• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tăng quân tới Afghanistan: Ẩn tình thế cờ Nga?

Thế giới 28/08/2017 13:38

(Tổ Quốc) - Lợi ích của Nga vẫn sẽ được bảo đảm trong khi Moscow không cần trực tiếp can thiệp quân sự vào Afghanistan.  

Lợi ích của Nga vẫn sẽ được bảo đảm trong khi Moscow không cần trực tiếp can thiệp quân sự vào Afghanistan.

Ngày 15/8/2017, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Afghanistan, Zamir Kabulov, đã kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và chấm dứt chiến dịch 16 năm nhằm bình ổn tình hình tại nước này. Tuyên bố này của ông Kabulov được một số thành viên trong Quốc hội Nga tán đồng, trong đó có Thượng nghị sĩ Alexey Pushkov - người tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã thua cuộc chiến ở Afghanistan.

Tuy nhiên, theo The Diplomat, mặc dù các nhà hoạch định chính sách Nga đã chỉ trích gay gắt cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan, thì việc nghiên cứu kĩ lưỡng chiến lược của Nga về Afghanistan cho thấy các lợi ích chiến lược của Nga có liên quan tới việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện hữu ở Afghanistan.

Sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan vẫn tiếp tục với chiến lược mới, lợi ích mới. (Nguồn: AFP)

Ngay chính ông Kabulov cũng đã chấp nhận thực tế địa chính trị này trong một cuộc phỏng vấn tháng 1/2017 với Interfax, khi ông tuyên bố rằng "mọi thứ sẽ sụp đổ" ở Afghanistan nếu Hoa Kỳ rút quân khỏi khu vực chiến sự.

Theo đánh giá từ trước đó của Kabulov, quyết định ngày 21/8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mở rộng hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan hỗ trợ các nỗ lực của Nga ổn định nước này bằng hai cách quan trọng.

Thứ nhất, cho phép Nga gây ảnh hưởng đến diễn biến an ninh tại Afghanistan thông qua áp lực ngoại giao đối với Washington, hơn là thông qua việc triển khai quân đội của mình.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách Nga tin rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan sẽ ngăn cản Taliban mở rộng lãnh thổ của họ và đưa Taliban hướng tới tầm nhìn của Nga về một giải pháp chính trị của cuộc chiến Afghanistan.

Nga gây sức ép ngoại giao lên quân đội Mỹ tại Afghanistan

Quyết định của chính quyền Trump đưa một số quân bổ sung chưa xác định vào Afghanistan có lợi cho lợi ích của Nga, vì nó đảm bảo rằng các hoạt động chống khủng bố có thể được tiến hành hiệu quả tại nước này mà không cần triển khai quân đội Nga.

Mặc dù Nga đã hạn chế sự tham gia của họ vào Afghanistan về ngoại giao đa phương và chỉ thực hiện hoạt động bán vũ khí cho các phe nhóm chính trị khác biệt, nhiều nhà hoạch định chính sách Điện Kremlin ngày càng sẵn sàng thảo luận về hiệu quả của việc triển khai quân đội tới Afghanistan.

Những tuyên bố công khai của các nhà hoạch định chính sách cao cấp của Nga và Trung Á đang gia tăng đồn đoán về triển vọng can thiệp quân sự của Nga tại Afghanistan. Ngày 28/6, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambaev đã kêu gọi thành lập một căn cứ quân sự mới của Nga để bảo vệ Kyrgyzstan khỏi ảnh hưởng ngày càng tăng của Taliban tại Afghanistan. Những lo ngại này được lặp lại bởi tuyên bố gần đây của Kabulov rằng sự hiện diện ngày càng tăng của ISIS tại Afghanistan có thể buộc Moscow phải triển khai quân đội tới đây.

Bất chấp những đồn đoán trên, động thái can thiệp quân sự của Nga ở Afghanistan vẫn là một kết quả không mong muốn. Các tướng lĩnh cấp cao Nga cho rằng việc can thiệp quân sự ở Afghanistan sẽ vượt quá khả năng phòng thủ của Moscow và phải chuyển hướng các nguồn lực có giá trị hiện đang hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria sang Afghanistan.

Di sản của cuộc chiến 1979-1988 tại Afghanistan của Liên Xô cũng có thể khiến việc triển khai quân đội Nga gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân Nga. Giám đốc trung tâm Levada của Nga Lev Gudkov cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 rằng, sự thờ ơ của công chúng Nga đối với khủng hoảng chính trị ở Trung Đông và Nam Á là hậu quả lâu dài từ sự can thiệp quân sự không mang lại hiệu quả trước đó của Moscow tại Afghanistan.

Trong bối cảnh này, sự can thiệp quân sự của Nga ở Afghanistan có vẻ sẽ ít được ủng hộ, trừ phi xảy ra một cuộc tấn công khủng bố lớn trên đất Nga và có thể liên quan đến diễn biến bất ổn ở Afghanistan. Do đó, chiến lược Afghanistan của ông Putin được cho là vẫn gây ảnh hưởng đến chính sách của Washington thông qua các biện pháp gián tiếp thay vì triển khai quân đội Nga tới đây.

Một yếu tố quan trọng trong chiến lược gây sức ép gián tiếp của Nga ở Afghanistan là: Moscow đe đọa sẽ thực hiện trả đũa quân sự hoặc triển khai lực lượng chống lại Mỹ nếu chiến lược của Washington ở Afghanistan không giải quyết được các lo ngại về an ninh của Điện Kemlin.

Chính quyền của ông Trump, vì muốn tránh nguy cơ đối đầu Nga-Mỹ về chiến tranh Afghanistan, có thể sẽ thuyết phục quân đội Mỹ giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga cùng với việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Afghanistan.

Nga muốn kiềm chế ảnh hưởng của Taliban ở Afghanistan

Các nỗ lực ngày càng tăng của Hoa Kỳ nhằm lật đổ tiến trình mở rộng lãnh thổ của Taliban cũng có lợi cho lợi ích của Nga, mặc dù Nga đã tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với nhóm này trong những tháng gần đây. Việc thất bại hoặc trì trệ trong các chiến dịch có thể đẩy các thủ lĩnh cao cấp của Taliban chấp nhận đề xuất của Nga về một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Afghanistan.

Khi gia tăng áp lực lên Pakistan để họ từ bỏ liên kết với Taliban, Washington cũng có thể giúp duy trì chiến lược cân bằng của Nga ở Nam Á.

Khi Ấn Độ - một cường quốc khu vực, nhận định Taliban là một công cụ của Pakistan để gây ảnh hưởng tại Afghanistan, New Delhi có thể sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Kabul để ngăn chặn Taliban đi đến chiến thắng trên thực địa.

Trong khi đó, nếu ông Trump không thành công trong việc gây áp lực cho Pakistan để từ bỏ mối liên hệ với các mạng lưới khủng bố trong khu vực, Moscow có thể bị buộc phải đơn phương cách xa Islamabad để trấn an New Delhi do hai nước này đang xúc tiến quan hệ.

Kịch bản này có thể gây tổn hại đến an ninh của Nga, vì Pakistan được cho là có liên kết chặt chẽ với các phần tử cực đoan Sunni ở Chechnya và có thể trả đũa Nga nếu mối quan hệ giữa Moscow và Islamabad căng thẳng hơn về vấn đề Afghanistan. Ngược lại, nếu chiến lược Afghanistan của Trump được thực hiện đầy đủ và an ninh Mỹ-Pakistan được tăng cường hợp tác, Nga có thể sẽ tránh được xung đột ngoại giao tiềm năng với Pakistan.

Mặc dù các quan chức của Kremlin thường xuyên chỉ trích việc tăng cường hiện diện tại Afghanistan, việc xem xét kỹ hơn các lợi ích chiến lược của Nga cho thấy động thái mới từ Mỹ có thể giúp củng cố vai trò của Nga như một bên liên đới chính ở Afghanistan. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Nga có vẻ sẽ “miễn cưỡng” chấp nhận quyết định duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự của Washington tại Afghanistan trong thời gian tới.

(Theo The Diplomat)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ