(Tổ Quốc) - Đang có nhiều e ngại sức mạnh tên lửa Kalibr Nga.
Nga được cho là đang tăng gấp đôi tầm bắn của một trong những tên lửa hành trình có năng lực hạt nhân và được phóng từ biển, đồng thời đang tìm cách triển khai vũ khí này ở Tây Đại Tây Dương, theo Newsweek.
Thông tin trên muốn nói tới tên lửa hành trình 3M-54 Kalibr, được NATO- liên minh quân sự phương Tây do Mỹ đứng đầu đặt tên là SS-N-30, có thể được phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm và có khả năng hạ gục tàu chiến cũng như tấn công các mục tiêu trên đất liền.
3M-54 Kalibr trong chiến lược vũ trang Nga
Tầm bắn hiện tại của tên lửa này ước đạt xấp xỉ 2.000 km, tương đương khoảng 1.243 dặm, nhưng hãng thông tấn Nga Tass trích dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này cho biết hôm thứ Ba rằng, "tên lửa hành trình Kalibr-M được phóng từ tàu có độ chính xác cao mới nhất với tầm bắn tối đa hơn 4.500 km [2.796 dặm] đang được phát triển cho Hải quân Nga."
Tên lửa Kalibr đã chứng tỏ được hiệu quả trong thực chiến. (Nguồn: Wiki)
Nguồn tin này nói rằng Kalibr-M vẫn đang được nghiên cứu với sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng đây là một phần trong chương trình vũ trang nhà nước để bổ sung cho kho vũ khí của Moscow đến năm 2027, vì vậy "tên lửa này phải được chuyển cho hạm đội trước khi kết thúc chương trình".
Không chỉ tầm bắn của nó được mở rộng, mà "kích thước cũng sẽ lớn hơn nhiều, trọng lượng đầu đạn của nó sẽ đạt tới 1 tấn", nguồn tin trên nói với Tass, và cho biết thêm rằng, cả tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân đều có khả năng sử dụng vũ khí này - được "thiết kế để phá hủy các thiết bị trên bộ và sẽ có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân".
Hiện đại hóa sức mạnh hải quân của đất nước là một yếu tố quan trọng trong chiến dịch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm khôi phục sức mạnh quân sự toàn cầu của Moscow và tên lửa hành trình Kalibr đã chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu trong chiến đấu trực tiếp. Cả tàu chiến và tàu ngầm Nga đều phóng loại vũ khí chính xác mạnh mẽ này vào các vị trí của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Syria - một phần trong chiến dịch của Nga nhằm hỗ trợ chính phủ Syria chống lại phiến quân và lực lượng cực đoan từ năm 2015.
Cuộc nội chiến đã bùng lên tại Syria từ năm 2011 và tình hình đã ngày càng thêm phức tạp khi IS nổi lên và kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ. Từ việc ủng hộ lực lượng nổi dậy tại đây trong cuộc chiến với chính quyền Assad, Mỹ sau đó đã chuyển trọng tâm sang đối phó với IS nhưng đã thực hiện chiến dịch này riêng biệt với hoạt động của chính phủ Syria- đang được Nga và Iran hậu thuẫn. Sự khác biệt về lập trường trong cuộc xung đột đôi khi đã dẫn đến những thời điểm căng thẳng ở Địa Trung Hải. Nhưng không chỉ vậy, đã có thông tin cho rằng, các tàu Nga được vũ trang Kalibr cũng có thể sớm gây ra mối đe dọa cho quân đội Hoa Kỳ tại nhà.
Nga đã mở rộng đáng kể sự hiện diện trên biển trong những năm gần đây và đã tăng cường hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương cùng nhiều khu vực khác. Trong một bài viết được đăng tải hôm thứ Sáu, Washington Free Beacon đã trích dẫn các quan chức biết về các báo cáo tình báo gần đây nói rằng, Moscow hiện đã lên kế hoạch gửi tàu mặt nước và tàu ngầm được trang bị Kalibr đi tuần tra ở Tây Đại Tây Dương, gần bờ biển Hoa Kỳ hơn, trong những tháng tới.
Cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ
Các cuộc tuần tra như vậy là một sự xuất hiện thường thấy trong thời Chiến tranh Lạnh và, khi căng thẳng giữa các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới lại một lần nữa leo thang thành một cuộc cạnh tranh về phạm vi ảnh hưởng, các quan chức Lầu Năm Góc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì họ cho là mối đe dọa như vậy đang ngày càng tăng.
Vào tháng 5, Hải quân Hoa Kỳ đã hồi sinh Hạm đội thứ hai để tăng cường phòng thủ cho Bắc Đại Tây Dương và vào tháng 8, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson nói rằng, một lực lượng tàu ngầm Nga được hồi sinh đang đặt ra một thách thức lớn hơn bất cứ lúc nào kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ngoài Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, các tên lửa hành trình Kalibr cũng được lên kế hoạch để sẵn sàng cho ba điểm nóng trên biển khác là biển Baltic, Barents và biển Đen. Hoa Kỳ đã nhìn nhận sự trỗi dậy của quân đội Nga với sự nghi ngờ sâu sắc, trong khi Moscow cáo buộc Washington theo đuổi các chính sách thù địch nhằm duy trì ưu thế quân sự của Lầu Năm Góc trên toàn thế giới.
Ông Putin đã tìm cách san bằng "sân chơi" bằng cách giới thiệu các vũ khí hạt nhân mới có khả năng được cho là "bất bại" trước các hệ thống phòng thủ hiện đại hoặc thậm chí là tương lai. Chúng bao gồm các vũ khí siêu thanh như tên lửa Avangard hoặc tên lửa hành trình Kh-47M2 Kinzhal phóng từ trên không, cả hai đều quá nhanh để có thể bị chặn lại bởi các hệ thống phòng thủ hiện có của Hoa Kỳ.
Cũng có khả năng đe dọa bờ biển Hoa Kỳ là máy bay không người lái dưới nước Poseidon, một vũ khí có sức mạnh hạt nhân và khả năng cơ động cao mà một số chuyên gia cho rằng có thể được sử dụng để gây ra sóng thần phóng xạ tới các thành phố lớn, mặc dù hiệu quả chiến lược của chiến thuật này vẫn đang bị đặt câu hỏi.