(Tổ Quốc) - Không chỉ hỗ trợ Syria giành được nhiều thắng lợi quan trọng gần đây, lực lượng quân sự Nga còn giúp củng cố sự ổn định tại quốc gia này khi xung đột kết thúc.
Không quân Nga (RUAF) đã bắt đầu các hoạt động chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (Daesh/IS) tại Syria từ tháng 9/2015 đồng thời hỗ trợ quân đội Syria giành lại được nhiều khu vực lãnh thổ, bao gồm cả Aleppo và Latakia. Viện trợ quân sự từ Nga cũng rất quan trọng trong bối cảnh hậu chiến, để chống lại các hoạt động khủng bố và duy trì sự ổn định.
Sát cánh “độc quyền”
Cùng với việc hỗ trợ quân đội chính phủ bằng các cuộc không kích, lực lượng đặc biệt của Nga cũng tham chiến trên bộ trong khi các cố vấn Nga cũng hỗ trợ với việc đào tạo và bố trí lực lượng thân chính phủ.
Quân đội Syria gần đây đã giành được nhiều thắng lợi đáng chú ý, bao gồm giải phóng thành phố cổ Palmyra, mặc dù gần đây đã bị IS tái chiếm lại, và giải phóng thành phố Aleppo.
Lực lượng quân đội Syria tại Dael, Syria ngày 3/1. (Nguồn: Reuters) |
Ngay cả trước khi Nga can thiệp quân sự trực tiếp tại Syria, lực lượng vũ trang Syria cũng đã có những nỗ lực đáng khen ngợi khi chiến đấu với các lực lượng nổi dậy và khủng bố trong khoảng 4 năm.
Sự hỗ trợ và hợp tác của Nga đối với các lực lượng vũ trang Syria đã khởi đầu từ vài thập kỷ trước đây, và vào đầu năm 2011, quân đội Syria đã trở thành quân đội lớn thứ 24 trên thế giới (theo bảng xếp hạng gần đây nhất thì quân đội Syria lớn thứ 36 trên thế giới).
Một số đơn vị trong quân đội Syria, như Vệ binh Cộng hòa và lực lượng phương tiện bọc thép với vai trò tham dự lớn là chìa khóa cho sự thành công của một số trận đánh, như trận Zabadani, vào giữa năm 2015.
Syria cũng đã mua thiết bị quân sự từ Nga và Liên Xô trước đây, gần như độc quyền, trong nhiều thập kỷ. Hơn nữa, các sĩ quan quân đội và lực lượng đặc biệt Syria cũng đã được đào tạo tại các cơ sở quân sự của Nga trong nhiều thập kỷ trước khi xung đột bắt đầu.
Dấu ấn thời hậu chiến
Mặc dù quân đội Syria đã đạt được nhiều tiến bộ và bước ngoặt đáng kể trong năm 2016, một số tỉnh trọng điểm như Idlib, Deir ez-Zor, và Raqqa vẫn thuộc quyền kiểm soát của các nhóm Hồi giáo cực đoan, chẳng hạn như Daesh. Do đó, ngay cả khi xung đột kết thúc, sự hỗ trợ quân sự của Nga vẫn sẽ là chìa khóa cho sự ổn định của Syria.
Rất có thể rằng, Nga sẽ giữ lại một số thiết bị quân sự tại Syria để hỗ trợ các lực lượng an ninh nước này. Nga có một cơ sở hải quân tại Tartus, và trong tháng 12/ 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp định để mở rộng căn cứ hải quân này, biến nó thành một "căn cứ hải quân thường trực đầy đủ chính thức."
Trong một bối cảnh thời hậu chiến, Syria cũng sẽ cần đến một hình thức hỗ trợ khác; thay vì các cuộc không kích trực tiếp, lực lượng an ninh và chống khủng bố Syria sẽ cần những công nghệ thiết yếu và hoạt động đào tạo để ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công khủng bố (như vụ tấn công Jableh vào ngày 5/1). Lúc này, Nga có thể đóng vai trò lớn trong việc gia tăng năng lực của các cơ quan tình báo Syria, khi các lực lượng an ninh Nga đã thành công ngăn chặn một số vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây. Nga cũng đã xử lý vụ khủng hoảng bắt cóc con tin tại Nhà hát Moscow 2002 rất tốt khi sử dụng chất hóa học để làm những kẻ tấn công lơ là cảnh giác để lực lượng an ninh xông vào tòa nhà.
Trong một động thái khác, việc trang bị cho Không quân Syria (SYAAF) máy bay phản lực và máy bay trinh thám không người lái tiên tiến có thể là một phần trong chiến lược của Nga để giúp duy trì sự ổn định ở Syria. Những chiếc máy bay này có thể được sử dụng để theo dõi và bảo vệ biên giới rộng lớn của Syria, đặc biệt là khu vực giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq để ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng cực đoan cùng dòng chảy vũ khí vào nước này.
Trong khi đó, việc làm giảm căng thẳng tôn giáo có lẽ là khía cạnh quan trọng nhất của tiến trình ổn định Syria. Hiện tại, chính phủ và các lực lượng vũ trang Syria bao gồm một loạt các tôn giáo và sắc tộc khác nhau, điều khiến cho họ gần gũi với chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, sẽ rất khó để ngăn cản sự lan rộng và phát triển của Salafism (thuyết Salafi) - một học thuyết Hồi giáo cực đoan của người Sunni ở Syria. Học thuyết này được cho là nhận được sự ủng hộ của Ả Rập Saudi và nhiều quốc gia Hồi giáo cứng rắn khác.
Một trong những điểm kết đó là Nga và Syria sẽ tiếp tục phát triển quan hệ chính trị, quân sự và kinh tế khi xung đột kết thúc và có thể khẳng định chắc chắn rằng sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria sẽ không biến mất chỉ qua một đêm, và trên thực tế sự hiện diện này có thể còn gia tăng.
(Theo Sputnik)