(Tổ Quốc) - Vượt lên dư luận chỉ trích Nga tại Munich, phương Tây không thể không thừa nhận vai trò của Moscow trong việc giải quyết xung đột toàn cầu.
Các quan chức châu Âu và Mỹ, vốn chia rẽ về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cuối tuần qua đã tìm ra điểm chung khi cùng lên tiếng chỉ trích điều họ cho là chiến dịch bí mật của Nga nhằm phá hoại nền dân chủ phương Tây, theo Reuters.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố lên án Nga tại Hội nghị an ninh Munich năm nay, các quan chức và nhà ngoại giao phương Tây phải thừa nhận một sự thật không thoải mái với họ rằng: Nga là nhân tố quan trọng trong việc giải quyết nhiều cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Nhân tố Moscow trong xung đột toàn cầu
Từ đông Ukraine tới Triều Tiên, vị thế của Nga như là một cường quốc hạt nhân, sự hiện diện quân sự của Moscow tại Syria và quyền phủ quyết của họ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng nghĩa rằng bất kỳ động thái ngoại giao quốc tế nào cũng phải có Moscow.
"Chúng tôi không thể đưa ra một giải pháp chính trị mà không có Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, ông Frank Bakke Jensen nói với Reuters. "Chúng tôi cần phải tìm ra một khía cạnh chung để hướng tới một giải pháp chính trị, và họ (Nga) phải là trung tâm của tiến trình đó."
Bất kỳ động thái ngoại giao quốc tế nào cũng phải có Moscow. |
Ít nhất về mặt công khai, Nga là “người xấu” ở Munich, bị cả Mỹ và phương Tây chỉ trích nặng nề vì được cho là đã can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 và sáp nhập Crimea năm 2014.
Đối với các nước phương Tây, sự thống nhất với Mỹ về động thái trên đã đánh dấu một sự thay đổi sau bài phát biểu “Ưu tiên nước Mỹ” của Tổng thống Trump, những tuyên bố không nhất quán của nhà lãnh đạo Mỹ về NATO và Liên minh châu Âu, quyết định rút khỏi Hiệp định thay đổi khí hậu Paris và việc không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tham gia sự kiện Munich năm nay đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc nhằm vào Moscow.
"Chừng nào chúng tôi chưa thấy chứng cứ, mọi thứ đều là bịa đặt", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố tại Munich ngày 17/2.
Ông Dan Coats, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, nói: "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng người Nga đến… Họ thường cử ai đó mỗi năm tới để bác bỏ các thực tế".
Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, các nhà ngoại giao tiết lộ đã có giọng điệu khác biệt. Nhiều quan chức hàng đầu của phương Tây, trong đó có Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, đã gặp ông Sergei Lavrov trong các căn phòng cấp cao của khách sạn Bayerischer Hof.
Thượng nghị sĩ Aleksey Pushkov của Nga cho hay, "mạng lưới ngoại giao đã hoạt động", chỉ ra các mối liến hệ nhằm giải quyết cuộc nội chiến Syria, bao gồm giữa Moscow, Ankara, Washington và Tel Aviv. "Tiến trình này, nếu được sử dụng có hiệu quả, có thể ngăn ngừa các cuộc đối đầu lớn hơn."
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã gặp ông Lavrov nhiều lần, đưa ra các triển vọng nới lỏng trừng phạt kinh tế cho Moscow về xung đột miền đông Ukraine và kêu gọi Nga thực hiện vai trò là một đối tác không thể thiếu trong các nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn sự gia tăng vũ khí hạt nhân.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, người đã đàm phán hiệp định hạt nhân năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân với Iran, cho biết phương Tây cần phải "phân tách" các vấn đề với Moscow để tiến trình ngoại giao có thể có nhiều hiệu quả hơn.
“Trong tầm tay Nga”
Một phần thách thức đối với phương Tây trong giải quyết quan hệ với Nga là các cuộc khủng hoảng quốc tế hiện đều được liên kết với nhau.
Tại Syria, Nga đang liên minh với đối thủ của Israel là Iran, trong khi sự ủng hộ của Moscow đối với lực lượng li khai miền Đông Ukraine đã dấy lên sự chỉ trích từ NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO đang hoàn tất thoả thuận mua hệ thống vũ khí phòng không của Nga, hiện đang tấn công lực lượng người Kurd ở phía Nam Syria với sự trợ giúp từ Moscow.
Ở châu Á, những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân phần nào dựa trên sự sẵn sàng của Moscow nhằm đáp ứng yêu cầu của Washington và Brussel về việc thực hiện cấm vận đối với Bình Nhưỡng- điều Điện Kremlin đã từ chối.
"Một vài năm trước, bạn có thể nói về các cuộc khủng hoảng riêng lẻ, nhưng hiện nay, nếu bạn đang thảo luận về một vấn đề, bạn sẽ phải đề cập đến tất cả những nội dung khác", Jensen của Na Uy nói.
Vì vậy, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng chỉ trích Iran ở Munich hôm chủ nhật, thì tại New York, các nỗ lực của Anh, Mỹ và Pháp nhằm lên án Tehran tại LHQ đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Nga, các nhà ngoại giao nói với Reuters.
Và ở Munich, trong khi các quan chức Mỹ và châu Âu đã nhận thấy những động lực cho vệc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở phía đông Ukraine thì đặc phái viên Mỹ Kurt Volker thừa nhận mọi thứ hiện nằm trong tay Moscow.
"Điều đó nằm trong tay Nga", Volker nói tại một cuộc họp của các quan chức EU và Mỹ, bao gồm cả Bộ trưởng quốc phòng Thuỵ Điển - người đã đề nghị rằng quân đội nước họ sẽ sẵn sàng thực hiện một nhiệm vụ như vậy.
Hiện tại, mối quan hệ Đông-Tây, đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, không còn nhiều cơ hội để cải thiện – điều cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến trình giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu, theo các nhà ngoại giao.