(Tổ Quốc) - Mối quan hệ giữa NATO và Nga hiện tại đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và cần sự nỗ lực của hai bên để có thể giải quyết các căng thẳng leo thang gần đây.
Các chuyên gia bao gồm Sergey Rogov – Giám đốc Giám đốc Học viện Mỹ và Canada; Adam Thomson – cựu đại sứ Anh tại NATO và giờ là giám đốc Mạng lưới lãnh đạo châu Âu và Alexander Vershbow – nhà nghiên cứu cấp cao Hội đồng Atlantic đã có các bình luận về quan hệ giữa Mỹ và NATO trên tờ National Interes.
Theo nhóm tác giả, quan hệ giữa các thành viên NATO và Nga hiện tại được đánh giá là phức tạp và tồn tại nhiều vấn đề. Vì vậy, cả NATO và Nga cần phải nỗ lực thúc đẩy tương tác tích cực hơn giữa hai nước nhằm giảm thiểu các căng thẳng trong thời gian gần đây.
Căng thẳng giữa Nga và NATO
Theo tờ National Interest, diễn biến an ninh ở châu Âu đang rơi vào trạng thái tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua. Kể từ năm 2014, NATO và Nga liên tục thúc đẩy sự hợp tác an ninh trên thực địa, hàng hải và không quân nhưng các tín hiệu trạng thái bở lỡ và gần đây là các vi phạm không đáng có đã ảnh hưởng tới quan hệ hai bên. Các hiệp định kiểm soát vũ khí từng được xây dựng vào cuối những năm 1980 và 1990 cũng đang trở nên tồi tệ.
Theo nhóm tác giả, các diễn biến nêu trên đang khiến cho quan hệ hai nước đi vào lối mòn và suy giảm lòng tin lẫn nhau. Căng thẳng leo thang lâu dài có thể biến thành xung đột quân sự dù cả Nga và NATO đều không hề muốn điều này xảy ra.
Giới chuyên gia đưa ra nhận định, mục tiêu ưu tiên trên hết để giải quyết căng thẳng giữa Nga và NATO là giảm rủi ro xung đột quân sự. Cả người Mỹ, Nga và châu Âu nên quan tâm đến điều này.
Trong suốt bốn tháng qua, các cuộc họp hay các diễn đàn có sự tham gia của hơn 30 chuyên gia an ninh, bao gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân sự đã nghỉ hưu đến từ Mỹ, Nga và các quốc gia châu Âu đã liên tục diễn ra. Diễn đàn đã tổ chức các thảo luận chi tiết về việc tìm ra giải pháp giúp Nga và NATO có thể giảm rủi ro xung đột không đáng có. Các buổi thảo luận đã diễn ra trong bối cảnh lo ngại cuộc xung đột có thể xảy ra ở mức báo động cao.
Những người tham gia trong nhóm chuyên gia hầu hết đều có góc nhìn khác biệt đáng kể về nguyên nhân căng thẳng gần đây giữa NATO và Nga cũng như đánh giá về tình trạng bấp bênh quan hệ hai nước. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng thay vì chỉ trích thì các thảo luận nên tập trung vào tìm các biện pháp thiết thực xoa dịu căng thẳng quân sự và ngăn chặn khủng hoảng leo thang dẫn đến mọi thứ tồi tệ hơn.
Giải pháp tiến tới hòa giải xung đột
Tình hình này đòi hỏi cần phải có sự đối thoại nhiều hơn cũng như thiết lập lại quan hệ quân sự và chính trị giữa hai bên. Các cuộc gặp thường xuyên hơn giữa Tổng tham mưu trưởng Nga, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tư lệnh đồng minh tối cao NATO châu Âu và Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO nhằm tìm ra hướng giải quyết giảm căng thẳng và các hiểu lầm quân sự giữa Nga và NATO là những ưu tiên nên làm.
Các cuộc trao đổi có thể giúp cho quá trình xây dựng các hiệp ước mới dựa trên thỏa thuận ngăn chặn sự cố trên trên biển vào năm 1972 nhằm điều chỉnh cách tiếp cận của tàu chiến và máy bay của NATO và Nga khi hoạt động gần nhau. Các thủy thủ và nhân viên hàng không được yêu cầu phải là những người có chuyên môn và tuân theo quy trình nhằm tránh các hành động gây ảnh hưởng đến đối phương khiến nghi ngờ về động thái thù địch.
Trong khu vực Baltic, lực lượng thực địa của NATO và Nga cũng gần như đang xảy ra tình trạng đối đầu nhau. Theo đó, cần phải xét lại các thỏa thuận dựa trên Thỏa thuận ngăn chặn các hoạt động quân sự nguy hiểm giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1989 nhằm tăng cường sự tự tin bằng cách yêu cầu các đơn vị quân sự phải hành động thận trọng ở các khu vực biên giới tránh xâm lấn hay vi phạm. Các điều khoản quy định ranh giới liên lạc liên quan đến quá trình di chuyển cũng cần phải thông tin kịp thời tránh gây hiểu lầm xâm phạm.
"Chúng ta không chỉ phải nhớ các quy tắc cũ về sự cạnh tranh mà còn phải xây dựng các biện pháp giảm thiểu rủi ro mới. Ví dụ như, cả NATO và Nga cần xét lại tính minh bạch về các cuộc tập trận, bao gồm thông báo trước và giám sát. Các bài tập bắn nhanh trong các cuộc diễn tập yêu cầu khả năng huy động nhanh chóng của quân đội mà không được thông báo trước sẽ được xem như hành động chuẩn bị chiến tranh. Các bên phải thống nhất về tiêu chuẩn "thông báo im lặng" với lãnh đạo quân sự cấp cao của bên còn lại để Nga có thể tham gia tập trận thoải mái mà không phải thông báo với NATO. Điều này tương tự cũng có thể áp dụng ở Nga trong trường hợp NATO tham gia tập trận", nhóm tác giả lưu ý.
NATO và Nga cũng phải tìm ra các biện pháp hỗ trợ tính minh bạch liên quan đến vũ khí, đặc biệt là hệ thống tấn công thông thường tầm trung. Các loại vũ khí này bao gồm hệ thống trên biển và trên không cũng như các tên lửa đối đất không nằm trong quy ước của Hiệp ước New START. Các bên có thể cân nhắc lại và xem xét các giới hạn quy định "có đi có lại" đối với việc đóng quân bổ sung thường xuyên lực lượng chiến đấu ở khu vực gần lãnh thổ hai bên.
Thêm vào đó, Nga và NATO từ lâu đã có các tranh luận về ảnh hưởng của phòng thủ tên lửa. Cả hai nên khôi phục lại các tham vấn về vấn đề này cũng như cân nhắc tiến hành trao đổi thông tin hàng năm về các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại ở châu Âu và kế hoạch phát triển trong 10 năm tới.
Đây là một số ý tưởng trong các thảo luận của các chuyên gia. Các nhà hoạch định chính sách và chỉ huy quân sự nên tìm ra các biện pháp phù hợp bởi không một ai muốn xung đột hay chiến tranh xảy ra. Những gợi ý nêu trên có thể góp phần giải quyết các vấn đề chia rẽ hiện tại và khuyến khích hai bên nên tăng cường trao đổi để có thể đạt được tín hiệu hợp tác tích cực trong thời gian tới.