(Tổ Quốc) - Chiều ngày 11/1, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã thông tin đến báo chí những thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm 2023.
Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong khi năm 2022 là năm quan trọng đối với kinh tế xã hội Việt Nam sau một thời gian dài bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 thì năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt trong việc triển khai các chủ trương chính sách đối ngoại của đất nước nhằm giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài trong phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
"Các hoạt động đối ngoại năm 2023, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại cấp cao đã diễn ra sôi động, rộng khắp cả trên bình diện đa phương và song phương", bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Thu Hằng, năm 2023, đã có 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến các nước láng giềng, các nước đối tác quan trọng, các bạn bè truyền thống và tham dự các hội nghị quốc tế lớn.
Bên cạnh đó là 28 chuyến thăm các lãnh đạo cấp cao các nước tới Việt Nam và hàng trăm cuộc tiếp xúc cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương là minh chứng rõ nét cho đối ngoại ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam.
"Trong năm 2023, quan hệ với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác đã được nâng lên tầm cao mới. Việt Nam đã ổn định vai trò tại các diễn đàn cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, UNESCO", bà Phạm Thu Hằng cho biết.
Cũng trong năm 2023, ngoại giao kinh tế tiếp tục đẩy mạnh, lấy địa phương, doanh nghiêp và người dân là trung tâm phục vụ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp một phần xứng đáng cho sự phát triển xã hội của Việt Nam. Cụ thể, xuất nhập khẩu đạt trên 680 tỷ đôla, FDI đạt 36,6 tỷ đô la và nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới đã cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Về ngoại giao văn hoá, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của UNESCO như là phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, phó Chủ tịch Uỷ ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Uỷ ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Trong công tác bảo hộ công dân, theo bà Phạm Thu Hằng, Việt Nam đã theo dõi sát sao tình hình và kịp thời bảo hộ hàng trăm ngư dân, đưa về nước an toàn hàng nghìn công dân tại các địa bàn khó khăn xảy ra xung đột, thiên tai như ở Myanmar.
Ngoài ra, đời sống và địa vị pháp lý của công dân Việt Nam ngày càng được bảo đảm, ổn định và đóng góp tích cực vào sự phát triển ở nước sở tại cũng như là trở thành cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới./.