(Tổ Quốc) - Moscow tăng cường ưu tiên đầu tư vào Bắc Cực, nhưng Mỹ liệu có để yên điều điều này?
Theo trang National Interest, Nga đang tăng cường những nỗ lực mở rộng kiểm soát về kinh tế và quân sự tại Bắc Cực – khu vực ngày càng nóng lên không chỉ bởi hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, Nga không "đơn độc". Cùng lúc, nước Mỹ cũng không ngừng khẳng định sức mạnh tại khu vực cực bắc của Trái đất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một chuyến công du tới Bắc Cực (ảnh: sputnik)
Trong một báo cáo công bố ngày 26/3/2019, các chuyên gia Nataliya Bugayova, Alexander Begej và Darina Regio của Viện nghiên cứu chiến tranh tại Washington (ISW) chỉ ra, các nguồn thu từ Bắc Cực hiện đang chiếm tới 15% tổng GDP của nước Nga.
Hôm 13/3, Bộ các tài nguyên tự nhiên Nga đã đệ trình một bản kế hoạch toàn diện về việc khai phá Bắc Cực. "Bản kế hoạch bao gồm hơn 100 dự án nhằm phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản trong khu vực", nghiên cứu của ISW cho biết.
Ông Putin đang gia tăng ưu tiên đầu tư vào Bắc Cực như một nguồn tăng trưởng kinh tế tiềm năng trong tương lai cho nước Nga.
Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW)
Trong khi đó, ngày 20/3, Tổng thống Vladimir Putin đã khởi công dự án xây dựng khu khai thác khí gas Kharasaveyskoye nằm ở bán đảo Yamal tại phía bắc Nga. "Ông Putin đang gia tăng ưu tiên đầu tư vào Bắc Cực như một nguồn tăng trưởng kinh tế tiềm năng trong tương lai cho nước Nga", các tác giả Bugayova, Begej và Regio viết.
Bên cạnh đó, các học giả cũng nhấn mạnh: "Điện Kremlin cũng tiếp tục củng cố quân sự tại Bắc Cực".
Tổng tư lệnh hạm đội phương bắc của Nga, Đô đốc Nikolay Yevmenov tuyên bố, các lực lượng vũ trang Nga sẽ sớm hoàn thiện một căn cứ không quân mới tại ngôi làng Tiksi phía trên Vòng Bắc Cực. Là một trong 5 vỹ tuyến chủ yếu được thể hiện trên bản đồ Trái đất, Vòng Bắc Cực đi qua 8 quốc gia khác nhau.
Trong những năm gần đây, Nga không ngừng mở rộng hiện diện quân sự trong khu vực với các hạ tầng quân sự mới, bên cạnh hạm đội tàu phá băng "hoành tráng". Moscow đồng thời triển khai các hệ thống phòng thủ khu vực, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và Tor-M2DT, cũng như tên lửa chống tàu Bastion.
Tuyến đường gần như chắc chắn sẽ ngày càng phục vụ cho mục đích thương mại nhiều hơn do tình trạng băng tan gia tăng. Điều này sẽ mở ra các cơ hội kinh tế mới trong thương mại toàn cầu cho nước Nga.
Viện nghiên cứu chiến tranh
Điện Kremlin đặt mục tiêu củng cố vị thế của Nga như một cường quốc chiếm ưu thế tại Bắc Cực, nhằm bảo toàn sự tiếp cận với các nguồn tài nguyên kinh tế giàu có tại Vòng Bắc Cực cũng như tuyến hàng hải Biển Bắc.
Đương nhiên Nga không phải là quốc gia duy nhất nhận thấy tầm quan trọng của Bắc Cực. Khoản ngân sách tháng 1/2019 mà Quốc hội Mỹ đàm phán để kết thúc 35 ngày chính phủ liên bang đóng cửa một phần, bao gồm 655 triệu USD dành cho con tàu phá băng đầu tiên của Lực lượng bờ biển Mỹ trong vòng 43 năm trở lại đây. Ngoài ra, 20 triệu USD cũng được dành ra cho các bộ phận cần thiết của con tàu phá băng thứ hai.
Tính tới đầu năm 2019, Lực lượng bờ biển Mỹ mới chỉ đang vận hành một con tàu phá băng lớn là Polar Star - vốn bắt đầu hoạt động từ năm 1976 và một tàu phá băng trung bình là Healy. Trong khi Polar Star có thể phá vỡ băng dày tới 6m thì Healy chỉ có thể cắt những tảng băng dày dưới 1,3m.
Mặc dù nhiệt độ tại Bắc Cực đang ngày càng tăng dưới tác động của hiệu ứng nhà kính, nơi đây vẫn bị che phủ bởi băng tuyết trong suốt thời gian mùa đông. Khí hậu ấm lên giúp việc di chuyển bằng đường biển tại Bắc Cực dễ dàng hơn đối với hầu hết tàu bè, nhưng nó không đồng nghĩa với việc làm giảm tác dụng của các tàu phá băng.
Cả hai tàu phá băng của Mỹ về lý thuyết đều có thể hoạt động ở cả hai cực Trái đất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Healy hầu như vận hành tại Bắc Cực, trong khi Polar Star chủ yếu "quanh quẩn" tại Nam Cực. Mặc dù đã trải qua quá trình sửa chữa kéo dài tới 3 năm, nhưng gần như chắc chắn Polar Star sẽ rơi vào tình trạng hỏng hóc lần nữa. Mặc dù vẫn hoạt động tốt, nhưng năng lực phá băng của Healy lại không thể sánh với Polar Star.
Hai tàu phá băng mới được Quốc hội Mỹ "bật đèn xanh" hồi tháng 9/2019, chỉ là sự khởi đầu. "Quốc hội cho rằng, Lực lượng bờ biển nên duy trì một hạm đội bao gồm không ít hơn 6 tàu phá băng bắt đầu từ năm 2029", đạo luật ủy quyền quốc phòng 2019 viết.
Theo ISW, Tổng thống Putin yêu cầu đến năm 2024, Nga phải tăng số lượng tàu chở hàng nước này dọc theo tuyến hàng hải Biển Bắc đi qua Bắc Cực. "Tuyến đường gần như chắc chắn sẽ ngày càng phục vụ cho mục đích thương mại nhiều hơn do tình trạng băng tan gia tăng. Điều này sẽ mở ra các cơ hội kinh tế mới trong thương mại toàn cầu cho nước Nga", các chuyên gia ISW dự đoán.
Một lần nữa, những khoản đầu tư hào phóng của Mỹ cho tàu phá băng đồng nghĩa với việc, không có khả năng Nga có thể "một mình một sân" chơi tại Bắc Cực.