• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Nóng' thị trường năng lượng, Tổng thống Biden tìm đột phá từ Saudi Arabia

Thế giới 02/06/2022 11:01

(Tổ Quốc) - Tổng thống Joe Biden đang có xu hướng thực hiện chuyến thăm tới Saudi Arabia để giải quyết tình trạng giá xăng tăng cao trên toàn cầu.

Nhà Trắng đang cân nhắc thực hiện chuyến thăm tới Saudi Arabia, theo đó sẽ tiến hành các cuộc họp với các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)) cũng như Ai Cập, Iraq và Jordan, theo một nguồn tin thân cận với kế hoạch của Nhà Trắng.

Động thái này diễn ra vào thời điểm các lợi ích chiến lược của Mỹ về dầu mỏ và an ninh có thể khiến chính quyền của ông Biden phải suy nghĩ lại về lập trường mua bán vũ khí mà ông Biden từng nói sẽ cứng rắn với Saudi Arabia từ khi tranh cử vào Nhà Trắng.

Hi vọng tích cực vào cuộc gặp Mỹ - Saudi

Bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Biden và Thái tử Mohammed bin Salman, người lãnh đạo trên thực tế của Saudi, trong chuyến thăm Trung Đông lần này có thể mang lại hy vọng cứu trợ phần nào cho người tiêu dùng ở Mỹ. Người dân Mỹ đang điêu đứng khi nguồn cung dầu toàn cầu eo hẹp khiến giá năng lượng liên tục tăng. Ông Biden dự kiến sẽ gặp Thái tử Mohammed (MBS) - nếu chuyến thăm Saudi Arabia diễn ra, theo một nguồn tin thân cận.

Một cuộc gặp như vậy cũng có thể xoa dịu một trong những giai đoạn khó khăn và không chắc chắn nhất trong quan hệ đối tác ¾ thế kỷ qua giữa Saudi là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và Mỹ - một cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.

Nhưng hành động này cũng có nguy cơ khiến công chúng tức giận với nhà lãnh đạo Mỹ, người vào năm 2019 đã cam kết sẽ cứng rắn với hoàng gia Saudi về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại vào năm 2018.

'Nóng' thị trường năng lượng, Tổng thống Biden tìm đột phá từ Saudi Arabia - Ảnh 1.

Từ khi ông Biden nhậm chức, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Saudi, cụ thể là MBS, không có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: AP.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm thứ Tư đã từ chối bình luận về việc liệu ông Biden có tới Saudi Aranbia hay không. Ông Biden dự kiến sẽ đến châu Âu vào cuối tháng 6. Ông có thể dừng chân ở Saudi Arabia để gặp Thái tử Mohammed, Quốc vương Saudi Salman và các nhà lãnh đạo khác. Tổng thống Mỹ cũng có khả năng sẽ thăm Israel nếu ông kéo dài chuyến công du sắp tới.

Tuần trước, Nhà Trắng xác nhận rằng điều phối viên Trung Đông của Mỹ Brett McGurk và Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, gần đây đã có mặt tại khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện qua điện thoại hôm thứ Hai với người đồng cấp Saudi Arabia.

Hai ông McGurk và Hochstein, cũng như Tim Lenderking, đặc phái viên của Mỹ về Yemen, đã nhiều lần đến thăm Saudi để đàm phán với các quan chức nước này về nguồn cung cấp năng lượng, các nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc chiến của Saudi ở Yemen.

Ông Biden đã sẵn sàng chào đón ông MSB tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 năm ngoái ở Rome, nhưng Thái tử Saudi đã không tham dự.

Chính trường Mỹ đang đặc biệt chú ý đến việc Saudi từ chối lời kêu gọi nhiều tháng qua của phương Tây về tăng cường sản lượng dầu. Trước đó, Saudi và Nga đã áp đặt một mức giới hạn sản lượng dầu chung– điều gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng lên.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thúc giục ông Biden xoa dịu mối quan hệ Mỹ- Saudi để giải quyết vấn đề năng lượng.

Lo ngại sự cứng rắn từ Saudi

Trong khi quan hệ Mỹ - Saudi "cơm không lành, canh không ngọt", thì các chuyến thăm thường xuyên, nồng nhiệt giữa các quan chức Saudi, Nga và Trung Quốc đã làm phương Tây lo ngại rằng Saudi có thể phá vỡ các lợi ích chiến lược của phương Tây.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã đảm bảo rằng hàng không mẫu hạm, quân đội, huấn luyện và các khẩu đội tên lửa của Mỹ và đồng minh vẫn được duy trì triển khai để bảo vệ Saudi và các mỏ dầu của nước này, cũng như phòng thủ cho các quốc gia vùng Vịnh khác. Cam kết quân sự này khẳng định rằng một thị trường dầu mỏ toàn cầu ổn định và một đối trọng vùng Vịnh với Iran nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ.

Từ Saudi Arabia, Mỹ hướng đến "những đảm bảo thực sự rằng họ sẽ liên kết chặt chẽ với Washington trên bình diện quốc tế, và không hướng về phía khác hoặc có các mối quan hệ tương đương với Nga và Trung Quốc. Điều đó vượt lên vấn đề dầu", Dan Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, cho biết.

Về phần mình, các quan chức ở Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thường coi ông Biden là tổng thống mới nhất trong số các tổng thống Mỹ bỏ bê vai trò bảo vệ lâu đời của quân đội Mỹ ở Vùng Vịnh, khi Washington cố gắng tách mình khỏi các cuộc xung đột Trung Đông để tập trung vào Trung Quốc .

Những lo lắng về an ninh vùng Vịnh này đã được xoa dịu phần nào nhờ động thái của Mỹ hồi năm ngoái là đã đưa lực lượng của họ ở Israel vào dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTOM). Điều đó làm tăng hiệu quả sự tương tác giữa quân đội được trang bị của Mỹ và các lực lượng Ả Rập dưới sự bảo trợ của quân đội Mỹ, ông Shapiro nói.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia Khalid bin Salman đã đến thăm trụ sở CENTCOM ở Florida vào tháng trước. Điều phối hoạt động ở khu vực là một trong những chủ đề chính của chuyến thăm này, trong đó có vấn đề phòng không của Trung Đông, ông Shapiro nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ