• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năng lượng Nga – Đức "rắn mặt" trước đòn giáng từ chính trường Mỹ

Thế giới 13/12/2019 09:22

(Tổ Quốc) - Các nhà lập pháp Mỹ muốn ngăn chặn dự án đường ống Nord Stream 10.5 tỷ USD bằng cách nhắm tới các nhà thầu chính.

Các nhà lập pháp Mỹ đang đẩy mạnh việc ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn chặn hoàn thành dự án đường ống quy mô lớn đưa khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức thông qua con đường phía dưới biển Baltic.

Biện pháp này có thể là một bước lùi cho một trong những thỏa thuận năng lượng lớn nhất của Châu Âu cho đường ống Nord Stream 2 – điều bị các nhà lập pháp Mỹ coi là một ván bài địa chính trị để tăng cường sức nặng đối với thị trường năng lượng châu Âu.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này, nhắm vào các công ty tham gia đặt đường ống cho dự án, có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Đức – bên đã vận động hành lang phản đối quyết định của các nhà lập pháp Mỹ.

Hành động trong chi tiêu quốc phòng

Các quy định áp đặt trừng phạt đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA 738 tỷ USD năm 2020, một dự luật chính sách hàng năm của Bộ Quốc phòng.

Hạ viện đã phê chuẩn dự luật này vào thứ Tư và sẽ đưa lên bỏ phiếu tại Thượng viện. Dự luật này sau đó sẽ đến Nhà Trắng.

Năng lượng Nga – Đức "rắn mặt" trước đòn giáng từ chính trường Mỹ - Ảnh 1.

Dự án NordStream 2 từ lâu đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều nhà lập pháp Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ James Risch (thành viên Cộng hòa đại diện Idaho), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã nói rằng điều khoản trừng phạt đường ống dẫn khí là mục tiêu quan trọng và nói rằng ông và những người ủng hộ dự luật đã hy vọng dự luật được ban hành kịp thời.

Các quan chức và nhà lập pháp Hoa Kỳ từ lâu đã khẳng định Nord Stream 2 sẽ cho phép tập đoàn Gazprom của Nga độc quyền xuất khẩu khí đốt, bỏ qua các hệ thống vận chuyển của Ukraine vốn truyền tải hầu hết khí đốt của Nga đến châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Nord Stream 2 trị giá 10,5 tỷ USD sẽ chạy song song với đường ống Nord Stream hiện tại và tăng gấp đôi công suất khí đốt được vận chuyển trực tiếp từ Nga đến Đức lên 110 tỷ m3.

Các quan chức Hoa Kỳ lo ngại rằng đường ống sẽ làm suy yếu vị thế địa chính trị của Ukraine trong cuộc đấu tranh với Nga và cho phép Moscow đưa ra các điều khoản chính trị trên khắp lục địa. Các quan chức Đức và Nga đã phản bác rằng đây chỉ là một liên doanh thương mại thúc đẩy an ninh năng lượng cho châu Âu.

Thông thường, lời kêu gọi trừng phạt đường ống này sẽ thuộc về chính quyền Trump.

Bộ Tài chính có thể hành động theo một đạo luật năm 2017 để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Triều Tiên và Nga, được gọi là Đạo luật đối phó với đối thủ thông qua trừng phạt của Mỹ, hay CAATSA. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã không có động thái nào để làm như vậy, điều khiến thú Quốc hội phải hành động trong năm nay.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (thành viên Cộng hòa Texas), cùng Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (thành viên Dân chủ New HampshireD) – người khởi xướng một dự luật trước đó về Nord Stream 2 tại Thượng viện, cho biết trong một tuyên bố rằng dự luật lần này, nếu được ký kết thành luật, sẽ bảo vệ an ninh năng lượng của châu Âu và ngăn Nga thu được hàng tỷ USD có thể được sử dụng để thúc đẩy sự bành trướng của Nga.

Bà Shaheen nói rằng các điều khoản trừng phạt đã gửi đi một thông điệp từ lưỡng đảng, không thể nhầm lẫn từ Quốc hội Mỹ tới ông Vladimir Putin rằng Hoa Kỳ sẽ không ngồi yên trong khi Kremlin tìm cách mở rộng hơn nữa ảnh hưởng xấu của mình.

Nga và Đức đã chuẩn bị sẵn sàng

Gazprom và các công ty tham gia Nord Stream 2, cùng với chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, từ lâu đã chuẩn bị cho khả năng Mỹ trừng phạt, các quan chức Đức và đại diện của người khổng lồ năng lượng Nga cho biết.

Một quan chức cấp cao của Đức nói rằng dự án đã gần hoàn thành và sẽ tiếp tục bất chấp các lệnh trừng phạt.

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết chính phủ bác bỏ các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đức và châu Âu.

Dự luật của Mỹ yêu cầu một báo cáo của Bộ Ngoại giao trong vòng 60 ngày xác định các công ty và cá nhân cung cấp dịch vụ đặt ống dầu cho Nord Stream 2 và cho TurkStream, một đường ống khác được Gazprom xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự luật cho phép thu hồi thị thực Hoa Kỳ và chặn tài sản của những cá nhân này, đồng thời đưa ra thời hạn 30 ngày cho những người bị trừng phạt rút các hoạt động của họ.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng báo cáo này có thể được gửi tới Quốc hội trong vòng chưa đầy một tuần, cho phép các lệnh trừng phạt được thực hiện trong khung thời gian.

Để xây dựng đường ống, Gazprom đang hợp tác với nhà thầu Allseas Group SA có trụ sở tại Thụy Sĩ, công ty đã triển khai tàu Pionangu Spirit, tàu xây dựng lớn nhất thế giới, đến Biển Baltic để hoàn thành tuyến đường ống cuối cùng ngoài khơi.

Một đại diện của Gazprom nói rằng công ty này cần khoảng năm tuần để hoàn thành phần ngoài khơi của đường ống, trong đó vai trò của Allseas là rất quan trọng.

Một phát ngôn viên của Allseas từ chối bình luận.

Đại diện Gazprom cho biết công ty sẽ tự hoàn thành công việc nếu Allseas buộc phải rời khỏi dự án, trang bị thêm tàu của riêng mình cũng như tàu thuộc về các nhà thầu Nga.

"Chúng tôi sẽ hoàn thành đường ống bằng cách này hay cách khác", quan chức trên của Gazprom cho biết. "Các lệnh trừng phạt, nếu chúng được đưa ra, sẽ chỉ trì hoãn việc xây dựng và làm cho nó đắt hơn. Nhưng họ sẽ không xóa bỏ được nó".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ