(Tổ Quốc) - Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia ngày 13/6 cho biết về lập trường của Nga đối với các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên.
Theo ông Nebenzia, Hội đồng Bảo an LHQ nên xem xét các bước tiến tới việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng có thỏa thuận với Mỹ về việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ.
HĐBA năm ngoái đã thông qua ba vòng xử phạt kinh tế cứng rắn đối với Triều Tiên, cấm hầu hết việc xuất khẩu nguyên liệu thô và hạn chế phần lớn nguồn cung cấp dầu tới nước này.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia. |
Khi được hỏi về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho Triều Tiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với các phóng viên: "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy nghĩ về các bước đi theo hướng đó là điều tự nhiên."
"Có tiến bộ trên tiến trình này thì cũng cần phải có sự đền đáp tương xứng. Nên là một con đường hai chiều", ông nói. "Như thế thì phía bên kia sẽ thấy sự khích lệ để tiến lên."
Tại cuộc họp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hôm thứ ba tại Singapore, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết trong một tuyên bố chung sẽ xúc tiến hướng tới "phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên."
Mỹ cùng với Nhật Bản và các nước châu Âu duy trì lập trường rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc phải được duy trì cho đến khi Triều Tiên hoàn toàn dỡ bỏ các chương trình vũ khí của mình.
Còn Nga và Trung Quốc cho rằng cần phải có một cách tiếp cận dần dần, dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để đổi lấy hành động cụ thể từ Bình Nhưỡng theo con đường hướng tới phi hạt nhân hóa.
HĐBA dự kiến sẽ nhóm họp để thảo luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Singapore, nhưng ông Nebenzia, người nắm giữ chức chủ tịch HĐBA trong tháng này, cho biết chưa có sự kiện gì được lên lịch.
Nhiều nhà ngoại giao cho rằng việc LHQ tăng cường các biện pháp trừng phạt là một nhân tố quyết định trong việc gây áp lực cho ông Kim để đồng ý đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Kim đã hiểu rằng "việc có một quả bom hạt nhân không phù hợp với việc có một nền kinh tế", một nhà ngoại giao của HĐBA cho biết.