• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga - Mỹ bên bờ vực: Vượt lên xung đột là đối thoại

Thế giới 31/12/2021 13:43

(Tổ Quốc) - Hai cuộc trò chuyện liên tiếp của Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 12 dù chưa đạt được đột phá nhưng đã cho thấy trong bối cảnh hiện tại, mọi xung đột giữa các siêu cường đều không thể lấy "cứng đối cứng".

Tối ngày 30/12, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 50 phút. Trước đó, vào ngày 7/12, hai nhà lãnh đạo này cũng có cuộc hội đàm trực tuyến đầu tiên kéo dài khoảng hai giờ. Chỉ trong vòng ba tuần đã diễn ra hai cuộc đối thoại và chủ đề đều chủ yếu tập trung vào tình hình căng thẳng ở Ukraine và chiến lược mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông.

Thông điệp thực sự từ Nga

Đáng chú ý, trong khi Nga là phía triển khai lực lượng quân sự lớn ở khu vực biên giới với Ukraine, theo ước tính của Kiev là hơn 114.000 quân đến miền bắc, đông và nam nước này, và là nguồn cơn gây nên lo ngại nghiêm trọng đối với cả Ukraine, Mỹ và phương Tây, thì chính ông Putin là người đề nghị tiến hành cuộc đối thoại lần thứ hai.

Tín hiệu lần này của ông Putin cũng đi ngược với nhiều thông điệp cứng rắn trước đó của chính nhà lãnh đạo này và hàng loạt quan chức và tướng lĩnh quân sự Nga.

Trong cuộc hội đàm đầu tiên ngày 7/12, ông Putin từng giữ vững lập trường cứng rắn rằng "binh sĩ Nga đang hiện diện trên lãnh thổ Nga và chẳng đe dọa ai cả". Nhà lãnh đạo Nga cũng cáo buộc Ukraine hành xử "khiêu khích", nhấn mạnh chính NATO mới là phía leo thang căng thẳng khi triển khai những nỗ lực nguy hiểm nhằm chinh phục lãnh thổ Ukraine và tăng cường hiện diện quân sự tiềm tàng tại biên giới Nga.

Nga - Mỹ bên bờ bực: Vượt lên xung đột là đối thoại - Ảnh 1.

Hai cuộc đối thoại liên tiếp trong tháng 12 phần nào cho thấy thiện chí muốn giải quyết căng thẳng của hai bên. Ảnh: BBC.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin ngày 27/12 cũng tiếp tục cảnh báo về "nguy cơ cao" xảy ra xung đột giữa nước này và nước láng giềng Ukraine. Ông Fomin cho biết: "Sự phát triển quân sự của NATO đã được chuyển hướng hoàn toàn để chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn, cường độ cao với Nga". Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng lên án NATO vì đã kích động xung đột bằng cách cử tàu chiến và máy bay trinh sát tới hỗ trợ Ukraine.

Có thể thấy rằng sau khi việc "khăng khăng" trên bàn đối thoại và giữ vững các hành động quân sự trên thực địa không mang lại tín hiệu tốt để có thể nhận được sự nhượng bộ từ phương Tây, Nga đã nhận thấy việc đưa ra một thông điệp tích cực là điều cần thiết tại thời điểm này, không chỉ đối với phương Tây mà còn đối với cả người dân Nga, khi một năm mới sắp bắt đầu và họ muốn thấy những tín hiệu mới.

Sau khi ngỏ ý muốn đối thoại với phía Mỹ, Tổng thống Nga Putin cũng cho biết trong thông điệp Năm mới đăng trên trang web của điện Kremlin rằng ông tin là có thể tiến hành một cuộc đối thoại hiệu quả với ông Biden.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, Tổng thống Putin rất sẵn sàng trò chuyện và cho rằng chỉ có thông qua đối thoại mới có thể giải quyết được những vấn đề đang tồn tại giữa hai nước.

Mỹ sẵn sàng phối hợp

Trước hai cuộc đối thoại ở cấp cao nhất này, Mỹ và phương Tây đặc biệt lo ngại về các hành động quân sự của Nga ở khu vực biên giới với Ukraine. Tài liệu từ tình báo Mỹ cho rằng số lượng quân đội Nga hiện diện gần Ukraine có thể lên đến 175.000. Cùng với việc triển khai một lượng lớn vũ khí, khí tài quân sự hạng nặng, Mỹ, châu Âu và Ukraine lo sợ Moscow sẽ thực hiện một cuộc tấn công tổng lực vào Kiev và trong kịch bản đó, họ có thể khó phản ứng kịp. Kịch bản này đã từng xảy ra khi Nga kiểm soát bán đảo Crimea năm 2014 – động thái khiến phương Tây có thể nói là ngỡ ngàng.

Về phía Mỹ, kịch bản này cũng sẽ là một đòn giáng nặng nề vào vị thế quân sự của họ sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan năm vừa qua và hình ảnh quân đội Mỹ vội vã, lộn xộn rút khỏi điểm nóng này. Trong bối cảnh thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương và phải vật lộn với đại dịch Covid-19, một tình thế nóng bỏng tại Ukraine cũng là điều cả Mỹ và châu Âu không muốn thấy.

Và sau hàng loạt tín hiệu không thể nói là tích cực trước đó từ phía Nga, các cuộc đối thoại trực tiếp với ông Putin có thể nói là một cơ hội tốt để trao đổi thẳng thắn và thể hiện thiện chí giải quyết nguy cơ xung đột này bằng con đường ngoại giao. Tổng thống Biden đã bước vào cuộc điện đàm ngày 30/12 với ngỏ ý sẵn sàng đề xuất với người đồng cấp Nga một "con đường ngoại giao" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Nga dù chưa đưa tới một kết quả hữu hình nào nhưng đã mở ra cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nước diễn ra vào tháng tới.

Dù dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do có rất ít dấu hiệu nhượng bộ giữa hai bên, nhưng hàng loạt các cuộc đàm phán trực tiếp cấp thấp hơn sẽ diễn ra giữa hai bên, bao gồm đối thoại cấp cao Nga-Mỹ vào ngày 10/1/2022; cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ diễn ra vào ngày 12/1/2022 và cuộc tham vấn giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13/1/2022, vẫn là những cơ hội mang theo nhiều hi vọng. Những động thái này cho thấy rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay, đối thoại là con đường duy nhất để giải quyết bất đồng và xung đột, đặc biệt là giữa hai siêu cường. Một khi phải dùng đến giải pháp quân sự, hai nước này và cả cộng đồng quốc tế sẽ rơi vào thế "cùng thua" – một điều không ai muốn thấy.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ