• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ thiệt hại hơn 700 tỷ đồng vì loài vật xâm lấn nặng 9 kg có khả năng sinh tới 200 con

Khám phá 19/08/2023 21:48

(Tổ Quốc) - Nhiều bang của Mỹ đau đầu tìm kiếm giải pháp để ứng phó khi loài vật xâm lấn này không ngừng gia tăng về số lượng. Mỗi con cái có thể sinh tới 200 con chỉ trong vòng 3 năm.

Loài vật xâm lấn này chính là chuột nutria, hay còn gọi là chuột hải ly. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, chuột hải ly là loài động vật bản xứ ở Nam Mỹ. Chúng bắt đầu được đưa đến Mỹ vào năm 1889 thông qua các hoạt động buôn bán lông thú. Đến khi thị trường buôn bán lông bị sụp đổ vào đầu thập niên 1940, hàng nghìn con chuột hải ly đã trốn thoát hoặc chúng được những người nông dân thả ra sau khi họ không còn khả năng chăm sóc.

Sau đó, loài chuột này đã lan rộng ra ít nhất 20 bang của Mỹ và gây ra nhiều thiệt hại. Chuột hải ly nặng từ 5 – 10 kg, thường nặng hơn 9 kg. Loài chuột khổng lồ này có thể ăn một lượng thức ăn bằng1/4 trọng lượng cơ thể của chúng mỗi ngày.

Mặc dù hầu hết chuột hải ly sống dưới 3 năm trong môi trường tự nhiên, nhưng một con chuột cái thuộc loài này có thể sinh tới 200 con chỉ trong một vòng đời ngắn ngủi.

Mỹ thiệt hại hơn 700 tỷ đồng vì loài vật xâm lấn nặng 9 kg có khả năng sinh tới 200 con - Ảnh 1.

Chuột hải ly thường nặng 9 kg. Loài chuộ này có hàm răng màu cam và nổi tiếng phàm ăn. Ảnh: Wall Street Journal

Chuột hải ly có thể dài tới 60 cm. Những con chuột khổng lồ này có bộ lông màu nâu, trong đó phần lông quanh miệng và ria mép màu trắng. Đặc biệt, giống như hải ly, chúng còn có hàm răng màu cam do lớp men răng có chứa sắt.

Vì quá trình kiếm ăn của loài chuột hải ly bao gồm đào hang, nên khoảng 10% lượng thực vật mà chúng ăn hàng ngày bị lãng phí. Trên thực tế, mỗi khi đào hang, chuột hải ly sẽ tạo ra cái hang sâu gần 6 m và trải roongj tới 50 m bên bờ sông.

Quá trình đào hang của loài chuột nặng hơn 9 kg này có thể phá hủy đất, quần thể thực vật bản xứ, mùa màng, đồng thời thúc đẩy xói mòn, khiến đê điều có nguy cơ sụp đổ, dẫn tới thiệt hại lớn cho những cơ sở hạ tầng ngăn chặn lũ lụt.

Tờ Wall Street Journal và Trung tâm Internet về quản lý thiệt hại động vật hoang dã, cho biết chuột hải ly thích sống ở đầm lầy và chúng cũng thường tàn phá hệ sinh thái của khu vực này.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ giải thích, vùng đất ngập nước rất quan trọng. Cụ thể, các loài thực vật tại khu vực này giúp cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn chỗ nhiều loài động vật.

Do đó, khi chuột hải ly có xu hướng sống ở gần sông, hồ, chúng trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các loài động vật bản xứ vốn sống phụ thuộc vào môi trường ngập nước. Loài chuột to lớn thường mang theo mầm bệnh và ký sinh trùng. Điều này có thể gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước, tài sản và môi trường.

Mỹ đau đầu vì số lượng chuột khổng lồ xâm lấn

Mỹ thiệt hại hơn 700 tỷ đồng vì loài vật xâm lấn nặng 9 kg có khả năng sinh tới 200 con - Ảnh 2.

Một con chuột cái thuộc loài chuột hải ly có thể sinh tới 200 con trong vòng đời ngắn ngủi của nó. Ảnh: California naturalist diaries

Theo Wall Street Journal, các quần thể của loài chuột hải ly đang lan rộng và ngày càng tăng tại nhiều bang của Mỹ.

Hiện nay, nhiều bang ở Mỹ đang thực hiện nhiều giải pháp để loại bỏ chuột khổng lồ trước khi chúng phá hủy những vùng đất ngập nước của địa phương.

Chẳng hạn, ở bang Texas, chuột hải ly nằm trong danh mục loài vật xâm lấn bị săn lùng nhiều nhất. Tương tự, tại bang Oregon, hoạt động săn bắt chuột cũng diễn ra quanh năm. Đặc biệt, chính quyền bang Maryland đã mất tới 20 năm và dành ra 30 triệu USD (hơn 714 tỷ đồng) để tiêu diệt 14.000 con chuột hải ly trên diện tích rộng hàng trăm nghìn mẫu.

Các phương pháp của bang Marayland áp dụng bao gồm tìm bắt chuột bằng hệ thống lưới, gắn thẻ chip vào một số con để giúp các chuyên gia môi trường tìm ra đồng loại của chúng. Trên thực tế, nhiều bang ở Mỹ cũng đang áp dụng theo cách này, chẳng hạn như bang California.

Cụ thể, bang California đang sử dụng chó đánh hơi tại vịnh Chesapeake nhằm tìm kiếm những con chuột phá hoại. Ngoài ra, các nhà chức trách của bang cũng đã cải tiến giải pháp áp dụng ở bang Maryland, khi tiến hành đặt bẫy một vài cá thể và sau đó lắp vòng cổ có phát tín hiệu vô tuyến để chúng dẫn đường tới nơi ẩn nấp của những con chuột khác.

Tuy nhiên, theo Valerie Cook, chuyên gia về quản lý tiêu diệt chuột hải ly tại California, do hình dáng mập mập của loài chuột nầy nên việc đặt vòng cổ theo dõi gặp nhiều khó khăn.

Nghị sĩ Josh Harder tại bang California cho biết: "Đây thực sự là một vấn đề và chúng ta phải hành động một cách nhanh chóng trước khi chuột hải ly xâm chiếm hoàn toàn các tuyến đường thủy".

Mỹ thiệt hại hơn 700 tỷ đồng vì loài vật xâm lấn nặng 9 kg có khả năng sinh tới 200 con - Ảnh 3.

Một con chuột hải ly được tìm thấy ở bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: NatGeo

Trong khi đó, bang Louisiana cũng đang tìm cách để tiêu diệt khoảng 400.000 con chuột hải ly mỗi năm. Sự phàm ăn của loài chuột khổng lồ này đã phá hủy hàng nghìn hecta đất tại bang Louisiana, thậm chí còn biến một số đầm lầy thành vũng nước. Bang này nhiều chuột đến mức các nhà chức trách đưa ra mức tiền thưởng 6 USD cho mỗi con chuột mà người dân bắt được.

Ngoài ra, bang Louisiana còn khuyến khích người dân ăn thịt loài chuột khổng lồ được cho là có mùi vị giống thỏ rừng.

Chuột hải ly đang tàn phá môi trường tự nhiên ở Mỹ. Do đó, các nhà chức trách đang khuyến khích người dân cả nước hãy báo cáo khi họ trông thấy hoặc phát hiện ra chuột hải ly nhằm hỗ trợ nỗ lực để quản lý loài vật xâm lấn này.

Bài viết tham khảo nguồn: Wall Street Journal, Business Insider

Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ