• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ-Afghanistan: chiến lược mới, lợi ích mới

Thế giới 25/08/2017 08:53

(Tổ Quốc) - Mỹ muốn củng cố cứ điểm chống Taliban-IS, kiềm chế Trung Quốc và khai thác tài nguyên Afghanistan.

Ông Donald Trump vận động bầu cử 2016 với nhiều cam kết, trong đó có việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Thế nhưng, ngày 21/8, khi công bố chiến lược mới về Afghanistan, Tổng thống Trump đã quay ngoắt 180 độ, khi cam kết tăng quân và kéo dài sự hiện diện quân sự của Mỹ sau gần 16 năm can dự, khiến 2.000 lính Mỹ thiệt mạng 20.000 thương phế binh.

Ông Trump đã đảo lộn  chiều hướng rút quân dưới thời Tổng thống Obama bằng việc đưa vào đó một lực lượng tượng trưng khoảng 4.000 binh lính, nâng tổng số lính Mỹ từ 8.400 lên gần 9.000 người - một con số rất nhỏ so với 100.000 quân hồi năm 2010-2011.

Số lượng quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Afghanistan không đủ để trực tiếp chiến đấu, nhưng Mỹ ở lại thì 4.600 NATO mới tiếp tục ở lại. Và sự hiện diện của lực lượng quân sự phương Tây là để kiểm soát vùng đất nghèo khổ nhưng có tầm chiến lược quan trọng nằm cạnh Trung Á và Nam Á, bên sườn Trung Quốc – đối thủ đang thách thức vai trò toàn cầu của Mỹ.

 Sự can dự quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ còn kéo dài

Tổng thống Mỹ cũng cho biết Pakistan thường xuyên cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử gây hỗn loạn, bạo lực và khủng bố. Ông ta cảnh báo, Mỹ có thể sẽ không im lặng nữa trước những hoạt động nói trên của Pakistan vốn đe dọa an ninh ở trong và ngoài khu vực này, đồng thời cho biết Pakistan sẽ phải chịu “nhiều thiệt hại” từ việc chứa chấp khủng bố. Tổng thống Mỹ khẳng định đã vạch ra hướng tiếp cận cứng rắn hơn trong chính sách của Mỹ đối với Pakistan.



Một chiến lược muộn màng nhưng cần thiết

Afganistan là chiến lược đối ngoại đầu tiên mà chính quyền Trump công bố sau 7 tháng tại vị tại Nhà Trắng.

Những mục tiêu chiến lược chính của Tổng thống Donald Trump tại Afghanistan là xóa sổ sự lấn chiếm lãnh thổ của các phần tử cực đoan Taliban và các lực lượng phiến quân khác, đồng thời tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan.

Nó diễn ra khi cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan IS tại Iraq-Syria đã thu được những kết quả khả quan, quân chủ lực của IS bị tiêu hao nặng nề và bị đánh bật khỏi hầu hết các cứ điểm trú ẩn. Một lực lượng quan trọng của IS ở Trung Đông đã di chuyển về vùng biên giới Pakistan-Afghanistan. Tổng thống Mỹ giải thích quyết định của ông xuất phát từ việc “Afghanistan và Pakistan hiện là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới”. Ông Trump tuyên bố, Mỹ đưa quân đến Afghanistan không phải để tái thiết đất nước này mà là để tiêu diệt khủng bố.

Để “phá” Trung Quốc từ sân sau

Trung Quốc có đường biên giới 76 km với Afghanistan. Từ năm 2012-2013, các đơn vị đặc nhiệm của Trung Quốc bắt đầu tiến hành những chiến dịch quân sự hạn chế trên một khu vực hẹp được gọi là hành lang Wakhan dọc biên giới hai nước. Các lực lượng vũ trang Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên và tấn công tiêu diệt các nhóm khủng bố Hồi Cương.

Ngoài ra, trong khi Mỹ đổ tiền đổ của và hy sinh xương máu trên chiến trường, Trung Quốc tìm cách mở rộng hiện diện kinh tế, khai thác tài nguyên của Afghanistan. Tập đoàn luyện kim Nhà nước Trung Quốc giành được hợp đồng khai thác đồng đỏ tại mỏ đồng Aynak, gần thủ đô Kabul, với hợp đồng trị giá 3 tỷ USD. Ước tính trữ lượng mỏ đồng này 13 triệu tấn (lớn nhất thế giới); theo thời giá hiện nay, giá trị của mỏ đồng này có thể lên tới 30 tỷ USD.  

Afghanistan còn là một phần của chiến lược “Một vành đai, Một con đường”  (OBOR) của Trung Quốc, phối hợp với dự án quan trọng bậc nhất của ông Tập Cận Bình – Hành lang kinh tế nối Tân Cương, đi suốt chiều dài Pakistan, tới tận Ấn Độ Dương. Trung Quốc đầu tư khoảng 55 tỷ USD vào đại dự án chiến lược này.

Adzhar Kurtov, chuyên gia hàng đầu thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Nga, nhận định: Kịch bản mới trong chiến lược của Mỹ tại Afghanistan ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc. Gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực trong việc kích hoạt lò lửa căng thẳng sát biên giới Trung Quốc như tại Triều Tiên và hiện giờ là Afghanistan.

Ông này nói: “Phía sau tất cả những tuyên bố rõ ràng về một chiến lược mới tại Afghanistan là một quan điểm tầm thường - loại bỏ một đối thủ hoặc làm suy yếu đối thủ ấy. Hiện tại Trung Quốc vẫn là đối thủ chính của Mỹ trên chính trường toàn cầu”.

Theo Adzhar Kurtov, “Trung Quốc tích cực tham gia vào cả Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và dự án Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa”. Việc phá hủy những dự án này hoặc ít nhất làm suy yếu sự phát triển mạnh mẽ của chúng là mục tiêu của chính quyền Mỹ.

Không từ bỏ những thành quả béo bở

Từ năm 2001, Mỹ tiêu 714 tỷ USD vào cuộc chiến tranh Afghanistan. Để duy trì mức độ chiến tranh như hiện nay, mỗi tháng tiêu tốn 3,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, Afghanistan có những nguồn tài nguyên thiên nhiên trọng yếu  phục vụ sản xuất chế tạo, với các mỏ đồng, vàng, uranium, nhiên liệu hóa thạch, giá trị ước tính lên tới 3 ngàn tỷ USD. Vì vậy, theo đầu óc của nhà kinh doanh Donald Trump, Mỹ không thể nhường các thành quả béo bở như vậy cho Trung Quốc (vì một khi Mỹ rút ra, Trung Quốc sẽ nhảy vào lấp chỗ trống).

 Mỏ vàng Nor Aaba, tỉnh Takhar: Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan hấp dẫn Mỹ kéo dài sự hiện diện quân sự.

Tuy nhiên, Afghanistan có những nguồn tài nguyên thiên nhiên trọng yếu  phục vụ sản xuất chế tạo, với các mỏ đồng, vàng, uranium, nhiên liệu hóa thạch, giá trị ước tính lên tới 3 ngàn tỷ USD. Vì vậy, theo đầu óc của nhà kinh doanh Donald Trump, Mỹ không thể nhường các thành quả béo bở như vậy cho Trung Quốc (vì một khi Mỹ rút ra, Trung Quốc sẽ nhảy vào lấp chỗ trống).

Đàng sau những tính toán địa-chính trị là những tính toán về nguồn lợi thu được từ khai thác tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan thừa sức bù đắp các chi phí chiến tranh mà Mỹ bỏ ra 16 năm qua và những năm tới./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ