• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Mỹ "gay gắt" về hạt nhân công suất thấp

Thế giới 30/04/2020 14:22

(Tổ Quốc) - Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư đã bác bỏ lập luận của Mỹ về việc phát triển các đầu đạn hạt nhân công suất thấp, cảnh báo rằng một nỗ lực sử dụng vũ khí như vậy chống lại Nga sẽ kéo theo sự trả đũa hạt nhân toàn diện.

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lập luận trong một bài báo đăng tải tuần trước rằng việc lắp đầu đạn hạt nhân công suất thấp vào tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm sẽ giúp chống lại các mối đe dọa mới tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc. Phía Mỹ cũng cáo buộc Moscow đang cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược này như một cách gây sức ép trong một cuộc xung đột hạn chế quy mô – điều mà Nga đã nhiều lần phủ nhận.

Nga – Mỹ "gay gắt" về hạt nhân công suất thấp - Ảnh 1.

Nga đang cố gắng cứu vãn hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ. Ảnh: AFP/Getty.

Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng đầu đạn bổ sung mới này giúp "giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân bằng cách tăng cường khả năng răn đe và ngăn chặn".

Bộ Ngoại giao Nga thì nhìn thấy một khía cạnh khác.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đã bình luận về bài viết của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Tư, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không nên coi các đầu đạn công suất thấp của họ như một công cụ linh hoạt có thể giúp ngăn chặn xung đột hạt nhân toàn diện với Nga.

"Bất kỳ cuộc tấn công nào liên quan đến tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Hoa Kỳ, dù thông số vũ khí của nó là gì, thì vẫn sẽ bị coi là một cuộc xâm lược hạt nhân, theo bà Zakharova.

Bà Zakharova cũng tuyên bố việc Mỹ triển khai các đầu đạn công suất thấp như một động thái gây bất ổn sẽ dẫn đến việc hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân.

Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Nga về các vấn đề vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng khi mối quan hệ giữa Moscow và Washington rơi xuống mức thấp sau Chiến tranh Lạnh, do cuộc khủng hoảng Ukraine và những cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Năm ngoái, cả Moscow và Washington đều rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF năm 1987.

Thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất của Hoa Kỳ-Nga vẫn còn tồn tại là hiệp ước New START, ký kết năm 2010 bởi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev. Hiệp ước giới hạn mỗi quốc gia không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa và máy bay ném bom, cũng như dự kiến có các cuộc thanh tra tận nơi để xác minh sự tuân thủ của các cơ sở hạt nhân.

Nga đã đề nghị gia hạn New START, dự kiến hết hạn vào tháng 2 năm 2021, trong khi chính quyền Trump thì muốn thúc đẩy một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới cũng bao gồm cả Trung Quốc. Moscow cho rằng ý tưởng đó là không khả thi, chỉ ra việc Bắc Kinh từ chối đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào sẽ làm giảm kho vũ khí hạt nhân quy mô hạn chế của nước này.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ