốc.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Trump ban đầu đã triển khai thêm quân tới Somalia và cho các chỉ huy thêm quyền lực để kêu gọi thêm sức mạnh không quân, mở đường cho sự gia tăng các cuộc tấn công ném bom chống lại phiến quân Shabab – đang tiến hành các hoạt động chống lại chính phủ Somalia.

Nhưng theo hướng dẫn của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đã từ chức hồi tháng trước, quân đội "đang thu hẹp nhiệm vụ một chút" ở Somalia, một quan chức cấp cao nói với NBC News với điều kiện giấu tên.

Một phần lý do của sự thay đổi là các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã hạ gục nhiều thủ lĩnh cấp cao của Shabab.

"Tôi sẽ nói rằng chúng tôi đang hết mục tiêu," quan chức này nói.

Theo kế hoạch, trách nhiệm ném bom phiến quân ở Somalia sẽ được chuyển sang CIA, các quan chức cho biết.

Điều đó có thể có nghĩa là rút về một số lực lượng đặc nhiệm Mỹ - trước đó có nhiệm vụ giúp phi công xác định chính xác các mục tiêu, bao gồm cả các cuộc tấn công của quân đội do Liên minh Châu Phi lãnh đạo thực hiện. Lầu Năm Góc có khoảng 500 nhân viên ở Somalia, bao gồm quân đội, dân thường và nhà thầu quân sự, theo Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lực lượng Hoa Kỳ sẽ ở lại đây theo kế hoạch thay đổi nhân sự.

CIA, không giống như quân đội, không được trang bị để triển khai hàng trăm nhân viên trên mặt đất nhằm chỉ đạo các cuộc không kích, và gần như chắc chắn sẽ giảm các cuộc tấn công ném bom. Cơ quan này vẫn có thể nhắm mục tiêu vào những nơi Shabab tập trung lực lượng, nhưng sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ từ trên không cho các cuộc tấn công dưới mặt đất của các chiến binh chính phủ Somalia hay quân đội Liên minh châu Phi, các cựu quan chức Mỹ cho biết.

Giới chức Mỹ cho rằng, trong khi Shabab tấn công ở Somalia và chống lại các nước láng giềng, chúng không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng đối với Hoa Kỳ.

"Không phải mọi nhân vật khó chịu ngoài kia đều là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ", quan chức này nói thêm rằng đã đến lúc chính phủ của Somalia dẫn đầu trong cuộc chiến này.

Nguy cơ từ Somali

Trong khi đó, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats từng mô tả Shabab là "mối đe dọa khủng bố mạnh nhất đối với lợi ích của Mỹ ở Đông Phi".

Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ cho biết, lực lượng nổi dậy hoạt động ở miền nam và miền trung Somalia "có âm mưu và trực tiếp tấn công khủng bố, đánh cắp viện trợ nhân đạo, tống tiền dân chúng địa phương để tài trợ cho các hoạt động của nó và che chở những kẻ khủng bố cực đoan".

Tháng trước, quân nổi dậy đã kích nổ một quả bom tại trạm kiểm soát quân sự gần dinh tổng thống của Somalia, giết chết ít nhất 16 người và làm bị thương hơn 20 người khác.

Nhóm này có mối quan hệ lâu dài với al Qaeda, và các chuyên gia nói rằng lực lượng nổi dậy này vẫn hết sức quyết liệt, không sẵn lòng hạ vũ khí hoặc hòa giải với chính phủ Somalia.

Hơn 10 năm trước, Shabab đã kiểm soát thủ đô Mogadishu và các vùng lãnh thổ rộng lớn trước khi bị lực lượng Liên minh châu Phi đẩy lùi. Nhưng chính phủ Somalia gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng chính quyền và giữ được các vùng lãnh thổ này dù Shabab lúc đó đã bị đánh bật ra.

Sau chuyến thăm Somalia hồi đầu năm nay, nghị sĩ Jack Reed của Rhode Island – một thành viên Dân chủ trong Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Somalia vẫn còn "một chặng đường dài" để đi tới một quốc gia ổn định với lực lượng có thể bảo vệ lãnh thổ của mình.

Joshua Geltzer, cựu giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và hiện là giáo sư luật của Đại học Georgetown nói: "Tôi nghĩ Somalia và Tây Phi được xem như là một phần của ngoại vi của các thách thức khủng bố".

Nhưng ông nói rằng có một rủi ro là Hoa Kỳ đã cắt giảm nguồn lực và sự chú ý quá sớm, tạo cơ hội cho Shabab xây dựng lại một nơi trú ẩn an toàn ở Somalia.

"Nếu bạn đưa ra lựa chọn loại bỏ vũ khí quá sớm, bạn có thể thấy mình sẽ phải chi một khoản đầu tư lớn hơn sau này", Geltzer nói.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ