• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ ưu tiên giải quyết khúc mắc Iran và Syria tại "bàn nóng" Liên hợp quốc

Thế giới 02/07/2020 09:17

(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ sẽ thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về việc gia hạn cấm vận vũ khí đối với Iran sớm nhất là giữa tháng 7 này và sẵn sàng hướng tới tái áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng của Liên hợp quốc nếu nỗ lực đó thất bại.

Đây là thông tin được Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đưa ra, theo Bloomberg.

Bà Craft cho biết bà hy vọng rằng các đồng minh châu Âu sẽ ủng hộ động thái của Mỹ trong việc tiến hành bỏ phiếu về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran – dự kiến hết hạn tháng 10 năm nay. Trước đó, các đồng minh châu Âu đã bày tỏ lo ngại về những động thái tiếp sau của Mỹ nếu việc gia hạn này bị bác bỏ. Bà Craft cũng thừa nhận rằng Nga, với sự hậu thuẫn từ Trung Quốc, sẽ phản đối mạnh mẽ và có thể phủ quyết.

Khó khăn về đòn cấm vận vũ khí

Chúng tôi muốn tạo cho Hội đồng (Bảo an LHQ-pv) cơ hội đối thoại về việc gia hạn văn bản này, bà Craft cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ tư. "Nhưng chúng tôi cũng sẽ sử dụng mọi biện pháp, mọi công cụ và nếu điều đó có nghĩa là tái áp đặt trừng phạt, thì đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm, chúng tôi sẽ bắt đầu điều đó".

Nếu Mỹ không thành công trong việc gia hạn cấm vận vũ khí đối với Iran thì họ sẽ viện dẫn một điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (thỏa thuận chính Mỹ đã rút khỏi năm 2018) nhằm tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran.

Mỹ  ưu tiên giải quyết khúc mắc Iran và Syria tại "bàn nóng" Liên hợp quốc - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft thể hiện những lập trường cứng rắn về vấn đề Iran và Syria. Ảnh: Bloomberg.

Thông điệp này được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo phát biểu trước Hội đồng Bảo an về vấn đề này, nói rằng việc gia hạn cấm vận vũ khí là một ưu tiên của Hoa Kỳ.

Đây là về an ninh của toàn khu vực, bà Craft cho biết, người từng là đại sứ Mỹ tại Canada trước khi đảm nhiệm chức vụ tại LHQ hồi năm ngoái. "Tôi thực sự nghĩ rằng mọi người sẽ hành động và buộc Iran chịu trách nhiệm".

Hoa Kỳ tuần trước đã chính thức lưu hành một nghị quyết trong Hội đồng Bảo an về việc kêu gọi áp dụng cấm vận vũ khí với Iran vô thời hạn. Bà Craft nói rằng hành động này là cần thiết bởi vì Iran đã gây ra lộn xộn trong khu vực bằng cách vũ trang các nhóm ủy nhiệm và khi cấm vận vũ khí hết hạn, Iran sẽ có thể phát triển quân đội mạnh mẽ hơn nữa.

Đây cũng là ý kiến của ông Pompeo tại Hội đồng Bảo an hôm thứ ba rằng việc cho phép các hạn chế vũ khí hết hạn sẽ giúp Iran tái vũ trang và tạo ra sự bất ổn tại Trung Đông.

Iran, Nga, Trung Quốc và một số đồng minh châu Âu của Mỹ đã phản đối lại lời đe dọa của Washington về động thái tái áp đặt trừng phạt của LHQ đối với Iran, viện dẫn thỏa thuận hạt nhân. Họ nói rằng chính quyền Trump không có thẩm quyền viện dẫn thỏa thuận này khi họ đã từ bỏ chúng vào năm 2018. Là một phần của hiệp ước hạt nhân này, có tên là Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA, LHQ đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào tháng 10 năm nay.

Hôm thứ ba, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu với Hội đồng Bảo an rằng Mỹ là nguồn gốc của sự bất ổn tại Trung Đông, viện dẫn cuộc tấn công Iraq và việc ủng hộ cho Israel.

Cộng đồng quốc tế nói chung - và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói riêng - đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng: Chúng ta có duy trì sự tôn trọng đối với luật pháp hay chúng ta quay trở lại luật rừng bằng cách đầu hàng những ý tưởng bất chợt về bắt nạt ngoài vòng pháp luật?", ông Zarif cho biết trong cuộc họp trực tuyến với hội đồng vào thứ ba.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc nghiên cứu kỹ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho phép Hoa Kỳ viện dẫn việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt, từ đó chấm dứt thực sự thỏa thuận hạt nhân.

Viện trợ Syria

Ngoài Iran, bà Craft cũng nói rằng ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ hiện nay là duy trì khả năng của Liên Hợp Quốc trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo đi từ các nước láng giềng vào Syria.

Các cường quốc phương Tây và Liên Hợp Quốc đang tìm cách mở lại hai chốt đi lại băng qua biên giới Syria từ phía Thổ Nhĩ Kỳ - những nơi cho phép viện trợ tiếp cận được phía tây bắc Syria – nơi phe nổi dậy nắm quyền kiểm soát. Họ cũng đang tìm cách mở lại một con đường băng qua Iraq ở phía đông bắc để giúp chống lại đại dịch Covid-19 ở Syria.

Văn bản hiện tại cho phép hoạt động viện trợ di chuyển xuyên biên giới Syria sẽ hết hạn vào ngày 10/7. Trong các cuộc đàm phán trước đây về các chốt đi lại ở biên giới vào tháng 1, Nga nói rằng viện trợ xuyên biên giới chỉ là một hành động tạm thời trong cuộc xung đột đang diễn ra. Thay vì mất tất cả con đường đi lại, Hội đồng Bảo an đã buộc phải cắt giảm số lượng chốt đi lại xuyên biên giới từ bốn xuống còn hai điểm.

Tình hình nhân đạo trên thực địa rất nghiêm trọng, và nếu chúng ta không có cách tiếp cận có nguyên tắc đối với các cửa khẩu biên giới này, chúng ta sẽ mất đi hàng ngàn thường dân vô tội, bà Craft nói.

Giám đốc nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock nói với Hội đồng Bảo an trong tuần này rằng hơn 2 triệu người ở phía tây bắc Syria cần có sự hỗ trợ nhân đạo. Ông nói thêm rằng chính quyền Syria đã xác nhận 256 trường hợp mắc Covid-19, mặc dù việc xét nghiệm vẫn còn nhiều hạn chế. Covid-19 là lý do chính khiến chúng ta phải tiếp cận nhân đạo đến từ phía đông, bà Craft cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ