(Tổ Quốc) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Bắc Kinh đang có những hành động cứng rắn cả ở trong nước và nước ngoài.
Bất chấp tình hình căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington tiếp tục tập trung vào Trung Quốc, coi nước này là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế.
Trong bài phát biểu lớn đầu tiên về chính sách của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh, ông Blinken cho biết Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định và khả năng định hình lại trật tự quốc tế và hành động của Trung Quốc theo cách có thể đe dọa sự ổn định toàn cầu.
Xác định vị trí của Trung Quốc trong bản đồ chính sách Mỹ
Phát biểu tại sự kiện của tổ chức Xã hội Châu Á ở Washington, ông Blinken cho biết: "Tầm nhìn của Bắc Kinh sẽ khiến chúng ta rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì rất nhiều sự tiến bộ của thế giới trong 75 năm qua".
"Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn cả ở trong nước và nước ngoài," ông Blinken nói.
Bài phát biểu của ông Blinken được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức căng thẳng nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Trong những tháng gần đây, quan hệ song phương thêm phần sóng gió do Bắc Kinh từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như việc tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với Moscow.
Trong tuần này, các máy bay ném bom có năng lực hạt nhân của Trung Quốc và Nga đã cùng nhau bay qua Biển Nhật Bản khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ở Tokyo.
Ông Blinken nói: "Việc Bắc Kinh không lên tiếng về hành động của Tổng thống Putin tại Ukraine sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tất cả chúng ta, những người gọi khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là quê hương".
Bài phát biểu trên của ông Blinken được đưa ra sau chuyến thăm đầu tiên của ông Biden tới châu Á trên cương vị tổng thống, một chuyến đi nhằm mục đích củng cố các liên minh của ông để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Biden cũng bao gồm một cuộc họp của Bộ tứ - một nhóm an ninh bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Trong chuyến thăm Tokyo, ông Biden cho biết Mỹ sẽ can thiệp bằng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo này gặp nguy cơ. Tuy nhiên, ông Blinken cho biết chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi và Washington phản đối "bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng từ một trong hai bên". Ông Blinken cho biết Mỹ vẫn nhất quán trong nhiều thập kỷ về chính sách với Đài Loan, nhưng Trung Quốc đã thay đổi.
"Điều đã thay đổi, đó là sự ép buộc ngày càng tăng của Bắc Kinh, ví dụ như cố gắng cắt đứt quan hệ của Đài Loan với các nước trên thế giới", Ngoại trưởng Mỹ nói và cho biết thêm rằng Trung Quốc cũng đang thường xuyên cho máy bay chiến đấu bay gần Đài Loan. "Điều này đặt ra nguy cơ tính toán sai lầm và đe dọa hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan."
Vạch rõ chiến lược với Trung Quốc
Ông Blinken cho biết chính quyền Mỹ đã thực hiện một chiến lược toàn diện trong năm qua để chống lại Trung Quốc nhưng "không tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc chiến tranh lạnh mới". Nhà ngoại giao Mỹ mô tả chiến lược liên quan đến Trung Quốc của họ gồm ba yếu tố: đầu tư nhiều hơn vào trong nước để củng cố ngành công nghiệp và nền kinh tế; củng cố các liên minh; và cạnh tranh cứng rắn với Trung Quốc.
Ông Blinken cũng cho rằng sự cạnh tranh giữa họ là cuộc chiến giữa hai hệ tư tưởng, tuy nhiên, Washington không cố gắng thay đổi Trung Quốc. "Chúng tôi không tìm cách biến đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc. Nhiệm vụ của chúng tôi là chứng minh một lần nữa rằng nền dân chủ có thể đáp ứng những thách thức cấp bách và tạo cơ hội để nâng cao phẩm giá con người, và tương lai thuộc về những ai tin tưởng vào tự do".
Trong khi bài phát biểu này chủ yếu là tổng kết các chính sách trước đây, ông Blinken cho biết bộ ngoại giao Mỹ cũng sẽ thành lập một nhóm chính sách mới tập trung vào Trung Quốc, tính tới "quy mô thách thức mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra" và Mỹ coi vấn đề Trung Quốc sẽ kiểm nghiệm chính sách ngoại giao của Mỹ ở mức độ chưa từng có trước đây.
Nhà ngoại giao này cho biết Mỹ sẵn sàng tăng cường liên lạc với Trung Quốc về một loạt vấn đề, nhưng "không thể dựa vào Bắc Kinh" để thay đổi quỹ đạo của họ. "Vì vậy, chúng tôi sẽ định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế mở, bao trùm," ông Blinken nói.