(Tổ Quốc) - Yếu tố Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến thất bại bất ngờ cho chiến lược mới của Tổng thống Trump tại Afghanistan.
Chiến lược mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đảo chiều cuộc xung đột đã kéo dài 16 năm tại Afghanistan, có thể sẽ gặp phải một trở ngại ngoài dự kiến: Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (21/8), ông Trump đã tiết lộ kế hoạch tăng thêm quân đội tới Afghanistan. Quan trọng nhất, Tổng thống Mỹ công khai thuyết phục Pakistan chấm dứt việc trở thành nơi mà Mỹ vẫn gọi là “điểm trú ẩn an toàn” cho những kẻ khủng bố đến từ Afghanistan. Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ sự đồng tình với ông Trump khi kêu gọi Pakistan “cần phải có một cách tiếp cận khác.”
“Tấm lá chắn” Trung Quốc giảm ảnh hưởng Mỹ tại Pakistan
Tuy nhiên, Bloomberg nhận định, khía cạnh mới trong chiến lược Afghanistan của Washington gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân được cho là mối quan hệ kinh tế ngày càng thân thiết giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ tại đây.
Với vai trò của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ, Pakistan càng có ít động lực hơn để dừng việc ngầm hỗ trợ các lực lượng nổi dậy đang hoạt động tại Afghanistan và Ấn Độ, cùng lúc đó, vẫn nhắm vào các nhóm vũ trang có thể đe dọa đến an ninh nội địa của mình.
“Trung Quốc là tấm lá chắn phía sau mà Pakistan có thể kỳ vọng nhằm tiếp tục trò chơi hai mặt của mình,” Harsh Pant, một giáo sư quan hệ quốc tế tại trường King’s College, London nói. “Mỹ càng cắt nhiều viện trợ, Pakistan lại càng trông chờ Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống đó.”
Pakistan luôn phủ nhận những cáo buộc liên quan đến việc chứa chấp khủng bố. Tuy nhiên, bất chấp sự không hài lòng của Washington trước các nhóm khủng bố như Mạng lưới Haqqani (từng tham chiến tại Afghanistan) được cho là xuất phát từ Pakistan – sự ủng hộ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc, quốc gia Nam Á không cần phải thay đổi.
Ngân hàng Nhà nước Pakistan công bố, trong 4 năm gần đây, Trung Quốc đã trực tiếp đầu tư khoảng 2,8 tỷ USD vào Pakistan – so sánh với 533 triệu USD đến từ Mỹ. Chỉ riêng 6 tháng cuối năm ngoái, Pakistan đã nhận khoản cho vay trị giá 848 triệu USD từ Trung Quốc.
Phản ứng của Pakistan trước phát biểu của ông Trump
Sau phát biểu của ông Trump vào hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Pakistan phát ra một thông cáo mà theo Bloomberg, là đầy tính thách thức. Trong đó, Pakistan cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã “ca ngợi những đóng góp và sự hy sinh to lớn của Pakistan trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố” và “cộng đồng quốc tế nên hoàn toàn công nhận những nỗ lực này.”
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cũng chính Bộ Ngoại giao Pakistan lại đưa ra một thông cáo khác, gọi những bình luận của Tổng thống Mỹ thuộc về một “kế hoạch sai lầm”. Đồng thời, cơ quan này cũng cho rằng, chiến lược của ông Trump gần như chắc chắn sẽ thất bại bởi vì các hành động của quân đội Mỹ đã không thể đem lại hòa bình cho Afghanistan trong hơn 16 năm qua, và có lẽ cũng sẽ không thể làm được điều đó “trong tương lai”.
Chiến lược mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đảo chiều cuộc xung đột đã kéo dài 16 năm tại Afghanistan, có thể sẽ gặp phải một trở ngại ngoài dự kiến: Trung Quốc (ảnh: Bloomberg) |
“Hiện tại, việc Trung Quốc đang ủng hộ và giúp đỡ nền kinh tế Pakistan phát triển, đã khiến những áp lực từ Mỹ lên Islamabad bị mất tác dụng,” ông Hasan Askari Rizvi, một nhà phân tích chính trị đến từ Lahore, Pakistan nhận xét.
Năm vừa rồi, khoản tiền Pakistan nhận được từ một quỹ hỗ trợ của Mỹ đã giảm 62% từ 1,44 tỷ USD vào năm 2013. Hàng trăm triệu USD đã bị chặn lại do các quan chức Mỹ cho rằng, Pakistan đã không có đủ nỗ lực để xóa bỏ các nhóm khủng bố như Haqqanis…
Ông Rizvi cảnh báo, những đe dọa cắt giảm hoàn toàn viện trợ quân sự từ Mỹ, sẽ không có nhiều tác dụng bởi vì Mỹ cần Pakistan để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Nam Á. Ngay cả khi Washington chọn cách cứng rắn với Islamabad, “Pakistan vẫn có thể sống sót mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ.”
Hôm thứ Tư (23/8), người đứng đầu quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa nói với Đại sứ Mỹ tại Pakistan David Hale rằng, Pakistan không tìm kiếm tài chính, mà chỉ muốn được ghi nhận trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, chính phủ Pakistan vẫn nhấn mạnh rằng, họ không muốn mối quan hệ đồng minh với Mỹ bị ảnh hưởng.
Chúng tôi sẽ “không quay lưng lại với phần còn lại của thế giới sau sự hỗ trợ của Trung Quốc,” Miftah Ismail, cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi nói. “Chúng tôi muốn là bạn của mọi quốc gia và nước Mỹ có một vai trò quan trọng [đối với điều này]”.
Lợi ích khổng lồ của Trung Quốc tại Pakistan
Một số nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể khiến sự bất ổn trong khu vực kết thúc. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại sứ Afghanistan tại Pakistan, ông Omar Zakhilwal bày tỏ hy vọng, Bắc Kinh sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
“Trung Quốc có thể quan tâm đến hòa bình tại Afghanistan vì những khoản đầu tư tại Pakistan,” ông Zakhilwal. “Sự bất ổn tại bất kỳ quốc gia nào trong số này đều không có lợi cho Trung Quốc.”
Rõ ràng, Bắc Kinh có rất nhiều lợi ích tại Pakistan. Các dự án nằm trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) là yếu tố chủ chốt trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào cảng Gwadar - một cảng nước sâu trên biển Arab, rất gần với Ấn Độ ,quốc gia đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
Ngoài ra, không thể không kể đến khoảng 20.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Pakistan – tăng gấp đôi so với hai năm trước. Một quan chức cấp cao giấu tên của Trung Quốc tiết lộ với Bloomberg, quân đội Pakistan ủng hộ tuyệt đối ý tưởng CPEC.
“Tầm quan trọng của Pakistan đối với Trung Quốc, đặc biệt là dưới sáng kiến CPEC đã rất rõ ràng,” Bilal Khan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Standard Chartered Plc phân tích. “Tương lai mối quan hệ kinh tế Pakistan và Mỹ lại chưa hề rõ ràng.”
Bloomberg cho rằng, sau những chỉ trích của Tổng thống Trump, khả năng Pakistan đồng ý với chính sách của Mỹ càng trở nên bé nhỏ hơn.
“Việc các nhà lãnh đạo Mỹ muốn Pakistan thay đổi không phải là điều mới mẻ,” Michael Kugelman, một học giả chuyên về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, nói. “Điều trước mắt là chờ xem ông Trump sẽ làm gì để khiến Pakistan thay đổi thái độ của mình. Nhiều khả năng là, Pakistan sẽ không thực hiện điều đó cho dù ông Trump có đưa ra lời đe dọa, hoặc hình phạt nào chăng nữa.”
(Theo Bloomberg)