(Tổ Quốc) - Việc Nga triển khai mẫu phi cơ chiến đấu hiện đại Su-57 tới căn cứ Khmeimim tại Syria diễn ra vào thời điểm các đụng độ quân sự có dấu hiệu bùng phát.
Newsweek đưa tin, Nga đã triển khai mẫu máy bay tàng hình tối tân nhất của mình là Su-57 đến căn cứ không quân Khmeimim tại Syria.
Cuộc xung đột Syria được nhìn nhận là một cơ hội “hiếm có” để Nga có thể tiến hành kiểm nghiệm thực địa những vũ khí mới nhất của mình, bất chấp việc tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, Moscow sẽ thu nhỏ quy mô hiện diện quân sự tại Syria.
Hôm thứ Tư (21/2), hai chiếc Su-57 đã hạ cánh xuống căn cứ Khmeimim. Nằm bên bờ Địa Trung Hải, Khmeimim được xây dựng vào giữa những năm 2015 và bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 9 cùng năm. Trước đó, tháng 8/2015, Nga và Syria đã ký kết một hiệp ước, cho phép Nga có thể sử dụng sân bay Khmeimim không mất tiền và vô thời hạn. Quân đội Syria có nghĩa vụ thực hiện bảo vệ vòng ngoài của căn cứ, trong khi phía Nga chịu trách nhiệm tất cả các hoạt động phòng không và nội bộ của Khmeimim.
Sự xuất hiện của các phi cơ chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga trên bầu trời Syria, xảy ra vào thời điểm một loạt các cuộc đụng độ quân sự tại quốc gia Trung Đông bắt đầu có dấu hiệu tái bùng phát. Cuộc không kích của chính phủ Syria mới đây vào khu vực ngoại ô Ghouta - hiện đang do lực lượng đối lập nắm giữ, đã gây ra nhiều thương vong và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Việc triển khai Su-57 được thực hiện ngay sau khi một máy bay chiến đấu của Nga bị lực lượng đối lập Syria bắn hạ tại tỉnh Idlib vào ngày 3/2. Mặc dù đã kịp thoát ra khỏi máy bay, nhưng phi công người Nga cũng đã bị thiệt mạng trong khi cố gắng trốn chạy các tay súng nổi dậy.
Mẫu máy bay tàng hình hiện đại Su-57 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm chiến đấu của Nga đã được triển khai tại Syria? |
Không tuân theo tuyên bố rút quân của Nga
Trang Military.com dẫn lời ông Eric Pahon, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Việc các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tham chiến tại Syria chắc chắn không tuân theo tuyên bố rút quân của Nga”.
“Chúng tôi không coi những máy bay đó là mối đe dọa cho các chiến dịch tại Syria, và sẽ tiếp tục các chiến dịch giảm đụng độ nếu cần thiết,” ông Pahon nói thêm.
Hợp tác giữa Nga và Mỹ tại Syria khá “thất thường” trong những năm gần đây. Mặc dù trước đó, hai nước từng cùng tiến hành các chiến dịch không kích chống lại nhóm khủng bố IS, sự khác nhau trong lập trường ủng hộ các bên tham chiến, đã dần đẩy Nga và Mỹ vào những xung đột trực tiếp.
Hôm 7/2, một cuộc không kích của Mỹ gần thành phố Deir Ezzor được cho là đã khiến nhiều người Nga thiệt mạng. Những người này đang làm việc cho một công ty quân sự tư nhân của Nga có mối liên hệ với Điện Kremlin. Theo Reuters, con số thương vong có thể lên tới 300 người.
Các phi cơ của Nga và Mỹ cũng không ít lần đụng độ nhau trên không phận Syria.
Ông Douglas Barrie, một học giả cấp cao về không quân đến từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London, Anh quốc, nhận định với tờ The Guardian: “Có những lợi ích tác chiến trong việc này, nhưng cũng có cả yếu tố dư luận”. Ông Barrie đang ám chỉ tới việc Nga có thể muốn phô diễn công nghệ quân sự mới của mình, nhằm thu hút các khách hàng tiềm năng như Ấn Độ…
Việc các phi cơ Su-57 sẽ tham gia các các hoạt động tác chiến thường nhật như thế nào vẫn còn chưa rõ. Hôm 8/2, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuriy Borisov nói, quân đội nước này “đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm sức mạnh chiến đấu” của Su-57.
Su-57 hay còn gọi là T-50 có thiết kế hiện đại, được kỳ vọng đủ khả năng đối đầu với các mẫu phi cơ chiến đấu F-22 Raptor và F-35 do Mỹ sản xuất.
Cả Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga đều từ chối bình luận về việc các phi cơ chiến đấu thế hệ năm hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm của Nga, đã được triển khai hay không. Tuy nhiên, hôm thứ Năm (22/2), một số hãng thông tấn của Nga đã dẫn lời các nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này xác nhận sự hiện diện của Su-57 tại Syria.
Ruslan Pukov, một nhà phân tích quốc phòng, đồng thời là giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow, Nga cảnh báo, nếu các phi cơ Su-57 được sử dụng trong chiến đấu, chúng có thể đem tới một số rủi ro.
“Nếu tôi là Bộ trưởng Quốc phòng, có lẽ tôi sẽ không làm thế,” ông Puhkov giải thích với phóng viên của The Guardian. “Nếu anh bị tổn thất một trong những máy bay này, nó sẽ hình thành ra các vấn đề lớn. Ngoài ra, điều gì sẽ xảy ra nếu công nghệ tối tân rơi vào những bàn tay không đúng đắn?”