(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, thông qua đạo luật IRA, Mỹ đã tăng cường quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và thu hút đầu tư mạnh vào công nghệ sạch ở Bắc Mỹ.
Công ty khởi nghiệp Freyr của Na Uy bắt đầu chế tạo pin để cung cấp năng lượng cho xe điện và lưu trữ năng lượng sạch tại một thị trấn xa xôi gần Vòng Bắc Cực. Và tiếp theo sẽ là ngoại ô Atlanta (Mỹ).
Giám đốc điều hành Freyr Tom Einar Jensen cho biết Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ mang lại các khoản tín dụng thuế hào phóng, bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch nhằm khuyến khích sản xuất mạnh mẽ tại Mỹ. Ở khắp châu Âu, các công ty đang tìm cách đầu tư vào phát triển năng lượng xanh, sản xuất tất cả từ tấm pin mặt trời đến cối xay gió và pin xe điện (EV) giống như cách Mỹ triển khai trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá 375 tỷ USD để tăng cường phát triển ngành công nghiệp tái tạo.
Thông qua đạo luật IRA, Mỹ đã tăng cường khởi động chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch thông qua các khoản tín dụng thuế và giảm giá ở Bắc Mỹ. Đạo luật của Mỹ từng khiến EU căng thẳng khi cho rằng các quy tắc đang thu hút các sản phẩm về phía Mỹ, đe dọa khả năng đầu tư xanh từ châu Âu và châm ngòi cho cuộc chạy đua trợ cấp. Nhiều quốc gia EU đã hoan nghênh cam kết mới này đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, tuy nhiên cũng có những ý kiến lo ngại rằng các rào cản thương mại mới trong Đạo luật IRA đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện của EU.
Phía EU đã phản ứng bằng kế hoạch đảm bảo ít nhất 40% công nghệ sạch được sản xuất tại châu Âu vào năm 2030 và hạn chế số lượng nguyên liệu thô chiến lược từ bất kỳ nước thứ 3 nào, giảm xuống 65%. EU cũng đã mở các cuộc đàm phán với Mỹ về việc sử dụng các khoáng sản có nguồn gốc từ châu Âu nhưng sẽ sản xuất pin xe điện (EV) tại Mỹ và đáp ứng đủ điều kiện cho các khoản tín dụng thuế của Washington. Một số giám đốc điều hành cho rằng có thể kiếm được lợi nhuận lớn nhất thông qua hình thức này, tiếp tục đánh giá cao chương trình của Mỹ. Tuy nhiên số khác lại cho rằng EU chưa đưa ra chính sách thiết thực và có thể bị lùi lại phía sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô chuyển sang xe điện.
"Các điều kiện của IRA hiện được cho là hấp dẫn đến mức châu Âu có nguy cơ thua cuộc trong cuộc đua giành hàng tỷ khoản đầu tư sẽ được quyết định trong những tháng tới và năm tới", ông Thomas Schmall, thành viên hội đồng quản trị giám sát công nghệ của hãng ô tô Đức Volkswagen nhận định.
Sẵn sàng các nhà máy ô tô điện
Gã khổng lồ ô tô Đức Volkswagen cho biết hoạt động kinh doanh pin PowerCo mới sẽ xây dựng siêu nhà máy gigafactory đầu tiên cho pin EV – được ví như cỗ máy khổng lồ, sản xuất ra những cỗ máy khác (ôtô điện) ở ngoài châu Âu tại St. Thomas, Ontario trong khi hai nhà máy khác đang xây dựng ở Đức và Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó, một công ty khởi nghiệp về pin khác ở Scandinavia, Northvolt của Thụy Điển cũng đã sẵn sàng xây dựng nhà máy gigafactory thứ ba và là nhà máy đầu tiên bên ngoài đất nước quê hương của họ, ở miền bắc nước Đức. Công ty này hiện đang xem xét các đề xuất mới của EU trước khi quyết định chính thức về vị trí đặt nhà máy trong tháng tới.
EU từng kiểm soát chặt chẽ viện trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp để tránh làm méo mó cạnh tranh trong thị trường chung của khối, nơi một số quốc gia - như Đức và Pháp - lớn hơn và giàu có hơn nhiều so với các quốc gia khác trong châu lục. Tuy nhiên để cạnh tranh với Mỹ, EU đã phải nới lỏng những hạn chế đó đối với các ngành công nghiệp sạch, đánh dấu một sự thay đổi cơ bản với quan điểm lâu nay rằng chính phủ nên có cách tiếp cận tự do đối với thị trường tự do.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nói rằng Mỹ khuyến khích nâng cao cách thức sản xuất công nghệ toàn cầu.
Trong khi đó, công ty năng lượng khổng lồ Enel của Italy đã ghi nhận Đạo luật IRA khi công bố kế hoạch sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời khổng lồ ở Mỹ vào tháng 11. Nhà máy của Enel ban đầu sẽ sản xuất 3 gigawatt tấm pin mặt trời và tế bào, cuối cùng sẽ mở rộng lên 6 gigawatt. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024.
Không chỉ châu Âu, các công ty ở châu Á cũng muốn là một phần của Đạo luật IRA. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc LG tháng trước đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một khu phức hợp sản xuất pin trị giá 5,5 tỷ USD ở bang Arizona (Mỹ), được gọi là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay cho một cơ sở sản xuất pin độc lập ở Bắc Mỹ. Bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất tại Mỹ, LG đang tăng cường đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với pin được sản xuất tại Mỹ.
"Điều quan trọng đối với chúng tôi là sản xuất pin ở cả hai bờ Đại Tây Dương vì khách hàng và các đối tác trong chuỗi cung ứng của chúng tôi đều muốn sẽ có mặt ở cả hai nơi", Giám đốc điều hành Jensen cho biết./.