(Tổ Quốc) - Tờ The Diplomat gần đây có một bài viết về mối quan hệ Nga và Malaysia sau những tín hiệu gần đây.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 và các cuộc họp liên quan gần đây đã kết thúc tại Singapore. Cuộc họp khu vực thường niên lần này thu hút rất nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đến thành phố sư tử, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Đáng chú ý, ông Putin là nhà lãnh đạo thứ hai mà ông Mahathir tổ chức một cuộc họp song phương, chỉ sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo nước chủ nhà- Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ông Putin cũng đã gặp ông Mahathir ngay sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Singapore Halimah Yacob. Tính tới những lợi ích chung của cả hai nước về máy bay chiến đấu và thương mại cũng như những tín hiệu được gửi từ cuộc họp của hai bên, dư luận đang trông đợi rằng Malaysia và Nga sẽ tìm kiếm sự hợp tác sâu hơn về quốc phòng và kinh tế trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad gặp nhau bên lề ASEAN 33. (Nguồn: Bernama)
Cơ hội mới từ thương vụ máy bay
Malaysia hiện đang sở hữu tổng cộng 28 máy bay quân sự của Nga. Trong số đó, 18 máy bay phản lực Su-30MKM đã được chính phủ trước đó mua vào năm 2003 và được đưa vào hoạt động theo hai đợt trong năm 2007 và 2009. 10 chiếc còn lại là máy bay chiến đấu MiG-29 đã bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) vào năm 1994 -1995. Năm ngoái, khi Thủ tướng Najib Razak vẫn đang nắm giữ chính phủ, một kế hoạch trị giá 2 tỷ USD mua máy bay đã được công bố, nhằm thay thế MiG-29 15 năm tuổi. Tuy nhiên, dự án mua này tạm thời bị đình chỉ sau chiến thắng bất ngờ của ông Mahathir trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Sau khi chính phủ mới được thành lập, một số kế hoạch của RMAF, bao gồm cả thương vụ 2 tỷ USD trên, được tuyên bố sẽ bị tạm dừng do những ràng buộc ngân sách. Nhưng sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Mohamad Sabu phàn nàn rằng chỉ có bốn trong số 28 máy bay chiến đấu Nga đang hoạt động. Rõ ràng, nước này có nhu cầu mạnh mẽ về việc bổ sung máy bay quân sự và lúc này chỉ có 2 lựa chọn: học cách sửa chữa các máy bay hiện tại của RMAF hoặc mua máy bay phản lực mới.
Về sửa chữa và nâng cấp, tiếp cận Nga - nhà sản xuất ban đầu - là lựa chọn duy nhất cho Mahathir và chính phủ Liên minh Hi vọng - Pakatan Harapan (PH) của ông. Hơn nữa, có vẻ như Mahathir đang có xu hướng làm điều này, kể từ khi ông nói với Putin rằng Malaysia muốn tìm hiểu cách bảo trì và sửa chữa máy bay.
Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Malaysia bắt đầu từ năm 1994 và được thúc đẩy sâu hơn khi Ủy ban Liên chính phủ Nga-Malaysia được thành lập vào năm 1999. Nếu Malaysia quyết định tìm kiếm sự trợ giúp bổ sung từ Nga về bảo trì máy bay, thì việc trao đổi và kết nối thông tin từ kỹ thuật đến chuyên môn, giữa hai nước sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Hơn nữa, ý tưởng cùng phát triển phần cứng quân sự, như đề xuất trong năm 2016, có thể có cơ hội được khơi dậy.
Nếu ông Mahathir thay vì muốn sửa chữa, lại quyết định tiếp tục kế hoạch mua mới của RMAF thì MiG-35 của Nga là một trong số các lựa chọn, cùng với Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của Anh. Tuy nhiên, chiếc Rafale đắt hơn nhiều so với MiG-35. Giá của một chiếc Rafale (130 triệu USD) có thể ngang với ít nhất hai chiếc MiG-35 (55 triệu USD mỗi chiếc), và thậm chí còn chưa đề cập đến Eurofighter Typhoon- ở mức 175 triệu USD cho mỗi chiếc.
Trong khi cải thiện khả năng phòng thủ là quan trọng đối với liên minh mới lên cầm quyền ở Malaysia, việc kiểm soát và giảm thâm hụt ngân sách lớn là ưu tiên hàng đầu. Với mục tiêu thứ 2 này, chính phủ PH đã đình chỉ một số dự án cơ sở hạ tầng. Điều đó có nghĩa là chính phủ có thể sẽ chọn lựa giá rẻ hơn nếu họ quyết định theo đuổi những chiếc máy bay mới. Theo Bernama- hãng thông tấn quốc gia Malaysia, ông Putin cũng nói với Mahathir rằng Nga quan tâm tới việc có một thương vụ bán máy bay cho Malaysia.
Còn không gian cho giao thương
Bên cạnh vấn đề quân sự, cuộc họp của ông Mahathir và ông Putin dễ hiểu cũng đề cập tới việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Nga đã nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu phi dầu mỏ, với những nỗ lực như sự ra mắt của Trung tâm Xuất khẩu Nga vào năm 2015. Còn Malaysia đã theo đuổi công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu trong nhiều thập kỷ và thúc đẩy thương mại là một phần của chiến lược phát triển được Pakatan Harapan đưa ra.
Chắc chắn sẽ có chỗ cho sự tăng trưởng trong mối quan hệ thương mại song phương của họ. Malaysia không nằm trong các đối tác thương mại hàng đầu của Nga và ngược lại. Hơn nữa, theo cơ sở dữ liệu của OEC, hơn một nửa lượng hàng xuất khẩu từ Malaysia sang Nga là máy móc và hơn 70% hàng hóa từ Nga sang Malaysia là các sản phẩm khoáng sản – điều báo hiệu rằng có đủ chỗ cho cả hai nước đa dạng hóa hợp tác thương mại.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của hai nước nhất trí về thúc đẩy thương mại của họ. Bên lề APEC vào năm 2012, ông Putin và ông Najib đã thảo luận về mở rộng thương mại. Tuy nhiên, tổng khối lượng giao dịch tăng rất chậm trong bốn năm sau đó, từ 1,769 tỷ USD lên 2,19 tỷ USD năm 2016. Những thách thức và cơ hội đi đôi với nhau trong giao thương Malaysia-Nga.
Ông Mahathir được biết là muốn đa dạng hóa quan hệ ngoại giao của đất nước mình và ông ủng hộ chính sách cân bằng quyền lực giữa các cường quốc trong nhiều thập kỷ. Nga, với quân đội mạnh mẽ của mình, chắc chắn là một trong những cường quốc mà ông Mahathir muốn tăng cường kết nối.
Trong khi đó, mối quan hệ của Nga với phương Tây đã không được suôn sẻ trong những năm gần đây, có nghĩa là nhận được tín hiệu tích cực từ các nước ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, có vẻ là ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga. Đó cũng có thể là lý do tại sao ông Putin đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á như một người tham gia chính thức lần đầu tiên trong năm nay (ông trước đó đã tham dự EAS lần đầu tiên vào năm 2005 như một vị khách mời).
Trong hoàn cảnh như vậy, Malaysia đương nhiên là một quốc gia mà Nga muốn tăng cường quan hệ. Không chỉ vì Malaysia là nền kinh tế lớn thứ ba ở Đông Nam Á, mà Thủ tướng mới của đất nước này vốn nổi tiếng vì có quan điểm cứng rắn với phương Tây. Kết quả là, việc tăng cường mối quan hệ song phương của họ là mối quan tâm chung cho cả Malaysia và Nga. Hợp tác quốc phòng và thương mại là những bước tiến khả thi nhất, khi tính tới lợi ích quốc gia của họ.