• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NATO đầu tư “sân sau” Na Uy, mở rộng đối đầu Nga

Thế giới 10/08/2017 09:39

(Tổ Quốc) - Đối đầu NATO – Nga chứng kiến sự xuất hiện của yếu tố mới: Na Uy và kế hoạch quân sự hóa Scandinavia

Một báo cáo gần đây đăng trên trang web Na Uy Steigan.no đã cảnh báo vấn đề quân sự hóa Scandinavia. Tài liệu này đặc biệt cho rằng, Na Uy, từ một vùng đất hòa bình, đang trở thành một cứ địa quân sự cho NATO, và điều này đã gây ra những lo ngại cho nước Nga.

Na Uy thay đổi chính sách: tác động mạnh đến đối đầu Nga-NATO

Theo Steigan.no, chính sách quân sự kết hợp với sự ủng hộ của Na Uy trước các lệnh trừng phạt Nga, “gần như chắc chắn không phải là lời kêu gọi hướng tới một mối quan hệ láng giềng tốt đẹp hơn với Nga.” Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế này có thể dẫn tới không chỉ một cuộc Chiến tranh lạnh mới, mà còn là sự đối đầu giữa Na Uy và Nga, thậm chí cả mối đe dọa vũ khí hạt nhân.

Trao đổi với hãng tin Sputnik, chuyên gia quân sự và chính trị Nga, đại tá Viktor Baranets tin rằng, Moscow cần phải quan sát chặt chẽ các kế hoạch quân sự của Na Uy.

Quân lính Na Uy đón chào một chỉ huy NATO (ảnh: Sputnik)

“Điều này chắc chắn khiến Nga lo lắng bởi vì, Na Uy - một láng giềng của Nga, về cơ bản, đã chịu sự tăng cường hiện diện quân sự của NATO: họ hiện có một cơ quan chỉ huy của Mỹ tại đây, tàu chiến Mỹ và các thiết bị phát hiện sóng phát thanh… được đặt tại các vị trí có thể quan sát toàn bộ căn cứ hải quân của Nga. Ngoài ra, còn có các cơ sở vật chất khác của NATO,” ông Baranets phân tích. “Cần phải nhìn nhận Na Uy là sân sau của NATO, có vị trí củng cố sườn phía bắc của Liên minh. Từ một láng giềng hòa ái, nó đã trở thành một con gấu có răng nhọn.”

Tuy nhiên, chuyên gia người Nga cũng lưu ý rằng, mặc dù không nhận được cái nhìn thân thiện từ phía Nga, nhưng Na Uy vẫn chưa tạo ra bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào cho Moscow. Những tín hiệu từ Oslo cho đến nay mới chỉ ảnh hưởng đến các kế hoạch triển khai quân đội Nga.

Mọi sự kiện đều chứng tỏ Scandinavia đang bị quân sự hóa

Những đánh giá của Steigan.no dựa trên kết quả phân tích trước đó của tạp chí điện tử mang tên Quỹ Chiến lược văn hóa. Hồi đầu tháng Bảy, nhà phân tích quốc phòng và ngoại giao Alex Gorka đã viết bài về một “quá trình quân sự hóa Scandinavia đang diễn ra một cách từ từ nhưng ổn định.”

“Chủ đề này không tạo nên tiếng vang và nó không phải là tâm điểm tranh cãi dư luận, nhưng từng bước một đang được tiến hành để biến khu vực này trở thành một bàn đạp để lên kế hoạch các hành động tấn công, chống lại Nga,” tác giả Gorka nhận định.

Ông nhắc đến căn cứ không quân Orland tại miền nam Na Uy, hiện “đang được mở rộng để trở thành căn cứ không quân chính của Na Uy và là nơi đỗ của các máy bay F-35 do Mỹ sản xuất – chủng loại phi cơ sẽ trở thành xương sống chính cho không lực Na Uy.” Gorka tiết lộ, Oslo đã mua 56 chiếc F-35.

“F-35 là một vũ khí tấn công, chứ không phải phòng thủ. Khả năng tấn công hạt nhân cho phép nó có thể tiến hành không kích sâu vào lãnh thổ Nga,” Gorka lưu ý.  

Ngoài ra, không thể không nhắc đến căn cứ Vaernes tại Na Uy, hiện đang là nơi đóng quân của 330 lính hải quân Mỹ. Hồi tháng Năm, Vearnes là địa điểm tổ chức cuộc tập trận hai năm diễn ra một lần "Arctic Challenge Exercise 2017" của NATO, với sự tham dự của hơn 100 phi cơ chiến đấu đến từ 12 quốc gia. Đây là lần đầu tiên máy bay đánh bom chiến lược B-52H của Mỹ tham dự vào sự kiện này.

Gorka cho biết: “Lựa chọn Vaernes dựa trên các tính toàn cẩn thận nhằm giữ cho các máy bay khỏi tầm ảnh hưởng của tên lửa Iskander từ Nga (500km), nhưng không có địa điểm nào tại Na Uy nằm ngoài tầm hoạt động của tên lửa hành trình Kalibr và máy bay được trang bị tên lửa không đối đất tầm xa.” 

Hồi tháng Sáu, chính phủ Na Uy đã ra thông báo gia hạn cho lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tiếp tục đóng quân tại Vaernes trong năm 2018.

“Động thái này đối ngược lại chính sách hiệu quả trước đây [của Na Uy] là, không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài tại đất nước trong thời bình,” Gorka nhắc nhở.

Ngoài ra, Na Uy cũng đang dự định “đóng góp cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo NATO” bằng cách tích hợp radar Globus II/III trên đảo Vardoya của Na Uy – gần biên giới Nga.

Việc xây dựng hệ thống radar Vardoya đang được tiến hành. Theo Gorka, một radar khác ở quần đảo Svalbard (nằm trong lãnh thổ Na Uy tại Bắc Cực) cũng có thể được quân đội Mỹ sử dụng cho mục đích phòng thủ tên lửa.

Tàu ngầm Nga tại căn cứ Hạm đội phương Bắc (ảnh: RT)

Cũng trong tháng Sáu, Mỹ, Anh và Na Uy đã thống nhất về nguyên tắc việc thành lập một liên minh ba bên, tiến hành các chiến dịch chung tại Bắc Đại Tây Dương gần căn cứ Hạm đội phương Bắc của Nga.

Hai hàng xóm của Na Uy là Thụy Điển và Phần Lan cũng đã nâng cấp quân đội của mình và tham dự vào các cuộc tập trận quy mô lớn với các lực lượng NATO.

Gorka nhận định: “Tất cả những sự kiện này khi đứng cùng nhau đã chứng minh rằng việc quân sự hóa Scandinavia đang diễn ra từng bước và sẽ ảnh hưởng đến an ninh châu Âu. Việc này không được truyền thông Nga nhắc đến nhiều, nhưng đã bị đặt dưới sự theo dõi sát sao của Moscow.”

“… hiện chưa có động thái nào rõ rệt nhằm giảm bớt căng thẳng tại châu Âu, đặc biệt là bán đảo Scandinavia. Trong khi đó, tình huống [thực tế] lại đang làm trầm trọng thêm sự hiểu lầm và làm tăng thêm mâu thuẫn [giữa Nga và NATO],” nhà phân tích chính trị kết luận.

(Theo Sputnik)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ