(Tổ Quốc) - Chịu sức ép cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây, Trung Quốc và Nga ngày càng trở nên gần gũi trong thập kỷ qua.
Về kinh tế, hai bên đang là các nền kinh tế tương hỗ - Nga cung cấp hydrocarbon và các nguồn lực khác cho ngành công nghiệp Trung Quốc. Còn về chính trị - đối ngoại, cả hai đều đang tìm cách hạn chế sự hiện diện của phương Tây, đặc biệt là các hoạt động quân sự tại một số “sân sau” của họ, bao gồm cả Trung Á.
Theo East Asia Forum, sau căng thẳng Nga – phương Tây về cuộc xung đột Ukraine, sự cô lập đã đẩy Moscow đến gần Bắc Kinh hơn. Tuy nhiên, sự bất ổn về an ninh và sự mất lòng tin từ trong lịch sử đã khiến cán cân quyền lực giữa Bắc Kinh và Moscow ngày càng mất cân bằng. Điều này được thể hiện rất rõ tại Trung Á, nơi quyền lực kinh tế, chính trị và sức mạnh mềm của Trung Quốc đang thay đổi cảnh quan địa chính trị khu vực.
Sự hợp tác Nga - Trung Quốc không hề dễ dàng tại Trung Á. |
Sức mạnh kinh tế Trung Quốc phủ khắp Trung Á
Hoạt động thương mại của Trung Quốc với năm quốc gia Trung Á đã tăng vọt trong thập kỷ qua, vượt quá 30 tỷ USD vào năm 2016, còn con số này với Nga chỉ là 18 tỷ USD. Mặc dù dư luận đồn đoán nhiều về một “cuộc chơi (cạnh tranh) lớn” giữa Nga và châu Âu tại khu vực Á –Âu, tuy nhiên, chính Trung Quốc - chứ không phải phương Tây - đã phá vỡ thế độc quyền của Nga đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt vào Trung Á. Với việc triển khai Chiến lược Vành đai và con đường (BRI), tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được thể hiện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông qua khắp Âu Á để hỗ trợ dòng chảy xuất khẩu của Trung Quốc. BRI là một kế hoạch đầy tham vọng và ngay cả khi chỉ được thực hiện một phần, nó sẽ làm giảm sức kiểm soát của Nga đối với các tuyến đường xuất khẩu của Trung Á.
Các nhà lãnh đạo Trung Á nhiệt liệt hoan nghênh BRI, hy vọng nó sẽ đẩy nhanh nền kinh tế đang trì trệ, tăng cường sự ổn định về kinh tế xã hội và mang lại một luồng đầu tư mới. Kazakhstan được hưởng lợi nhiều nhất từ BRI với vị trí địa lý là trung tâm vận chuyển quan trọng. Nước này hoan nghênh cam kết của Trung Quốc như là một cách để giúp hiện đại hoá cơ sở hạ tầng lão hóa và đa dạng hóa nền kinh tế. Astana cũng đang sử dụng nguồn đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc để báo hiệu cho Nga rằng họ có nhiều lựa chọn và bất cứ nỗ lực nào của Điện Kremlin để tái tạo một kịch bản Ukraine ở Kazakhstan, nơi có đông người Nga sinh sống, sẽ không thể đạt được mà không có ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Nga “lực bất tòng tâm”
Nga dường như chưa quan ngại về sự thống trị kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á, hay ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các nhà lãnh đạo khu vực này. Cũng có thể rằng, Moscow biết họ không thể làm gì nhiều để thay đổi ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.
Nền kinh tế trì trệ của Nga hạn chế khả năng cạnh tranh hiện tại với kinh tế Trung Quốc. Và sự phụ thuộc về kinh tế và ngoại giao của Nga ngày càng tăng lên Bắc Kinh trong thời kỳ trừng phạt hậu sau Ukraine cũng phần nào hạn chế sức mạnh của Moscow.
Không giống như các nhà lãnh đạo phương Tây – luôn không công nhận sự ảnh hưởng của Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin là muốn được nhìn nhận như một nhà lãnh đạo toàn cầu và muốn nước Nga trở thành một cường quốc toàn cầu. Để các bất đồng được làm dịu xuống mức tối thiểu, ông Tập đề xuất rất nhiều cuộc họp thượng đỉnh hàng năm với ông Putin. Và thường thì họ kết thúc bằng những lời hứa chưa được cụ thể hóa về phối hợp điều phối BRI với sáng kiến Liên minh kinh tế Âu Á (EEU) của Nga.
Nhưng những lời hứa này khó đi vào thực hiện vì BRI và EEU không tương thích. BRI là một tầm nhìn liên kết nhiều thị trường và muốn định hướng lại thương mại toàn cầu với Trung Quốc là nền tảng của sáng kiến. Còn EEU là một nỗ lực nhằm tạo ra một thị trường chung đơn nhất chịu ảnh hưởng từ Nga – nhằm giúp Moscow tăng cường ảnh hưởng trong khu vực khi đối mặt với sức ép liên tục từ châu Âu và Trung Quốc. Với nguồn lực hạn chế và sức ảnh hưởng chính trị còn nặng nề trong khu vực, Nga là một lựa chọn ít hấp dẫn hơn nhiều so với Trung Quốc.
Khó lường quyền lực mềm siêu cường tại Trung Á
Nhận thức được sự nhạy cảm của Nga về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Bắc Kinh khéo léo từ chối mọi kế hoạch phát triển một dấu chân an ninh cứng rắn trong khu vực Trung Á. Trước đó, Bắc Kinh luôn để cho Nga giữ vai trò gây ảnh hưởng chính về an ninh, và thay vào đó, Trung Quốc đóng vai trò là một nhà cung cấp an ninh "mềm" - mang lại sự an toàn thông qua đầu tư kinh tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang cho thấy họ muốn đóng một vai trò an ninh tích cực hơn trong khu vực. Trung Á là khu vực trỗi dậy cuối cùng của nước này trong bối cảnh sức mạnh an ninh của Nga đang bị chi phối bởi quá nhiều cuộc xung đột quân sự.
Trung Quốc được cho là đang xây dựng một căn cứ quân sự tại khu vực biên giới Tajik-Afghanistan- điều giúp Bắc Kinh có sự hiện diện quân sự ở cả hai nước. Trung Quốc cũng đang lặng lẽ tăng cường hỗ trợ an ninh cho Kyrgyzstan sau vụ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek năm 2016, đồng thời có nhiều thương vụ bán vũ khí cho Turkmenistan. Trung Quốc có lợi ích lớn ở bốn nước này, thường được coi là ít ổn định nhất trong khu vực. Ba trong số họ có biên giới Trung Quốc, trong khi Turkmenistan đang là con nợ lớn của Bắc Kinh. Nước này cũng đồng thời là nhà cung cấp khí đốt chính của Trung Quốc.
Quan hệ đối tác Nga-Trung ở Trung Á hiện tại vẫn đang ổn định. Những động thái ngoại giao khéo léo của Trung Quốc đối với Nga - cùng với những mong muốn của cả hai nước để đẩy phương Tây ra khỏi sân sau chung của họ - đã khiến những mâu thuẫn được giữ gìn “êm đẹp”sau những cánh cửa đóng kín.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc đang khẳng định rằng họ có thể cần phải tăng cường vị thế an ninh của mình trong khu vực Trung Á, hiện chưa rõ sự ổn định này có thể tồn tại bao lâu.