(Tổ Quốc) - Một trật tự Âu-Á mới đang được hình thành với Bắc Kinh chiếm ưu thế?
Theo trang Nikkei Asian Review, hồi đầu tháng bảy, Nga đã "bật đèn xanh" cho một dự án xây dựng đường cao tốc kết nối khu vực biên giới nước này và Kazakhstan với Belarus.
Vị trí con đường cho thấy tầm quan trọng của dự án: Belarus là cửa ngõ tiến vào châu Âu, trong khi Kazakhstan có cùng biên giới với Trung Quốc - cũng là điểm xuất phát của một con đường cao tốc xuyên Kazakhstan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang không ngừng thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, với mục đích tạo ra một khu vực kinh tế khổng lồ liên kết Trung Quốc với châu Âu bằng cả đường bộ và đường biển.
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tạo ra một khu vực kinh tế khổng lồ liên kết Trung Quốc với châu Âu (ảnh: EPN)
Dự án mới không phải là nỗ lực đầu tiên của Nga trong lĩnh vực phát triển các tuyến đường kết nối châu Á và châu Âu. Những năm 2000, Moscow từng vận động các công ty Nhật Bản vận chuyển hàng hóa bằng tuyến đường sắt dài 9.300 km chạy xuyên Siberia của mình.
Mặc dù các công ty đã đồng ý thử nghiệm tuyến đường, nhưng kết quả lại không như Moscow mong đợi. Một trong những nguyên nhân là do khi di chuyển hay kết nối với các tàu vận chuyển, các tàu hay bị rung lắc mạnh tới mức gây ra hỏng hóc cho hàng hoá. Ngoài ra,các lịch trình nối chuyến tàu tại Nga được cho là rất hỗn loạn và không ổn định.
Cho tới đầu những năm 2000, Trung Quốc vẫn chưa thường xuyên chuyên chở hàng hóa tới châu Âu. Khoảng năm 2011, dịch vụ "tàu nguyên chuyến" mới được đưa vào hoạt động lần đầu tiên theo một sáng kiến của cựu bí thư tỉnh Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Dịch vụ này kết nối Trùng Khánh với Đức, đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan.
Dịch vụ tàu nguyên chuyến là các chuyến tàu chạy thường xuyên giữa các địa điểm mà không kết nối với tàu khác hoặc tách rời các toa tàu giữa hành trình.
Sau khi được đổi tên thành China Railway Express, các chuyến tàu trên giờ đây hoạt động giữa các nhà ga Trung Quốc, như Tứ Xuyên, Đại Liên… và châu Âu. Không giống như Đường sắt Xuyên Siberia, tàu Trung Quốc chạy êm hơn với nhiệt độ có thể kiểm soát – cho phép chúng vận chuyển nhiều loại hàng hoá, từ máy tính, xe máy cho tới hàng hóa thường ngày.
Công ty vận tải đường sắt quốc tế hàng đầu Nhật Bản, Nippon Express, cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng tàu hỏa giữa Trung Quốc và châu Âu. Theo Nippon Express, số lượng hàng hóa trên tuyến đường đang gia tăng nhanh chóng.
Tuyến Đường sắt Xuyên Siberia đã có nhiều nỗ lực để tham gia vào thị trường sôi động trên, nhưng lại bị hạn chế do đường ray bị ngắt quãng tại Moscow và một số thành phố khác. Điều này có nghĩa là các chuyến tàu nguyên chuyến châu Âu sẽ phải kết nối với các tàu khác để hoàn thành hành trình của mình.
Hiện China Railway Express đã thay thế Đường sắt Xuyên Siberia trở thành tuyến đường sắt chủ chốt kết nối châu Á và châu Âu.
Mối quan hệ Nga-Trung đang ở "mức độ cao nhất trong lịch sử"? (ảnh: getty)
Hồi tháng Sáu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Nga gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Một số trang tin tại Nga tỏ ra không hài lòng với chuyến thăm khi đăng tải những bài viết có tựa đề như "Nga vì lợi ích của Trung Quốc" hoặc "Chính sách địa chính trị và kinh tế của Tổng thống Putin đang khiến Nga trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc"…
Nhân chuyến thăm của ông Tập, hai nước đã ký kết khoảng 30 hiệp định, bao gồm thỏa thuận để tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei xây dựng mạng lưới 5G của Nga. Chủ tịch Tập cũng ca ngợi mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc và miêu tả nó đang ở "mức độ cao nhất trong lịch sử".
Quan hệ chiến lược Nga-Trung bắt đầu khởi sắc vào năm 1996 và ngày càng phát triển hơn trong bối cảnh hai nước cùng đối phó với một đối thủ lớn là Mỹ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều ủng hộ cho một mối quan hệ nồng ấm hơn. Trong thực tế, Nga bắt đầu cảm thấy ngày càng giống như một đối tác bé nhỏ do những bất tương xứng với láng giềng châu Á.
Khoảng cách giữa hai nước đang không ngừng gia tăng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, dân số, quân sự và chính trị. Ví dụ như, năm 2018, GDP của Nga chỉ xấp xỉ 12% so với Trung Quốc; và theo thống kế của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Thuỵ Điển, ngân sách của phòng của Nga chỉ bằng 1/4 Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc thiếu hụt tài nguyên và đang nhắm tới các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt và lâm nghiệp của Nga. Ngoài ra, một số lượng lớn công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Nga.
Moscow đã và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế; nền kinh tế nước này cũng dựa không ít vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn coi Trung Á nằm trong địa bàn chịu ảnh hưởng của mình; do vậy, không ngạc nhiên khi Moscow cảm thấy "hồi chuông cảnh báo" trước sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực, về cả kinh tế và an ninh.
Trong những nỗ lực để tạo thế cân bằng, Nga đã cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và châu Âu, nhưng tới giờ vẫn chưa đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu tình hình không có nhiều thay đổi, một trật tự mới tại Âu-Á sẽ được hình thành với Trung Quốc thậm chí còn "dính dáng" nhiều hơn nữa với Nga.
Như vậy, việc tiếp tục cô lập Nga trên trường quốc tế rõ ràng không phải là một lựa chọn thông thái./.