(Tổ Quốc) - Theo trang Nikkei Asia, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ gần đây đã củng cố với tốc độ nhanh chóng trong hai thập kỷ kể từ chuyến thăm mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống Bill Clinton tới Ấn Độ vào năm 2000 đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở cả hai nước.
Chuyến thăm của cựu Tổng thống Bill Clinton đã đánh dấu sự khởi đầu của việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ liên quan đến việc chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự, công nghệ không gian và công nghệ lưỡng dụng với Ấn Độ. Trong khi đó, Mỹ bắt đầu công nhận vai trò xứng đáng của Ấn Độ trong trật tự toàn cầu cũng như tiềm năng hội tụ chiến lược giữa hai chính phủ.
Quan hệ song phương hai nước kể từ đó đã đi một chặng đường dài đến nay.
Vào tháng 1 năm ngoái, các cố vấn an ninh quốc gia của hai nước đã khởi động Sáng kiến về Công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET), bao gồm các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, không gian, chất bán dẫn, quốc phòng, công nghệ sinh học và mạng 5G và 6G. Sáng kiến chỉ ra rằng theo yêu cầu an ninh quốc gia, chính phủ hai nước sẽ khuyến khích hợp tác và tìm cách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và giới học thuật.
Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên những tiến bộ đáng kể trong thương mại và đầu tư giữa hai nước, trong đó Mỹ nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng giữa Washington và Delhi đã đánh dấu bước ngoặt mới, trong đó Ấn Độ ký hợp đồng quốc phòng trị giá 20 tỷ USD với Mỹ và trở thành quan hệ đối tác công nghệ thực sự.
Vào năm ngoái, Washington đã chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ sản xuất động cơ máy bay chiến đấu F414 của General Electric ở mức cao hơn nhiều so với mức đã được phê duyệt cho bất kỳ đối tác nào khác. Hệ sinh thái Tăng tốc Quốc phòng Ấn Độ-Mỹ cũng được đưa ra nhằm tập hợp các công ty khởi nghiệp về công nghệ quốc phòng của hai nước.
Bên cạnh đó, Ấn Độ và Mỹ hiện cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự với nhau. Những cuộc diễn tập chung này được đánh dấu bằng mức độ phức tạp ngày càng tăng và hướng tới khả năng tương tác giữa quân đội hai nước.
Gần đây, cả Mỹ và Ấn Độ đã cho thấy khả năng giải quyết hiệu quả những khác biệt đồng thời duy trì việc tiếp tục củng cố mối quan hệ hai bên.
Các quan chức Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã bày tỏ sự hiểu biết về lập trường của Ấn Độ, lưu ý rằng New Delhi và Washington tiếp tục duy trì quan hệ lâu dài.
Tăng cường củng cố quan hệ hai nước
Liên quan đến xung đột Israel-Hamas, lập trường của Ấn Độ gần giống với Mỹ hơn so với nhiều đối tác NATO vì New Delhi đã thể hiện kiên quyết chỉ trích các hành động khủng bố đồng thời kêu gọi tuân thủ các chuẩn mực nhân đạo quốc tế trong phản ứng của Israel.
Ngày 10/11/2023, sau cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước, một tuyên bố chung nhấn mạnh "Ấn Độ và Mỹ sát cánh cùng Israel chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Trước đó, Thủ tướng Modi đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington vào tháng 6/2023 trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đáp lại chuyến thăm tới New Delhi vào tháng 9 cùng năm để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20.
Trong chuyến thăm của ông Modi đến Mỹ vào tháng 6/2023, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến bộ đáng kể mà hai nước đã đạt được trong quá trình thực hiện các thành tựu đột phá nhân chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Modi tới Washington. Thủ tướng Modi và Tổng thống Biden kêu gọi hai chính phủ tiếp tục công việc chuyển đổi mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ trên tất cả các khía cạnh của chương trình nghị sự toàn cầu, dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau.
Đến tháng 9/2023, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố chung tái khẳng định mối quan hệ đối tác chặt chẽ và lâu dài giữa Mỹ - Ấn Độ ngay sau khi đến New Delhi dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Ngoài ra, các cuộc họp chung giữa bộ ngoại giao và quốc phòng hai nước cũng đã diễn ra vào ngày 10/11 năm ngoái, góp phần tăng cường quan hệ của hai nước.
Các quan chức Ấn Độ và Mỹ ngày 4/12 đã tiến hành cuộc họp tại New Delhi liên quan đến nhóm Hệ sinh thái Tăng tốc Quốc phòng Ấn Độ-Mỹ để thảo luận tiến trình của Sáng kiến về các công nghệ quan trọng và mới nổi, nhấn mạnh công nghệ sinh học, khoáng sản và công nghệ chế biến đất hiếm, kết nối kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số và vật liệu tiên tiến là các lĩnh vực hợp tác trong tương lai.
Ở bối cảnh hiện tại, Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh toàn cầu, từ căng thẳng xung đột Ukraine – Nga đến vấn đề căng thẳng xung đột Israel-Hamas đang kéo dài.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội tụ chiến lược, mối quan hệ Mỹ-Ấn đang tỏ ra hữu ích cho cả hai bên. Khi mối quan hệ của cả hai tiến triển và sâu sắc hơn, Washington và New Delhi chắc chắn sẽ phải vượt qua những căng thẳng và khủng hoảng khác để củng cố nền tảng của mối quan hệ hai bên ngày càng bền chặt hơn trong tương lai./.