(Tổ Quốc) - Trong khi James Webb khiến nhiều người bất ngờ vì những phát hiện thú vị, NASA đang lên kế hoạch để phát triển một kính viễn vọng mới vượt trội hơn nhiều.
NASA mới đây tiết lộ về những chi tiết mới của kính viễn vọng kế nhiệm James Webb (trị giá 10 tỷ USD).
Đó là đài quan sát ngoại hành tinh có thể ở được (HWO). Theo NASA, HWO trị giá hàng tỷ USD và sẽ phụ trách việc tìm kiếm các hành tinh giống Trái Đất ở trong vũ trụ. Theo dự kiến, NASA có thể phóng HWO vào đầu những năm 2040. Chi tiết mới về đài quan sát HWO vừa được chia sẻ tại cuộc họp của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ vào đầu tuần này.
Theo đó, trong cuộc họp này, Giám đốc phòng Vật lý thiên văn của NASA Mark Clampin, cho biết đài quan sát HWO vẫn đang ở giai đoạn lên kế hoạch, và nằm trong số nhiệm vụ ưu tiên. NASA vẫn đang hoàn thiện các chi tiết của đài quan sát thế hệ tiếp theo. Nhưng các chi tiết mới này lại cung cấp một cái nhìn hấp dẫn về tương lai của thiên văn học.
Trong những năm qua, NASA đã ngày càng chú trọng tới việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Theo các chuyên gia nhận định, kính viễn vọng không gian James Webb vừa phát hiện ra ngoại hành tinh đầu tiên, nhưng HWO có thể sẽ tiến xa hơn.
NASA cho biết, kính viễn vọng kế nhiệm James Webb sẽ được thiết kế để có thể tiến hành nâng cấp bằng robot ở trong không gian. Điều này sẽ mang lại cho HWO nhiều lợi thế hơn so với James Webb, kính viễn vọng đang quay tại điểm Lagrange 2 (L2), cách xa Trái Đất và sẽ không thể bảo dưỡng cho tới khi nó kết thúc các hoạt động khoa học trong khoảng một thập kỷ tới.
Tiến sĩ Aki Roberge tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA, cho biết: "Khả năng phục vụ sẽ rất lớn". Theo vị chuyên gia này, về cơ bản, khả năng bảo dưỡng này sẽ tạo ra một đài quan sát hàng đầu tại điểm L2. Hay nói một cách khác, đài quan sát mới sẽ cho phép thay thế các thiết bị hiện đại khi cần.
Kính viễn vọng không gian Hubble có thể được bảo dưỡng bởi các phi hành gia bay trên tàu con thoi của Mỹ. Trong khi đó, HWO sẽ sử dụng robot hoạt động tự động và đang được phát triển trong chương trình Artemis của NASA.
Ông Mark Clampin cũng đưa ra xác nhận rằng, HWO có thể sẽ được triển khai từ Trái Đất tới điểm Lagrange, tương tự như kính viễn vọng không gian James Webb. Kính viễn vọng James Webb hiện đang nằm cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km. Không giống như James Webb hoạt động với ánh sáng hồng ngoại, HWO sẽ thu ánh sáng quang học.
Trên thực tế, HWO lại không phải đài quan sát của NASA được lên lịch phóng tiếp theo. Bởi đài quan sát Nancy Grace Roman chuyên săn lùng ngoại hành tinh và vật chất tối, dự kiến được phóng vào khoảng năm 2027.
NASA cũng tiết lộ rằng, cơ quan này muốn áp dụng các bài học từ chương trình James Webb cho HWO để tránh việc trì hoãn và chi phí bị đội lên. Theo báo cáo mới, HWO có thể sẽ được trang bị gương lớn hơn kính viễn vọng không gian James Webb (6,5 m). Ngoài ra, vì có thể bảo dưỡng, nên bên cạnh gương và cấu trúc chính, thiết kế của HWO khi phóng có thể vẫn chưa phải là bản cuối cùng.
Kính viễn vọng 10 tỷ USD phát hiện hành tinh gần bằng Trái Đất
Vào ngày 11/1 vừa qua, NASA công bố về ngoại hành tinh đầu tiên được kính viễn vọng không gian James Webb phát hiện ra. Cụ thể, hành tinh này có tên là LHS 475 b với cấu trúc đất đá, cách 41 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Octans, và có kích thước gần bằng Trái Đất.
Đây là kết quả nghiên cứu do các nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của ĐH Johns Hopkins thực hiện, và được trình bày tại cuộc họp lần thứ 241 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ ở Seattle.
Các chuyên gia nhận định, việc phát hiện ra ngoại hành tinh này đánh dấu một cột mốc quan trọng sau chưa đầy một năm hoạt động của James Webb, kính viễn vọng không gian trị giá 10 tỷ USD. Kính viễn vọng này được kỳ vọng có thể tìm kiếm về hành tinh khả năng có sự sống, đồng thời phân tích các thành phần hóa học trong bầu khí quyển của chúng trong tương lai.
Ông Mark Clampin, Giám đốc phòng Vật lý thiên văn của NASA, cho biết: "Những kết quả quan sát đầu tiên về hành tinh đất đá, có kích thước gần bằng Trái Đất, mở ra cơ hội về nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh đá bằng kính viễn vọng James Webb".
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, James Webb đang đưa con người ngày càng đến gần hơn với sự hiểu biết mới về các hành tinh giống như Trái Đất ở bên ngoài hệ Mặt Trời. Đây là nhiệm vụ chỉ mới bắt đầu.
Mặc dù kính viễn vọng James Webb đã giúp xác định hành tinh LHS 475 b có kích thước gần bằng Trái Đất, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận rằng liệu hành tinh này có bầu khí quyển hay không.
Những quan sát của kính viễn vọng James Webb cho thấy hành tinh LHS 475 b ấm hơn Trái Đất tới vài trăm độ. Việc phân tích và hiểu rõ hơn về bầu khí quyển có thể giúp các nhà nghiên cứu mô tả được đặc điểm của hành tinh này, đồng thời đưa ra tính toán về các hành tinh tương tự như nó.
Bài viết tham khảo nguồn: NBCnews, Interestingengineering