(Tổ Quốc) - Mỹ đang đẩy các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào một cuộc đối đầu vũ trang với Nga ở Đông Âu bằng cách tạo ra một "bóng ma về mối đe dọa từ Nga".
Mỹ đang đẩy các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào một cuộc đối đầu vũ trang với Nga ở Đông Âu bằng cách tạo ra một "bóng ma về mối đe dọa từ Nga" nhằm tô vẽ nhu cầu sử dụng vũ trang trong liên minh xuyên Đại Tây Dương này, một nhà phân tích vấn đề quốc tế nói với Sputnik.
Theo Sputnik, NATO đã gia tăng đáng kể sự hiện diện của mình ở Đông Âu sau vụ khủng hoảng Ukraine năm 2014. NATO đã chỉ trích hành động sáp nhập Crimea của Nga và lên án Moscow đang hỗ trợ cho lực lượng li khai tại miền Đông Ukraine.
Mỹ và chiến lược quân sự mới của NATO
Trong một cuộc họp báo tại Brussels ngày 6/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo rằng, các bộ trưởng quốc phòng NATO, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đang lên kế hoạch cho sáng kiến "Bốn khoảng 30" mới để cải thiện sự sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự này.
"Tôi hy vọng các bộ trưởng sẽ nhất trí về Sáng kiến một NATO sẵn sàng:" Bốn khoảng 30". Các đồng minh, vào năm 2020, sẽ có 30 tiểu đoàn cơ giới hóa, 30 phi đội không quân và 30 tàu chiến, sẵn sàng trong vòng 30 ngày hoặc thậm chí ít hơn", ông Stoltenberg nói.
NATO muốn tăng cường sự sẵn sàng cho lực lượng quân sự của liên minh. |
"Đây không phải là nhằm thiết lập hoặc triển khai các lực lượng mới: đây là về việc thúc đẩy sự sẵn sàng của các lực lượng hiện có của từng và mọi đồng minh. Điều này cũng là hướng tới việc xây dựng một nền văn hóa của sự sẵn sàng và chúng tôi cần điều đó bởi vì chúng tôi đang ở giữa một môi trường an ninh không thể đoán trước, chúng tôi cần chuẩn bị cho những điều không lường trước được”, ông Stoltenberg nói thêm.
Mark Sleboda, một nhà phân tích an ninh và quốc tế, nói với chương trình Loud & Clear của đài phát thanh Sputnik rằng, chính quyền Mỹ Donald Trump đang dấy lên căng thẳng họ muốn gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Âu để phòng ngừa trường hợp vấp phải một cuộc tấn công tưởng tượng từ Nga.
"Chính quyền Trump đã yêu cầu các nước châu Âu, chủ yếu là Đức, chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng của họ để đối mặt với mối đe dọa từ Nga", Sleboda chia sẻ với hai người dẫn chương trình Nicole Roussell và Brian Becker.
Mỹ rút thẻ bài kinh tế với châu Âu
"Chính quyền Trump hiện đang tập trung tung ra một cuộc chiến kinh tế ở châu Âu với quân bài thuế quan đối với thép và nhôm, cùng với việc đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt đối với các công ty năng lượng châu Âu tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) do Nga dẫn đầu", Sleboda giải thích.
Vào ngày 21/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, tuyên bố rằng Nord Stream 2 sẽ mang tới cho Nga một công cụ khác để gây sức ép lên các nước châu Âu, đặc biệt là các nước như Ukraine và sẽ đặt các công ty châu Âu vào nguy cơ chịu trừng phạt theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) – điều được Tổng thống Donald Trump ký vào ngày 2/8/ 2017.
Theo Sputnik, ông Trump ngày 3/4 đã công khai chỉ trích Berlin vì đã bật đèn xanh cho dự án Nord Stream 2. "Đức đang móc nối một đường ống với Nga, nơi Đức sẽ chi hàng tỷ đô la năng lượng cho Nga", ông Trump nói. "Điều đó không đúng."
"Điều này cho thấy chính quyền Trump đang đe dọa các nước châu Âu bằng một cuộc chiến tranh kinh tế. Ông Trump cũng yêu cầu các nước thành viên NATO phải triển khai thêm nhiều quân đội ở Đông Âu để chống lại mối đe dọa của Nga", Sleboda giải thích.
"Mỹ đang cố gắng đưa châu Âu quay trở lại thời kì bị định hình cả về chính trị và quân sự. Điều này sẽ là một cuộc đối đầu toàn bộ cùng một lúc. Và đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt xuyên Đại Tây Dương ngày càng tăng. Chính quyền Mỹ có thể đang cố gắng vượt lên sự rạn nứt hiện tại bằng bóng ma về một mối đe dọa từ Nga và đòi hỏi một NATO đoàn kết để quét sạch điều mà họ cho là có thể đang diễn ra", chuyên gia Sleboda nói thêm.
Nga, trong rất nhiều dịp đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự tích tụ quân sự của NATO dọc theo biên giới phía tây của nước này. Trong một cuộc họp của Hội đồng an ninh Nga vào tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, NATO đang cố gắng kích động các cuộc xung đột mới. Vào cuối thời kì Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết sẽ không mở rộng để chống lại liên minh Xô viết ở phía đông. Tuy nhiên, một số đồng minh cũ của Liên Xô và thậm chí cả các nước cộng hòa Xô viết đã được cho phép gia nhập mạng lưới phòng thủ của NATO từ những năm 1990, đẩy biên giới NATO tiến sát tới nước Nga.
Moscow đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch tấn công bất kỳ thành viên nào của NATO và nhấn mạnh rằng, chính khối này đang làm Nga lo ngại khi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự dọc theo biên giới của Nga.