• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga, Trung "đồng lòng" chặn đứng kế hoạch bảo tồn Nam cực lịch sử

Thế giới 04/11/2018 16:56

(Tổ Quốc) - Kế hoạch thiết lập một trong những khu dự trữ hải dương lớn nhất thế giới tại vùng biển Nam cực đã bị sụp đổ.

Nga, Trung đồng lòng chặn đứng kế hoạch bảo tồn Nam cực lịch sử - Ảnh 1.

Hôm thứ Sáu (2/11), tại hội nghị thượng đỉnh của Uỷ ban Bảo tồn các nguồn sống Đại dương Nam cực (CCAMLR) diễn ra ở Hobart (Australia), ba nước Nga, Trung Quốc và Na Uy đã "đồng lòng" ngăn cản kế hoạch xây dựng một khu vực bảo vệ đại dương rộng 1,8 triệu km vuông tại Biển Weddell.

Có diện tích rộng gấp 5 lần nước Đức, khu vực bảo vệ sẽ cấm đánh bắt cá và các hoạt động thương mại khác.

"Đây là một cơ hội lịch sử để thành lập một khu bảo tồn lớn nhất thế giới ở Nam cực: bảo vệ cuộc sống hoang dã, giải quyết biến đổi khí hậu và cải thiện tình trạng cho các đại dương trên toàn cầu", Frida Bengtsson, đến từ chiến dịch Bảo vệ Nam cực của tổ chức Hòa bình Xanh, cho biết. "22 phái đoàn có mặt tại Hobart để thảo luận với niềm tin mạnh mẽ, tuy nhiên, những đề xuất khoa học nhằm bảo vệ đại dương khẩn cấp đã bị làm chệch hướng bởi những can thiệp mà hầu như không liên quan tới khoa học".

Bengtsson cáo buộc Nga và Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp để làm giảm thời lượng "dành cho thảo luận thực sự về bảo vệ các vùng nước ở Nam cực".

Theo hãng tin Al Jazeera, tình trạng thiếu đồng thuận tại hội nghị năm nay đến từ những tranh cãi liên quan tới tính khoa học phía sau việc cần thiết phải thành lập một khu vực bảo vệ đại dương mới.

Mặc dù vậy, vẫn còn hy vọng Nga và Trung Quốc sẽ thay đổi sự phản đối của mình trong một tương lai gần.

Năm 2016, các thành viên của CCAMLR đã nhất trí thông qua kế hoạch thành lập một khu vực bảo vệ đại dượng rộng 1,55 triệu km vuông tại Biển Ross thuộc Nam cực. Từng bị Trung Quốc và Nga cùng phản đối trước đó, đề xuất này cấm hoạt động đánh cá thương mại tại khu vực bảo vệ trong vòng 35 năm.

Chạy đua với thời gian

"Chúng ta đang trong cuộc chạy đua với thời gian để bảo vệ các vùng biển trước khi quá muộn", Chris Johnson, một quản lý cấp cao của Quỹ Cuộc sống hoang dã Thế giới (WWF) cho biết. Theo WWF, kể từ năm 1970, loại người là nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của khoảng 60% các động vật có vú, chim muông, cá, lưỡng cư và bò sát trên thế giới.

"Chúng ta là thế hệ đầu tiên nhận thức được một bức tranh rõ ràng về giá trị thiên nhiên và tình huống nguy cấp mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta cũng có thể là thế hệ cuối cùng có thể làm được một điều gì đó để thay đổi nó", Johnson chỉ ra.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ