(Tổ Quốc) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi tàu bọc thép vào nước Nga nhằm tìm kiếm hỗ trợ từ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Washington vẫn chưa đạt được thành công.
Gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Putin
Hãn reuters cho rằng, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Putin nhằm tìm kiếm hỗ trợ từ Nga cho quá trình giảm gây sức ép kinh tế từ các trừng phạt của Mỹ và quốc tế nhằm vào nước này.
Hình ảnh đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un tại ga Khasan, Nga vào ngày 24/4. Ảnh:reuters
Chủ tịch Kim jong-un dự kiến sẽ gặp Tổng thống Putin tại Vladivostok vào ngày 25/4, một quan chức của điện Kremlin – ông Yuri Ushakov cho biết.
"Trong vài tháng qua, tình hình tại bán đảo Triều Tiên vẫn ổn định, phần lớn nhờ vào nỗ lực chấm dứt các vụ thử hỏa tiễn và đóng các khu thử hạt nhân của Triều Tiên", ông Yuri Ushakov nói với báo chí.
Hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên (KCNA) thông báo vào sớm ngày 24/4 rằng, Chủ tịch
Kim Jong-un đã tới Nga. Đi cùng với Chủ tịch Kim là Ngoại trưởng Ri Yong Ho và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu - Choe Son Hui.
Chủ tịch Kim Jong-un đang tìm sự hỗ trợ từ Moscow sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Trump mà không có tuyên bố chung bởi các thỏa thuận cho tiến trình phi hạt nhân hóa và yêu cầu nới lỏng trừng phạt chưa thể thông qua.
Các nhà phân tích cho rằng, Chủ tịch Kim Jong-un luôn bày tỏ mong muốn Mỹ và quốc tế có thể nới lỏng các trừng phạt đối với Triều Tiên nhưng điều này được cho là khó khăn.
Truyền hình NHK của Nhật Bản cũng trích dẫn thông tin từ một quan chức Nga cấp cao giấu tên cho biết, Tổng thống Putin có thể đề xuất khởi động lại đàm phán phi hạt nhân 6 bên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Điều này đã từng diễn ra vào năm 2008.
"Lộ trình tích cực"
Theo hãng Reuters, các quan chức an ninh đứng đầu của Chủ tịch Kim Jong-un đã thực hiện thao tác kiểm tra cuối cùng quanh sân ga Vladivostok trước khi tàu trở Chủ tịch Kim Jong-un đến.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết, chánh thư ký của ông Kim Jong Un là ông Kim Chang Son và em gái Chủ tịch Kim là bà Kim Yo Jong đã có mặt ở Vladivostok từ đầu tuần này.
Điều đáng chú ý là sự vắng mặt của ông Kim Yong Chol – nhân vật liên tục tham gia trong các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Kim Yong Chol cũng từng tham gia trong 4 chuyến thăm tới Trung Quốc và hai cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Trump.
Đại sứ hạt nhân của Mỹ - Stephen Biegun đã tới thăm Moscow trong tuần trước và có cuộc gặp với lãnh đạo đồng cấp Igor Morgulov. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vẫn tiếp tục "lộ trình thu hẹp khoảng cách phía trước".
"Mỹ và cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết cùng mục tiêu đi tới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên", quan chức này cho biết khi được hỏi về thượng đỉnh Nga-Triều.
"Cam kết của Chủ tịch Kim cho tiến trình phi hạt nhân hóa tiếp tục được thế giới quan tâm", ông Stephen Biegun cho biết.
Ông Artyom Lukin, giáo sư Đại học liên bang Viễn Đông tại Vladivostok nói rằng, Chủ tịch Kim Jong-un dường như muốn được xem như là một lãnh đạo thế giới, không bị cuốn vào các thỏa thuận với Washington, Bắc Kinh hay Seoul.
"Đối với Nga, thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ tái khẳng định vị thế của Moscow giống như là một nhân vật chính trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp là quan trọng cho uy tín của Nga trên trường quốc tế", ông Artyom Lukin nói thêm.
Nga và Trung Quốc cũng từng bày tỏ đồng thuận trong việc nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên trong quá trình nước này hạn chế các cuộc thử vũ khí.
"Các nỗ lực của Bình Nhưỡng cho tiến trình từng bước giải giáp vũ khí nên được đáp lại bằng việc nới lỏng các trừng phạt", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối năm ngoái.
Vào tuần trước, một nghị sĩ Nga đã nói trên hãng thông tấn Interfax rằng Triều Tiên đã yêu cầu Moscow cho phép các công nhân nước này tiếp tục làm việc tại Nga.
Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng đang kiếm được hơn 500 triệu đôla trong một năm từ nguồn lao động nước ngoài, trong đó có khoảng 30.000 lao động Triều Tiên tại Nga.
Theo báo cáo chưa được công khai của Nga tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga đã đưa công nhân Triều Tiên về nước khoảng 2/3 tổng số lao động tại Moscow trong năm 2018.
Hãng reuter cũng đưa ra báo cáo trong năm 2018 rằng, số lượng người Triều Tiên được phép làm việc tại Nga giảm xuống còn khoảng 11.500 người.
Theo Liên Hợp Quốc, Nga vẫn tiếp tục bán một số lượng dầu đáng kể cho Triều Tiên bất chấp các trừng phạt.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên hồi tháng Ba cho biết, các quan chức đã có cuộc gặp tại Moscow nhằm ký thỏa thuận thúc đẩy liên lạc cấp cao và trao đổi hợp tác hai bên trong lĩnh vực kinh tế.
Theo giới quan sát, Chủ tịch Kim có thể được đón tiếp thân thiện tại Nga và có thể tìm thấy một số cơ hội hỗ trợ kinh tế và chính trị từ Tổng thống Putin.