• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tung hành động với 'lục địa đen', tìm cách cạnh tranh ảnh hưởng trực diện

Thế giới 22/07/2022 16:37

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên lịch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi trong bối cảnh Washington thúc đẩy đầu tư vào lục địa này, theo tờ SCMP.

Mỹ đang đặt mục tiêu bơm hàng tỷ USD đầu tư vào châu Phi trong một cam kết mới nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên lục địa này.

Mỹ tăng cường kết nối với châu Phi

Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi vào năm 2009 và giờ đây Washington sẽ hợp tác với Nhóm 7 quốc gia giàu có nhất để huy động vốn đầu tư của các nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư đã thông báo sẽ tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra từ ngày 13-15/12 để thảo luận về các vấn đề cấp bách, bao gồm an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Ông Biden cho biết cuộc họp sẽ "thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi và sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên toàn cầu cùng quan tâm".

Hội nghị cấp cao Mỹ- châu Phi gần đây nhất được tổ chức cách đây 8 năm dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 50 quốc gia châu Phi.

Một sự kiện tương đương khác của Bắc Kinh là Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi, được tổ chức ba năm một lần. Vào tháng 11 năm ngoái, thủ đô Dakar của Senegal đóng vai trò chủ nhà của diễn đàn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thông qua tham dự trực tuyến, đã cam kết ứng trước 40 tỷ USD tài trợ và hứa sẽ tăng giá trị nhập khẩu từ châu Phi lên 300 tỷ USD trong ba năm tới.

Mỹ tung hành động với 'lục địa đen', tìm cách cạnh tranh ảnh hưởng trực diện - Ảnh 1.

Châu Phi đang kỳ vọng Mỹ đưa ra nhiều thông tin cụ thể hơn về các chương trình hỗ trợ mới. Ảnh: Reuters.

Và thông báo hôm thứ Tư của Mỹ được đưa ra nhân dịp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Mỹ-Châu Phi ở Marrakech, Morocco.

Mỹ "cam kết mang theo tất cả các công cụ của chúng tôi, bao gồm tài trợ phát triển, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ cải cách luật pháp và quy định, tất cả để giúp các đối tác châu Phi của chúng tôi phát triển", bà Harris nói.

Tại Đức vào tháng trước, ông Biden đã đề xuất sáng kiến trị giá 600 tỷ USD với G7 để xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua sáng kiến Đối tác về Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (PGII). Trong số đó, Washington đặt mục tiêu huy động 200 tỷ USD cho PGII trong 5 năm tới thông qua các khoản viện trợ, tài trợ và đầu tư của khu vực tư nhân.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã tài trợ và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn - như cảng, đường sắt, đường cao tốc và đập thủy điện - ở châu Phi theo Sáng kiến Vành đai và Con đường xuyên lục địa. Ví dụ như một tuyến đường sắt trị giá 4,7 tỷ USD ở Kenya chạy từ Cảng Mombasa đến thủ đô Nairobi hay một tuyến đường sắt tương tự kéo dài từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến Djibouti.

XN Iraki, một giáo sư kinh tế tại Đại học Nairobi, cho biết Mỹ thường xuất hiện ở "các vấn đề mềm" như dân chủ, y tế, nhân quyền và giáo dục chứ không phải "những vấn đề cứng" như cơ sở hạ tầng, một lỗ hổng mà Trung Quốc dễ dàng lấp đầy. Ông Iraki nói: "Chúng tôi có thể chỉ ra các cảng, sân bay, đường cao tốc hoặc đường ray nào mà Trung Quốc đã xây dựng trên lục địa này, chứ không phải là Mỹ".

Cho rằng chương trình PGII là một phản ứng của Mỹ đối với BRI, ông Iraku nói "PGII sẽ phải đạt đến một mức độ để cạnh tranh được với BRI". "PGII sẽ tập trung vào các vùng nông thôn bị bỏ quên hay các quốc gia mà Trung Quốc chưa vươn tới? Chúng tôi hy vọng các chi tiết sẽ xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới", ông nói.

Lộ trình dài hơi để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi. Trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã công bố Sáng kiến Châu Phi thịnh vượng, nhưng ông Trump đã rời nhiệm sở trước khi bất kỳ dự án lớn nào được bắt đầu. Mục tiêu của sáng kiến này là tăng cường thương mại và đầu tư hai chiều giữa Mỹ và các nước châu Phi.

Alice Albright, giám đốc điều hành của Millennium Challenge Corporation, một cơ quan về viện trợ nước ngoài của Mỹ, đang dẫn đầu một phái đoàn từ 10 cơ quan và ban ngành của chính phủ Mỹ tham gia cuộc họp ở Morocco. Albright cho biết kể từ khi ra mắt Sáng kiến Châu Phi thịnh vượng hai năm trước, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho 800 thỏa thuận thương mại và đầu tư hai chiều tại 45 quốc gia ở châu Phi, trị giá ước tính 50 tỷ USD.

Adhere Cavince, một nhà phân tích quan hệ quốc tế tại Nairobi, cho biết vẫn còn những khoảng trống lớn liên quan đến cam kết của Mỹ đối với việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của châu Phi. "Châu Phi rõ ràng là lục địa cần cơ sở hạ tầng nhất. Chương trình Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn được phát động vào năm ngoái dường như vẫn chưa thành công và đang nhanh chóng được thay thế bằng chương trình PGII", ông nói.

Ông Cavince cho biết PGII sẽ là một sáng kiến đáng hoan nghênh nếu Mỹ sẵn sàng lắng nghe nhu cầu của châu lục và không ràng buộc các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Mỹ với các yếu tố không liên quan như các giá trị phương Tây. Ông nói: "Một cách tiếp cận dựa trên nhu cầu thay vì một khuôn khổ đầy giá trị sẽ phục vụ tốt hơn cho Mỹ và các đối tác châu Phi. Trong khi BRI là thực tế, với hơn 1 nghìn tỷ USD đã được cam kết cho các nước tham gia kể từ khi thành lập vào năm 2013, PGII vẫn chỉ là tham vọng ở giai đoạn này".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ