(Tổ Quốc) - Nỗi sợ hãi phổ biến trước “nguy cơ Trung Quốc” hiện hữu dù Bắc Kinh tăng cường xâm nhập kinh tế, văn hóa.
- 22.02.2018 Nhân sự Trung Quốc trong cuộc đua cuối cùng
Trung Á là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh và cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc. Trung Quốc trông chờ việc bảo đảm an ninh năng lượng với nguồn cung từ Trung Á và Nga.
Vòi bạch tuộc Vành đai và Con đường
Đường ống dẫn khí ga xuyên lục địa Turkmenistan – Trung Quốc hoạt động từ năm 2009. Trung Á có ý nghĩa về an ninh với Trung Quốc do tiếp giáp khu tự trị Tân Cương với lo ngại gây bất ổn về an ninh thông qua sự bành trướng từ Afghanistan và hoạt động của các nhóm chiến binh Hồi giáo. Vì vậy, lợi ích của Bắc Kinh và của cả Nga là không cho phép phá hủy các cấu trúc điều hành chính trị địa phương khiến khu vực trở nên hỗn loạn. Ngoài ra, Trung Á còn có vai trò quan trọng khác là thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ, nguồn khoáng sản, phát triển các dự án giao thông của Trung Quốc. “Vành đai và Con đường” (BRI) là trung tâm của các nỗ lực mà Trung Quốc đang vươn ra khu vực như những vòi bạch tuộc.
Binh sĩ Trung Quốc và Tajikistan trong một cuộc tập trận hàng năm tăng cường quan hệ an ninh. |
Trung Quốc, khi đạt mức độ phát triển kinh tế cao, đã tìm cách để cải thiện hình ảnh trong mắt các nước khác với sự trợ giúp của các công cụ văn hóa và các công cụ khác. Các nhà phân tích Kazakhstan phân chia “sức mạnh mềm” của Trung Quốc thành 3 hướng chính, đó là: (i) tiến hành chính sách an ninh ngăn ngừa việc làm trầm trọng tình hình, tránh các xung đột quân sự nếu không động chạm trực tiếp đến lợi ích lãnh thổ của mình; (ii) hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, nhân văn và văn hóa; (iii) quảng bá các thành tưu hiện đại của Trung Quốc.
Theo hướng thứ ba, Trung Quốc đã phát triển trên toàn thế giới hệ thống các Viện Khổng Tử, tính đến tháng 9/2017 có 516 viện, 1076 lớp học tại 142 nước và khu vực trên thế giới. Tại Trung Á, có khoảng 15 Viện Khổng Tử. Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng văn hóa tại Trung Á thông qua đào tạo các sinh viên của các nước này tại các trường Đại học của Trung Quốc. Kazakhstan dẫn đầu về số lượng sinh viên cử sang học tại Trung Quốc với 13.200 sinh viên năm 2015, Kyrgyzstan với gần 10.000 sinh viên. Tiếng Trung cũng được giảng dạy tại các trường Đại học tại Kazakhstan và Kyrgyzstan. Tuy nhiên, nhận xét về chất lượng giáo dục tại các trường của Trung Quốc không thống nhất. Theo quan điểm của các chuyên gia Nga, Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến việc đào tạo sinh viên thành chuyên gia thực sự. Các sinh viên chủ yếu học tiếng và văn hóa Trung Quốc để làm phiên dịch cho các công ty của Trung Quốc. Sinh viên tốt nghiệp gặp không ít khó khăn trong tìm việc làm tại quê hương vì chỉ có thể làm việc tại các vùng có các công ty của Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực thông tin. Truyền hình Trung ương Trung Quốc bắt đầu phát sóng tiếng Nga tại các nước khu vực gần Tân Cương, tăng cường hoạt động của các tòa soạn báo ở nước ngoài, mua cổ phần hoặc tài trợ các tờ báo địa phương để gây ảnh hưởng. Tại các nước Trung Á, hàng năm đều tổ chức các triển lãm hàng hóa Trung Quốc, các hoạt động văn hóa, kinh doanh nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và văn hóa.
Lo ngại rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc
Việc tăng cường ảnh hưởng văn hóa – tư tưởng của Trung Quốc tại Trung Á hiện vẫn gặp một rào cản mà đến nay Bắc Kinh chưa thể vượt qua, đó là “mối đe dọa Trung Quốc”. Người dân và giới lãnh đạo địa phương đều có thái độ thận trọng khi hợp tác với Trung Quốc. Tại khu vực hiện tồn tại một mối lo ngại khá lớn là Trung Quốc - đối tác kinh tế và đầu tư chủ yếu - dần dần sẽ tạo sự phụ thuộc về kinh tế - tài chính, sau đó là sự phụ thuộc về chính trị - quân sự của các nước Trung Á. Đặc biệt là tại Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, những nước có chung biên giới với Trung Quốc.
Tại Kazakhstan, tháng 3/2016, người dân biểu tình phản đối sửa đổi Luật đất đai cho phép bán đất nông nghiệp cho người Trung Quốc. Tajikistan lo ngại ngày càng phụ thuộc về kinh tế - tài chính vào Trung Quốc. Đầu tư Trung Quốc tại Tajikistan đến cuối năm 2016 đạt hơn 1 tỷ USD, trong khi đầu tư của tất cả các nước SNG đạt 950 triệu USD. Dự kiến đến năm 2020, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Tajikistan đạt 3 tỷ USD. Sự nghi ngờ đối với Bắc Kinh đặc biệt gia tăng sau khi Dushanbe vào tháng 1/2011 chuyển cho Bắc Kinh 11.000 km vuông tại vùng tranh chấp Pamir mà theo nhiều nguồn tin như một cách để trả nợ mặc dù thông báo chính thức là kết quả giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Nghi ngờ tương tự đối với Trung Quốc cũng hiện hữu tại Kyrgyzstan. Tại Uzberkistan, Turkmernistan, không có biên giới chung với Trung Quốc nhưng vẫn duy trì thái độ thận trọng và ngờ vực với Trung Quốc.
Việc tăng cường hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á đòi hỏi sự gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực nhân văn. Liệu Trung Quốc có trung hòa được các rào cản đang có sự trợ giúp của “sức mạnh mềm” hay không – vẫn là một câu hỏi lớn. Nhất là, kinh nghiệm cho thấy, các nước nghèo ở châu Phi và Nam Á đang lo sợ rơi vào bẫy nợ. Và để trả nợ thì nước đi vay phải thế chấp cho Trung Quốc các khoáng sản, như trường hợp Lào (đổi việc Trung Quốc khai thác khoáng sản lấy các khoản vay làm đường sắt và cao tốc xuyên Lào nối với Vân Nam) hay Srilanka phải “nhượng” quyền kiểm soát cảng biển chiến lược Hambanton trên Ấn Độ Dương./.
(Theo Eurasia.Expert)