(Tổ Quốc) - Mối quan hệ song phương và tình hình Syria đứng đầu chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov tại vùng Vịnh.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga vừa hoàn thành chuyến công du vùng Vịnh kéo dài bốn ngày, đến thăm Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và Abu Dhabi.
Máy bay của ông Serge Lavrov có bốn điểm dừng tại các quốc gia vùng Vịnh trong tuần này. Mất khoảng một giờ để đi từ địa điểm này sang địa điểm khác, nhưng mỗi quốc gia mà nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đến thăm đều có lịch sử và truyền thống riêng. Ông đã tránh các vấn đề nhạy cảm và điều chỉnh cách tiếp cận tùy theo với tất cả các điểm đến của mình.
Nắm bắt cơ hội kinh tế
Trái với một số đánh giá, ông Lavrov đã ưu tiên tập trung vào triển vọng hợp tác kinh tế hơn là các vấn đề chính trị, theo Al Monitor. Một mục tiêu của chuyến đi là mời các quốc gia Ả Rập tham dự một số sự kiện mà Moscow sẽ tổ chức vào tháng 4, bao gồm phiên họp thứ năm của Diễn đàn Hợp tác Nga-Ả Rập, diễn đàn Ả Rập-EXPO và phiên họp của Hội đồng Kinh doanh Nga-Ả Rập. Việc các nước vùng Vịnh sẽ gửi đại biểu cấp cao hay không vẫn chưa được xác định.
Ngoại trưởng Nga tại một cuộc họp báo với người đồng cấp vùng Vịnh. (Nguồn: Sputnik)
Danh sách khách mời sẽ cho biết rõ liệu cộng đồng doanh nghiệp Ả Rập có thực sự sẵn sàng phát triển mối quan hệ với Nga hay không, một nguồn tin trong Bộ Phát triển Kinh tế Nga nói với Al-Monitor.
Theo Sputnik, Moscow có kế hoạch hợp tác lớn với các quốc gia vùng Vịnh. Ngoại trưởng Serge Lavrov cho biết, chỉ riêng ở Kuwait, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga hợp tác với cơ quan đầu tư Kuwait, đang thực hiện vài chục dự án với tổng trị giá gần hai trăm triệu đô la Mỹ. Các công ty Nga, như các gã khổng lồ năng lượng Gazporm, Novatek và Zarubezhneft cũng có nhiều dự án chung với các đối tác địa phương.
Cũng theo ông Serge Lavrov, hợp tác quân sự với Kuwait là một liên kết quan trọng khác. "Kuwait đang tham gia diễn đàn quân sự và kỹ thuật hàng năm của Lục quân, và tham gia vào cuộc tập trận "Tank Biathlon" do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Điều này giúp thiết lập mối liên hệ giữa các bên, khi họ tham gia vào những "trận chiến thể thao" này.
Điểm nhấn về loạt xung đột
Về các vấn đề chính trị, ông Lavrov đã tập trung giải quyết các cuộc xung đột ở Syria, Yemen và Palestine trong mỗi chuyến thăm.
Khi nói đến những trận chiến thực sự, như cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Kuwait và các quốc gia vùng Vịnh khác dường như có những cách tiếp cận khác nhau.
Syria đã được đề cập nhiều lần trong chuyến công du Vịnh Lavrov, và hầu như mọi nơi các nhà báo đều đặt câu hỏi tương tự: quan điểm của mỗi quốc gia về khả năng Damascus tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập.
Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait Sabah Al Khalid Al Sabah, khi được hỏi về vấn đề này, khá lạc quan:
Chúng tôi đang kêu gọi Syria trở lại nhịp sống bình thường, để Syria trở lại với gia đình Ả Rập. Chúng tôi sẽ chào đón điều đó và chúng tôi sẽ rất vui nếu điều đó xảy ra. Chúng tôi hoan nghênh người Syria tham gia vào quá trình chính trị, giải quyết các vấn đề hiện tại, khắc phục sự hỗn loạn trong 8 năm qua ở đất nước họ. Syria đóng vai trò quan trọng trong khu vực khi nói đến an ninh và ổn định.
Trong khi Qatar có phản ứng khá cứng rắn với hi vọng của ông Lavrov rằng các đối tác vùng Vịnh sẽ chào đón Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập thì Saudi và UAE có phản ứng mơ hồ hơn. Ông Lavrov đã nhiều lần cảm ơn Riyadh vì đã cam kết của nước này khuyến khích phe đối lập Syria tại Saudi Arabia có đóng góp mang tính xây dựng cho tiến trình chính trị. Ông Lavrov cũng đã gặp một phái đoàn đối lập Syria do Nasr al-Hariri dẫn đầu ở Saudi.
Tại UAE - điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình chuyến đi vùng Vịnh của ông Lavrov, vấn đề Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập đã được đưa ra tại cuộc họp báo, lần này là từ truyền thông địa phương.
Có vẻ như UAE nhìn nhận quá trình này từ quan điểm riêng của mình. Theo Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của UAE, ông Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, nước này đang thực hiện các bước đi để nối lại đối thoại với Damascus, với việc mở lại đại sứ quán trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Tehran và Ankara tại Syria.
"Chúng tôi - UAE – hướng tới gia tăng vai trò của các quốc gia Ả Rập trên đường đua Syria. Đây hẳn phải là một vai trò chính trị, một vai trò trong việc khôi phục an ninh và ổn định. Không còn nghi ngờ gì nữa - chúng tôi không hài lòng với các chính sách đối nội của Damascus. Nhưng ngày nay chúng ta thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và sự vắng mặt của vai trò của các quốc gia Ả Rập. Chúng tôi cảm thấy rằng tình huống như vậy là không thể chấp nhận được, vì vậy, cùng với các đối tác Nga và các bên khác, chúng tôi tìm cách vượt qua khủng hoảng, để tiến lên và biến Syria thành một phần của gia đình Ả Rập, một phần của khu vực, ông Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan cho hay.
Syria là một trong những thành viên sáng lập của Liên đoàn Ả Rập - một tổ chức khu vực hiện bao gồm 21 quốc gia với tổng GDP tổng cộng là 6,48 tỷ USD. Vào năm 2011, tư cách thành viên của Syria trong Liên minh đã bị thu hồi.