(Tổ Quốc) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Tư có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về thúc đẩy đầu tư và thương mại, đặc biệt nhấn mạnh vào các thỏa thuận về năng lượng và vũ khí, theo AFP.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông – sự kiện mà Nga đã tổ chức tại Vladivostok từ năm 2015 để tăng cường quan hệ đối tác với các nước châu Á.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Yahoo News/AFP.
Về mặt chính trị, không có bất đồng nào giữa Nga và Ấn Độ, vì vậy cuộc thảo luận giữa hai đối tác chiến lược sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, Alexei Kupriyanov, nhà phân tích của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, cho biết.
Nga rất muốn đưa các nhà đầu tư nước ngoài, khác Trung Quốc, vào khu vực Thái Bình Dương của mình, vì vậy hai bên có thể sẽ ký các thỏa thuận "liên quan đến đầu tư và sự hiện diện của Ấn Độ ở vùng Viễn Đông", ông nói với AFP.
Ông Modi và ông Putin sẽ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh với chuyến thăm Zvezda, một cơ sở đóng tàu lớn phục vụ cả hải quân và ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi.
Nga và Ấn Độ là một phần của nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn - cùng với Brazil, Trung Quốc và Nam Phi. Trợ lý chính sách đối ngoại của Kremlin Yury Ushakov đã nói rằng "gia tăng đầu tư vào nhau" và "hợp tác năng lượng" sẽ là một trọng tâm chính trong chương trình nghị sự.
Thương mại giữa hai nước đã lên tới xấp xỉ 11 tỷ USD vào năm 2018.
Moscow và Delhi cũng đang xem xét "các cơ cùng nhau hội tìm ra năng lượng trên thềm lục địa ở Bắc Cực và vùng Viễn Đông Nga", Ushakov nói.
Trước đó, vào năm 2015, Nga và Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD để cùng sản xuất trực thăng quân sự Kamov Ka-226, một phần của sáng kiến "Make in India" nhằm khuyến khích các công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ tại Ấn Độ. Dù thỏa thuận này đã bị trì hoãn nhiều lần thì Delhi - một nhà nhập khẩu vũ khí lớn trên toàn cầu đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, vẫn muốn sản xuất nhiều vũ khí hơn trên chính mảnh đất của mình. Vào tháng 3 năm nay, họ đã liên doanh với Nga để sản xuất súng trường tấn công AK-203.
Rostec, tập đoàn sản xuất Kamov, đang hi vọng rằng hội nghị thượng đỉnh lần này có thể khởi động dự án máy bay trực thăng, giám đốc hợp tác quốc tế của Rostec Viktor Kladov cho biết vào tuần trước.
"Một cú hích lớn sẽ được thực hiện, chắc chắn," ông nói. "Tất cả các cuộc đàm phán kỹ thuật và thương mại đã xong" và các hạn chế thanh toán do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra "không còn là vấn đề nữa" khi hai nước đồng ý sử dụng đồng nội tệ, Kladov nói.