(Tổ Quốc) - Mỹ sẽ triển khai khoảng 300.000 liều vaccine bệnh đậu mùa khỉ trong những tuần tới trong một nỗ lực nhằm ngằn chặn nguy cơ bùng phát gia tăng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo những người đã mắc bệnh hoặc có phơi nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ nên tiêm vaccine ngăn ngừa mắc bệnh sớm nhất. Bên cạnh đó, CDC cũng khuyến cáo nên tiêm phòng trong hai tuần đầu kể từ khi tiếp xúc với virus và tiêm càng sớm càng tốt.
Theo hãng AP, Mỹ vừa xuất xưởng 56.000 liều vaccine bệnh đậu mùa khỉ Jynneos từ kho dự trữ quốc gia chiến lược và dự kiến sẽ tăng cường xuất xưởng thêm 240 liều mới trong những tuần tới. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS), khoảng 1,6 triệu liều vaccine Jynneos sẽ sẵn sàng vào mùa thu tới.
Jynneos là loại vaccine gồm 2 liều do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cho người lớn từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là dành cho những người có nguy cơ cao tiếp xúc với bệnh đậu mùa hoặc bệnh đầu mùa khỉ. HHS hiện đang ưu tiên phân bổ vaccine Jynneos tới những khu vực có người mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng bởi nguồn cung còn hạn chế.
Vào thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế địa phương vẫn yêu cầu triển khai tiêm lô vaccine đậu mùa thế hệ cũ, còn được gọi là ACAM2000 bởi loại vaccine này đang còn nhiều trong kho. Tuy nhiên, vaccine ACAM2000 lại có tác dụng phụ nghiêm trọng và không phải ai cũng có thể sử dụng.
Theo thông tin từ CDC, Mỹ vừa ghi nhận 306 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 27 tiểu bang và cả Washington. Các đợt bùng phát lớn nhất đã diễn ra ở California, Illinois và New York, ước tính hàng chục ca mắc ghi nhận ở mỗi bang.
Hiện Mỹ chưa có báo cáo ghi nhận ca tử vong do loại virus này. Hầu hết các ca mắc bệnh sẽ khỏi bệnh sau hai đến bốn tuần.
Trên khắp thế giới, hơn 4.700 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở 49 quốc gia, trong đó thêm một ca tử vong ở Nigeria tính trong 6 tuần qua. Đợt bùng phát hiện nay được đánh giá là không bình thường vì chủ yếu xảy ra ở các nước Bắc Mỹ và châu Âu. Trong lịch sử, loại virus này thường lây truyền ở mức độ thấp và chỉ xuất hiện ở các khu vực xa xôi của phương Tây và Trung Phi. Các quốc gia châu Âu vừa ghi nhận lên tới 84% ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện tại.
Cần phải được giám sát chặt chẽ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này chưa phải là tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn cầu nhưng, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, loại virus này đang phát triển và cần phải được giám sát chặt chẽ trước tốc độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.
"Tôi vô cùng lo ngại về sự bùng phát của bệnh đầu mùa khỉ. Đây rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng mà WHO vẫn tiếp tục phải theo dõi chặt chẽ", ông Tedros nhấn mạnh.
Quyết định của WHO có thể vấp phải một số chỉ trích từ các chuyên gia y tế toàn cầu bởi trước đó một số chuyên gia y tế khẳng định loại bệnh này đủ tiêu chỉ để ban hành tình trạng khẩn cấp.
Bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan qua được tình dục – nguồn lây truyền chính trong đợt bùng phát hiện nay. Mọi người cũng có thể lây virus qua các vật liệu bị ô nhiễm như ga trải giường hoặc quần áo chung. Mặt khác, virus cũng có khả năng lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp nhưng không hề dễ dàng. Theo CDC, quá trình lây truyền qua đường hô hấp đòi hỏi sự tương tác trực diện kéo dài. Cũng theo CDC, nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn là do tiếp xúc gần gũi. Các quan chức y tế công cộng khẳng định bất kỳ ai cũng có thể nhiễm loại virus này.
Thêm vào đó, loại bệnh này thường chỉ bắt đầu với triệu chứng tương tự như bệnh cúm là sốt, nhức đầu, đau người, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, các triệu chứng khác bao gồm phát ban giống như mụn nhọt hoặc mụn nước xuất hiện trên cơ thể. Mọi người sẽ dễ bị lây nhiễm nhất khi bị phát ban. Theo CDC, một số bệnh nhân trong đợt bùng phát hiện nay chỉ phát ban ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn trước khi có thêm các triệu chứng khác. Ở một số trường hợp, bệnh nhân cũng phát ban những không có triệu chứng nổi mẩn.
"Khẩn cấp y tế toàn cầu" hiện chỉ áp dụng với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thế giới đang thể hiện sự quyết liệt trong nỗ lực xóa bệnh bại liệt ra khỏi danh sách khẩn cấp y tế toàn cầu. Từ đầu năm đến nay đã có gần 1.500 ca bệnh đậu mùa khỉ và 70 ca tử vong xuất hiện ở Trung Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ phổ biến hơn, chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Hiện đã có vaccine và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ mặc dù nguồn cung vẫn hạn chế./.