• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ thành công tạo được sức ép với OPEC+: Hi vọng cứu giá năng lượng toàn cầu?

Thế giới 03/06/2022 11:16

(Tổ Quốc) - Thỏa thuận đề nghị OPEC+ tăng sản lượng dầu được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhà Trắng và giới lãnh đạo Saudi Arabia đang dần giảm bớt.

Hôm thứ Năm, OPEC và các đồng minh đã nhất trí tăng tốc độ sản xuất dầu trong tháng 7 và tháng 8. Saudi Arabia, một ông lớn trong OPEC, đã chịu nhiều sức ép của Mỹ để đồng thuận việc tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt đợt tăng giá dầu đã đe dọa đình trệ nền kinh tế toàn cầu. Saudi Arabia đưa ra quyết định tích cực

OPEC+ cho biết họ sẽ tăng sản lượng thêm gần 650.000 thùng/ngày trong cả hai tháng trên, tăng so với kế hoạch ban đầu khoảng 400.000 thùng/ngày.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi EU đồng ý áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu khi cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục làm chao đảo thị trường.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hai cường quốc sản xuất dầu của OPEC, có khả năng chiếm phần lớn số lượng gia tăng nguồn cung trên. Trước đó, Riyadh đã báo hiệu rằng họ đã chuẩn bị tăng sản lượng để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Mỹ thành công tạo được sức ép với OPEC+: Hi vọng cứu vớt giá năng lượng toàn cầu? - Ảnh 1.

Giá dầu liên tục tăng cao khiến nguy cơ lạm phát trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Ảnh: Reuters.

Động thái gia tăng sản lượng lần này là lần đầu tiên OPEC+, do Saudi Arabia dẫn đầu, đã thay đổi chính sách sản xuất được tính toán và nhất trí sau vụ dư thừa dầu do đại dịch hai năm trước. Động thái này cũng là kết quả sau nhiều tháng ngoại giao cấp cao của Mỹ nhằm sửa chữa quan hệ giữa Riyadh và Washington.

Nhà Trắng hoan nghênh "quyết định quan trọng" trên và ghi nhận Saudi Arabia vì đã "đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhóm" và ghi nhận "những đóng góp tích cực của UAE, Kuwait và Iraq."

Quyết định của OPEC được đưa ra chỉ vài tuần trước chuyến thăm dự kiến tới Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, có thể bao gồm cả chặng dừng chân ở Riyadh, bất chấp mối quan hệ rạn nứt giữa Washington và nhà lãnh đạo thực tế của Saudi Arabia, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman (MBS).

Chuyên gia Amrita Sen tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết: "Saudi Arabia vẫn đang nỗ lực vận động trong khuôn khổ OPEC + để tăng cường sản lượng dầu dưới áp lực chính trị".

Giá dầu đã giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Năm sau khi tờ Financial Times lần đầu tiên đưa tin về tính khả thi của thỏa thuận trên. Giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, đã giảm xuống mức thấp là gần 112 USD/thùng từ mức 116 USD/thùng vào cuối ngày thứ Tư.

Tuy nhiên, giá đã tăng nhẹ sau cuộc họp hôm thứ Năm, khi dầu Brent giao dịch trên 116 USD/thùng, vì các nhà phân tích cho rằng nguồn cung bổ sung tương đối khiêm tốn có thể không đủ để xoa dịu thị trường dầu, khi giá cả đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra và gia tăng sức ép lạm phát trên khắp thế giới.

Mục tiêu giữ cân bằng và ổn định thị trường

Một thỏa thuận dự kiến giữa Anh và EU để cấm mua bán bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga có thể tiếp tục làm giảm mạnh xuất khẩu dầu của Moscow vào cuối năm nay. Trước cuộc xung đột với Ukraine, Nga phụ trách hơn 10% nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hiện tại, thỏa thuận nguồn cung mới của OPEC + sẽ điều chỉnh kế hoạch gia tăng nguồn cung từ tháng 9 sang tháng 7 và tháng 8, dừng hệ thống sản xuất theo hạn ngạch kéo dài hai năm qua. Hệ thống này đã giúp giá dầu tăng gần 500% kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Saudi Arabia và các thành viên OPEC khác vẫn lo ngại về mức năng lực sản xuất dự phòng hiện có nên vẫn do dự trong việc tăng sản lượng quá nhanh. Nhưng các ông lớn này cũng quan ngại tình trạng khó khăn hiện tại trên thị trường dầu có thể trở thành tình trạng thiếu hụt hoàn toàn vào cuối năm 2022.

Ám chỉ nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, OPEC + đưa ra một tuyên bố sau cuộc họp nói rằng họ "ghi nhận việc mở cửa trở lại gần đây nhất sau khi các đợt phong tỏa ... và lượng tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng". Do đó, quyết định của nhóm này "tập trung vào tầm quan trọng của việc giữ thị trường cân bằng và ổn định."

Có thể nói nhiều tuần ngoại giao con thoi của các đặc phái viên hàng đầu về Trung Đông và năng lượng của Nhà Trắng, Brett McGurk và Amos Hochstein, đã mở đường cho sự cải thiện trong quan hệ giữa Riyadh và Washington.

Ông Biden đã cố gắng giữ khoảng cách với Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman do cáo buộc Hoàng thái tử có liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post bị sát hại. Tuy nhiên, Mỹ rất muốn cải thiện quan hệ với Riyadh, do năng lượng là nền tảng của mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đã kéo dài từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ