(Tổ Quốc) - Nga khẳng định mong muốn tiến tới mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ và tăng cường tìm kiếm lợi ích chung nhằm duy trì quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Mối quan hệ "mang tính xây dựng"
Hãng AP dẫn lời Tổng thống Nga Valadimir Putin nhấn mạnh Kremlin mong muốn tiến tới mối quan hệ "mang tính xây dựng" với Washington và bày tỏ hy vọng các lợi ích chung cuối cùng sẽ giúp bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trong cuộc thảo luận tại Hội nghị năng lượng quốc tế ở Moscow vào ngày 13/10, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt nhằm làm giảm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng thị trường năng lượng tại châu Âu. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh sẵn sàng định giá ổn định cho thị trường vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, ông Putin cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng Moscow đang độc quyền khí đốt khiến giá năng lương leo thang đột biến.
Nguồn cung khí đốt của Nga đã tăng 15% trong năm và dự kiến ghi nhận mức kỷ lục khác trong thời gian tới. Theo Tổng thống Putin, trong khi Nga tăng cường nguồn cung khí đốt cho EU thì Mỹ lại giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu lục này bởi vì nhu cầu khí đốt đang gia tăng tại châu Á.
"Tuyên bố cho rằng Nga sử dụng năng lượng để phát triển vũ khí là điều vô nghĩa, hoàn toàn vô nghĩa. Chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng nguồn cung khí đốt với bất kỳ đối tác nào yêu cầu chúng tôi", ông Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Putin, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vừa xây dựng ở Đức, đi qua Ukraine dưới Biển Baltic sẽ phù hợp với lộ trình cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng bởi vì đường ống ngắn hơn 2000 km so với tuyến đường dẫn khí đốt tới Ukraine. Điều đó cũng giúp giá khí đốt rẻ hơn. Theo Tổng thống Putin, Gazprom - công ty tinh lọc khí thiên nhiên lớn nhất thế giới có thể gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với Ukraine sau khi hết hạn vào năm 2024. Tuy nhiên, hiện trạng đường ống dẫn khí đang không đảm bảo sau thời gian dài sử dụng.
"Hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukriane đã không được sửa chữa trong nhiều thập kỷ", ông Putin lưu ý.
Quan hệ Nga-Mỹ
Đề cập đến quan hệ giữa Nga và Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng quan hệ của Moscow với chính quyền Tổng thống Biden hoàn toàn "mang tính chất xây dựng" và cá nhân ông luôn mong muốn phát triển "quan hệ ổn định và hợp tác" với Tổng thống Joe Biden.
"Các lợi ích chung sẽ dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và điều đó cũng loại bỏ đi các hiểu lầm giữa Mỹ và Nga", Tổng thống Putin nhận định đồng thời lưu ý hai nước sẽ tăng cường chia sẻ lợi ích chung về kiểm soát vũ khí, cuộc chiến chống khủng bố và ổn định thị trường năng lượng trong thời gian tới.
Tổng thống Putin cho rằng chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - Victoria Nuland tại Nga là cơ hội cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga vào thời gian tới sau hội nghị thượng đỉnh tại Geneva vào tháng Sáu.
Chuyến thăm của bà Nuland đến Nga diễn ra khi hai nước gần đây đã tham gia vào các vụ trục xuất ngoại giao căng thẳng và sau đó là động thái đóng cửa lãnh sự quán của họ. Nga vào đầu năm nay chỉ định Mỹ là "quốc gia không thân thiện" và cấm Đại sứ quán Mỹ tuyển dụng nhân sự địa phương khiến cơ quan này đã phải sa thải 182 nhân viên và hàng chục nhà thầu.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Victoria Nuland gợi mở cho quan hệ hai nước. Bà Nuland đánh giá cao mối quan hệ thẳng thắn và hiệu quả giữa Mỹ và Nga. Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Putin – Yuri Ushakov cũng lưu ý: "Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được giữa hai nước trong thời gian tới".
Điện Kremlin hiện chưa xác nhận việc ông Putin có đến Rome tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ tham gia G20 trong thời gian tới.
Khi được hỏi về các nỗ lực của Nga trong quá trình phát triển vũ khí mới, Tổng thống Putin khẳng định động thái này diễn ra sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh vào năm 2002. Ông Putin cũng khẳng định "cuộc chạy đua vũ khí vẫn đang tiếp diễn" nhưng Nga sẵn sàng thảo luận về vấn đề liên quan đến vũ khí mới của Moscow tại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ. Về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Putin nhận định Nga vẫn tuân thủ các nghĩa vụ của mình trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và sẽ hướng tới mục tiêu giảm phát khí thải carbon ròng vào năm 2060.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow đang bị ảnh hưởng bởi hiện tưởng nóng lên toàn cầu khi nhiệt độ trung bình của nước này tăng nhanh hơn 2,5 lần so với mức trung bình toàn cầu. "Và Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn", ông nói.