• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ tung loạt tín hiệu, kiên quyết "rắn mặt" với Iran tại LHQ

Thế giới 20/08/2020 09:36

(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân đối với Iran, một nỗ lực nhằm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và buộc Tehran trở lại bàn đàm phán.

"Làm điều đó thì Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân", ông Trump nói tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm thứ tư. "Chúng tôi đã phải trả giá đắt cho một mô hình thất bại, một chính sách thất bại khiến không thể có hòa bình ở Trung Đông."

Mỹ cọ xát với cả đồng minh

Động thái này sẽ đặt chính quyền Trump vào một hành trình cọ xát với nhiều cường quốc khác trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh quan trọng, những bên cho rằng Hoa Kỳ không có thẩm quyền tái áp đặt lại các lệnh trừng phạt quốc tế và họ cũng sẽ không tuân theo điều đó. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo sẽ chính thức đề xuất "khôi phục" các lệnh trừng phạt này tại Liên hợp quốc vào thứ năm.

Mỹ tung loạt tín hiệu, kiên quyết "rắn mặt" với Iran tại LHQ - Ảnh 1.

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ông Donald Trump kiên quyết cứng rắn về Iran. Ảnh: Bloomberg.

Trong khi nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran, Mỹ gần như bị cô lập hoàn toàn tại LHQ về những nỗ lực gần đây nhất nhằm gây áp lực lên nước Cộng hòa Hồi giáo. Washington cũng không thể đạt được sự đồng thuận từ những đồng minh thân cận như Pháp và Anh.

Một nỗ lực vào tuần trước nhằm kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí 13 năm sắp hết hạn đối với Iran đã bị đánh bại trong một cuộc bỏ phiếu lịch sử: 11 thành viên của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng, chỉ có Cộng hòa Dominica cùng ủng hộ Mỹ, trong khi Trung Quốc và Nga phủ quyết biện pháp này.

Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Trump đã sử dụng các biện pháp trừng phạt ngày càng cứng rắn và gây sức ép ngoại giao để cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nói rằng Iran đã sử dụng doanh thu có được từ việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để tài trợ cho nhiều cuộc xung đột, từ Syria đến Yemen, nhưng không từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump từ lâu đã gọi thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền Obama là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng có" và thông báo của ông được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama dự kiến phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ.

Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng cho rằng việc kết thúc thỏa thuận năm 2015 và áp đặt những hạn chế cứng rắn sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Iran tham gia vào các cuộc đàm phán về một thỏa thuận lớn hơn, tốt hơn và giúp thúc đẩy hòa bình trên toàn bộ Trung Đông.

Các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ sau khi rút khỏi thỏa thuận này đã giáng một đòn kinh tế tê liệt đối với Tehran. Các đồng minh châu Âu ủng hộ thỏa thuận này đã phải vật lộn để tìm cách vượt qua các hạn chế của Mỹ, như tước quyền đầu tư của Iran và khiến đồng tiền của nước này lao dốc và khiến tình trạng thiếu hàng hóa cơ bản diễn ra trên diện rộng. Nhưng chính phủ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn giữ vững lập trường và liên tục bác bỏ mọi cuộc đàm phán trong tình cảnh phải chịu nhiều sức ép.

Theo quy trình "tái khôi phục" được nêu trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, sau khi Mỹ gửi đơn khiếu nại, Hội đồng Bảo an có 30 ngày để bỏ phiếu xem có nên tiếp tục giảm nhẹ các lệnh trừng phạt cho Iran hay không. Nếu HĐBA ra một nghị quyết tiếp tục nới lỏng trừng phạt thì Mỹ có thể tiếp tục tiến hành phủ quyết. Còn trong trường hợp HĐBA không ra được một nghị quyết như vậy thì những ràng buộc đối với chương trình hạt nhân của Iran về mặt lý thuyết sẽ được khôi phục và đủ sức xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuộc tranh luận từ năm 2015

Các nhà phân tích của International Crisis Group viết trong một báo cáo hôm thứ tư: "Bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm tái áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ dấy lên nhiều tranh cãi, do chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, và có thể tạo ra bế tắc tại Hội đồng Bảo an. Mục tiêu của chính quyền Trump rất rõ ràng: Hủy bỏ thỏa thuận hoặc khiến chính quyền kế nhiệm khó tham gia lại thỏa thuận đó".

Quá trình này, như được ghi trong một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, có vẻ đơn giản, nhưng mọi bên khác trong thỏa thuận đa phương này, bao gồm cả các đồng minh châu Âu của Mỹ, đều nói rằng Washington không thể viện dẫn quy trình đó khi họ đã từ bỏ thỏa thuận. Các bên tham gia đều cho rằng quy trình khôi phục trừng phạt là quyền được trao cho những người tham gia thỏa thuận và vì lẽ đó, động thái của Mỹ sẽ được coi là không hợp lệ.

Châu Âu sẽ không "ủng hộ các đề xuất đơn phương dẫn đến việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt", Đại sứ Pháp Nicolas de Riviere cho biết vào tháng sáu.

Những người ủng hộ thỏa thuận năm 2015 nói rằng văn bản đã đưa Iran rời khỏi con đường hướng tới vũ khí hạt nhân. Nhưng kể từ ngày đạt được thỏa thuận, những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận này mang lại cho chính phủ Tehran những lợi ích kinh tế trong ngắn hạn mà không có bất kỳ đảm bảo lâu dài nào rằng quốc gia này sẽ không khởi động lại chương trình hạt nhân.

Trong những năm sau khi đạt được hiệp định, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) liên tục khẳng định rằng người Iran đang tuân thủ hiệp định. Nhưng sau khi Mỹ từ bỏ thỏa thuận và bắt đầu áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đơn phương, Iran bắt đầu từ bỏ một số điều khoản của thỏa thuận, tích trữ uranium làm giàu vượt mức thỏa thuận quy định. Nhưng họ nói rằng sẽ đảo ngược động thái này nếu Mỹ quay lại thỏa thuận.

Tranh chấp giữa Hoa Kỳ và các thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an có thể đẩy cơ chế này vào một cuộc khủng hoảng mà không có hướng giải quyết rõ ràng.

Richard Nephew, chuyên gia hàng đầu về trừng phạt của chính quyền Obama, cho biết: "Đây sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải đối mặt trong một thế hệ bởi vì hội đồng sẽ bị chia rẽ trong vô vọng, mà không có bất kỳ sự rõ ràng nào về cách giải quyết".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ